Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin thế giới sáng 1/2: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đề cử Nobel Hòa bình; chia tay mẫu Boeing 747

(VOH) - Một số thông tin khác: Đình công lớn ở Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu; Nga tuyên bố kiểm soát làng phía bắc Bakhmut.

Pháp tiếp tục đình công phản đối kế hoạch cải cách lương hưu

Ngày 31/1, cuộc đình công lần thứ hai trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đã gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động giao thông công cộng, trường học cũng như giao hàng của nhà máy lọc dầu ở nước này.

Chính phủ Pháp ước tính 1,1 triệu người lao động có thể tham gia 240 cuộc đình công trên khắp cả nước, trong khi các nghiệp đoàn cho biết con số này có thể lên đến hơn 2 triệu người, với nguy cơ cao dẫn đến gián đoạn giao thông, cũng như hoạt động của trường học và cơ quan hành chính.

Giới quan sát nhận định, đối với Tổng thống Macron, cuộc đình công lần này như phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát.

Tin thế giới sáng 1/2: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đề cử Nobel Hòa bình; chính thức chia tay dòng máy bay Boeing 747
Khoảng 1,1 triệu người đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu. Ảnh: Reuters

Nga tuyên bố kiểm soát làng phía bắc Bakhmut

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay tuyên bố lực lượng nước này đã "giải phóng làng Blahodatne" thuộc tỉnh Donetsk, vùng Donbass sau các "đợt tấn công thành công".

Làng Blahodatne nằm gần thành phố Soledar, thành phố với nhiều mỏ muối mà lực lượng Nga đã kiểm soát gần đây. Ngôi làng cũng án ngữ một tuyến cao tốc từ phía bắc dẫn tới thành phố Bakhmut.

Quân đội Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga. Nếu để mất làng Blahodatne, lực lượng Ukraine phòng thủ tại thành phố Bakhmut sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi quân đội Nga dần siết vòng vây.

Tin thế giới sáng 1/2: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đề cử Nobel Hòa bình; chia tay mẫu Boeing 747
Bakhmut ở miền Đông Ukraine đang trở thành điểm nóng chiến sự. Đồ họa: Dallas News

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đề cử Nobel Hòa bình

Chủ tịch Thượng viện Pakistan Muhammad Sadiq Sanjrani đã gửi thư tới Ủy ban Nobel Na Uy để đề cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực "không mệt mỏi" trong giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh ngày 31/1 là hạn chót để các bên gửi đề cử giải Nobel Hòa bình 2023 tới Ủy ban Nobel Na Uy. Những người có thể gửi thư đề cử gồm các nghị sĩ, bộ trưởng của bất cứ nước nào, các giáo sư trường đại học, cũng như những người từng đoạt giải Nobel trước đây.

Tổng thống Erdogan đã đóng vai trò quan trọng khi cùng Liên Hợp Quốc làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine năm ngoái, góp phần giúp thế giới thoát nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực.

Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine, cũng như góp phần quan trọng trong thỏa thuận trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và Ukraine, với hơn 200 người được trao trả.

Tin thế giới sáng 1/2: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đề cử Nobel Hòa bình; chính thức chia tay dòng máy bay Boeing 747
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại một sự kiện ở Ankara ngày 4/1/2023. Ảnh: Reuters

Boeing chính thức ngừng sản xuất dòng máy bay 747

Ngày 31/1, nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing bàn giao chiếc máy bay mẫu 747 cuối cùng cho hãng hàng không Atlas Air. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên Boeing 747, sau hơn 5 thập niên kể từ khi "Nữ hoàng Bầu trời" ra đời và tạo nên cuộc cách mạng trong ngành hàng không.

Hàng nghìn nhân viên của Boeing - bao gồm một số nhân viên được gọi là “những người phi thường” đã phát triển máy bay phản lực vào những năm 1960 - sẽ chứng kiến ​​lần giao hàng cuối cùng của dòng máy bay lịch sử.

Tin thế giới sáng 1/2: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đề cử Nobel Hòa bình; chính thức chia tay dòng máy bay Boeing 747
Chiếc Boeing 747 cuối cùng được xuất xưởng ngày 6/12/2022, thuộc sở hữu của hãng hàng không Atlas Air. Ảnh: BOEING

747 là dòng máy bay phản lực hai lối đi đầu tiên trên thế giới, được Boeing thiết kế và chế tạo trong 28 tháng, do Pan Am giới thiệu năm 1970. Sau 5 thập kỷ, nhu cầu của khách hàng đối với 747 giảm dần khi Boeing và Airbus phát triển các máy bay thân rộng hai động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Bình luận