Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Newstalk tại Ireland, bà Lagarde nhấn mạnh rằng việc áp thuế không chỉ làm tổn hại các quốc gia bị nhắm mục tiêu, mà còn ảnh hưởng đến chính quốc gia áp đặt thuế. Bà cho rằng thuế quan đang góp phần gia tăng bất ổn kinh tế và các tranh chấp thương mại như vậy thường kết thúc bằng việc các bên phải quay lại bàn đàm phán.
Bà Lagarde cũng cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ có thể đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh đối với Liên minh châu Âu (EU). Bà nói: "Chúng ta có thể cùng nhau quyết định nắm giữ vận mệnh của mình… đó là cuộc hành trình hướng đến độc lập." Những nhận định này phản ánh lo ngại về các chính sách thương mại của Mỹ và tác động của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Pháp cũng đã lên tiếng về các kế hoạch thuế quan của Mỹ. Người phát ngôn Chính phủ Pháp, bà Sophie Primas, cho biết EU sẽ đáp trả các mức thuế mới mà Mỹ dự kiến công bố trong tháng 4 này. Bà Primas cho biết: "Sẽ có hai phản ứng. Phản ứng đầu tiên, sẽ diễn ra vào giữa tháng 4, là phản ứng với mức thuế đã được quyết định đối với thép và nhôm. Sau đó, sẽ có một nghiên cứu chi tiết, theo từng lĩnh vực và quyết định của châu Âu sẽ được công bố trước cuối tháng 4, theo cách phối hợp, thống nhất và mạnh mẽ." Bà cũng thông báo rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong ngày 2/4 để thảo luận về vấn đề này.
Cùng ngày, Đức cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chiến tranh thương mại, cho rằng nó sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Người phát ngôn Chính phủ Đức, Steffen Hebestreit, cảnh báo: "Chi phí của cuộc chiến thương mại không chỉ rơi vào một bên mà có thể trở nên tốn kém cho cả hai bên." Ông Hebestreit cũng nhấn mạnh rằng Đức "sẵn sàng và mong muốn đàm phán ở cấp độ châu Âu với Mỹ" để tránh một cuộc tranh chấp kéo dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố mức thuế toàn diện mới vào ngày 2/4 (giờ Mỹ), với các biện pháp thuế đối ứng đối với những quốc gia áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 3/4 (giờ Mỹ). Tổng thống Trump khẳng định rằng các chính sách thuế quan của ông nhằm bảo vệ người lao động và ngành sản xuất trong nước, giúp nước Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các biện pháp thuế mới đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại trên toàn cầu.
Những động thái này phản ánh sự gia tăng căng thẳng trong thương mại quốc tế, khi các chính sách thuế của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia bị nhắm mục tiêu mà còn tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau.