Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin thế giới sáng 26/4: Thụy Điển trục xuất nhà ngoại giao Nga | Cảnh báo 'nguy cơ sinh học' ở Sudan

VOH - Một số thông tin khác: Đức bắt giữ đối tượng âm mưu đánh bom nhằm vào dân thường; WHO phát hiện siro ho chứa chất độc hại của nhà cung cấp Ấn Độ.

Thụy Điển trục xuất 5 nhà ngoại giao Nga

Ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết đã triệu Đại sứ Nga tại nước này tới để thông báo quyết định yêu cần 5 nhân viên đại sứ quán Nga phải rời khỏi Thụy Điển, do có các hoạt động không phù hợp với với Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. 

Bộ Ngoại giao Thụy Điển không nêu cụ thể các “hoạt động không phù hợp” được đề cập là gì, nhưng cho biết cơ quan an ninh nước này đã báo cáo rằng Nga vẫn tiếp tục thu thập tình báo ở quốc gia Bắc Âu.

Tháng 4/2022, Thụy Điển cũng đã trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc "hoạt động tình báo trái phép ở Thụy Điển". 

Theo hãng thông tấn TASS, Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức ra tuyên bố sẽ có biện pháp phù hợp để đáp trả quyết định này của Stokholm.

Tin thế giới sáng 26/4: Thụy Điển trục xuất nhân viên ngoại giao Nga | Cảnh báo 'nguy cơ sinh học' ở Sudan
Đại sứ quán Nga tại Stockholm, Thụy Điển - Ảnh: TASS

WHO cảnh báo về nguy cơ sinh học tại Sudan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/4 cảnh báo về “nguy cơ sinh học khổng lồ” sau khi phòng thí nghiệm y tế quốc gia ở thủ đô Khartoum của Sudan bị chiếm đóng bởi một phe trong cuộc giao tranh, và hiện sử dụng như một “căn cứ quân sự”.

Đại diện WHO tại Sudan cho biết phòng thí nghiệm có lưu trữ các chủng vi khuẩn, virus gây hàng loạt bệnh nguy hiểm, trong đó có bại liệt, sởi và tả, để phục vụ mục đích nghiên cứu.

Nguồn điện tại phòng thí nghiệm bị cắt, đồng nghĩa "không thể bảo quản đúng cách các mẫu sinh học”. Ngoài ra, nguồn máu dự trữ đang được lưu trữ tại đây cũng có nguy cơ bị hỏng.

Việc chiếm đóng phòng thí nghiệm y tế quốc gia đã tạo nên tình huống “cực kỳ, cực kỳ nguy hiểm” - theo đại diện WHO.

Tin thế giới sáng 26/4: Thụy Điển trục xuất nhân viên ngoại giao Nga | Cảnh báo 'nguy cơ sinh học' ở Sudan
Giao tranh ở Sudan hiện đã bước qua tuần thứ hai và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - Ảnh: AP

Đức bắt giữ đối tượng âm mưu đánh bom nhằm vào dân thường

Ngày 25/4, cảnh sát Đức đã bắt giữ một nam công dân Syria 28 tuổi có liên quan đến âm mưu đánh bom nhằm vào dân thường. 

Theo nguồn tin cảnh sát, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng trên tại Hamburg và tiến hành lục soát tại một số địa chỉ ở thành phố cảng này cũng như thị trấn Kempten, miền Nam nước Đức.

Khoảng 250 nhân viên cảnh sát đã được huy động tham gia chiến dịch này. Lực lượng chức năng đã thu giữ một số nguyên liệu nổ trong số vật chứng thu được tại các địa điểm khám xét.

Đối tượng bị bắt khai đã mua vật liệu chế tạo bom từ nền tảng eBay và một số nhà cung cấp khác trong vài tuần qua. Đối tượng còn một người em họ sống ở Kempten được cho là có vai trò hỗ trợ lên kế hoạch cho vụ tấn công. 

Tin thế giới sáng 26/4: Thụy Điển trục xuất nhân viên ngoại giao Nga | Cảnh báo 'nguy cơ sinh học' ở Sudan
Cảnh sát Đức khám xét nhà của nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố hóa học hồi tháng 1/2023 - Ảnh: AP

WHO phát hiện siro ho chứa chất độc hại của nhà cung cấp Ấn Độ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã phát hiện những lô hàng siro ho chứa chất độc hại do công ty Ấn Độ sản xuất tại quần đảo Marshall và Micronesia.

Thông báo của WHO nêu rõ các mẫu sản phẩm thuốc "Guaifenesin syrup TG syrup" chứa hàm lượng diethylene và ethylene glycol ở mức độc hại, có thể dẫn đến tử vong, tuy nhiên chưa có thông tin liên quan đến việc có hay không các trường hợp trẻ em nhiễm độc do các sản phẩm trên tại hai quần đảo này.

Tin thế giới sáng 26/4: Thụy Điển trục xuất nhân viên ngoại giao Nga | Cảnh báo 'nguy cơ sinh học' ở Sudan
Nhiều sản phẩm siro ho của Ấn Độ bị thu giữ vì không đảm bảo an toàn - Ảnh: AFP

Theo WHO, nhà sản xuất của các lô thuốc mới được phát hiện tại Tây Thái Bình Dương là của QP Pharmachem Ltd của Ấn Độ, có trụ sở tại Punjab và bên trung gian tiếp thị sản phẩm là Trillium Pharma, có trụ sở tại Haryana, Ấn Độ.

WHO cho biết các sản phẩm của QP Pharmachem và Trillium đều chưa được tổ chức này phê chuẩn về độ an toàn và chất lượng. 

Bình luận