Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin thế giới sáng 27/10: Tấn công khủng bố ở đền thờ Iran; Mỹ thử nghiệm vũ khí siêu thanh

(VOH) - Một số thông tin mới nhất còn có Đức chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa và Tổng thống Nga Putin giám sát tập trận hạt nhân.

Tấn công khủng bố nhằm vào một đền thờ ở Iran, 15 người thiệt mạng

Ngày 26/10, hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) đưa tin ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong một vụ tấn công nhằm vào đền thờ Shah Cheragh ở Shiraz, miền nam Iran. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố gây ra vụ tấn công lần này.

Những kẻ tấn công đã xả súng vào người hành hương và nhân viên tại khu vực cổng vào đền thờ. Trong số những người thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em.

Cảnh sát đã bắt giữ 2 trong 3 tên “khủng bố” và đang truy lùng tên thứ ba. Vụ tấn công diễn ra cùng ngày khi lực lượng an ninh đụng độ với những người biểu tình, đánh dấu 40 ngày kể từ khi cô gái trẻ 22 tuổi tên Mahsa Amini tử vong trong nhà giam sau khi bị cảnh sát đạo đức của Iran ở Tehran giam giữ vì đeo khăn trùm đầu “không phù hợp”.

Tin thế giới sáng 27/10: Tấn công khủng bố ở đền thờ Iran; Mỹ thử nghiệm thành công vật liệu chế tạo vũ khí siêu thanh mới
Đền thờ Shah Cheragh ở Iran. Ảnh: Wikipedia

Mỹ thử nghiệm thành công vật liệu chế tạo vũ khí siêu thanh mới

Theo Lầu Năm Góc, lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành phóng tên lửa từ cơ sở quân sự của NASA ở Virginia với mục tiêu thử nghiệm các loại vật liệu dùng chế tạo vũ khí siêu thanh mới. Cơ quan này cho biết các cuộc thử nghiệm đã thành công.

Các thiết bị bay siêu âm được phóng từ tên lửa đến vùng thượng tầng khí quyển, sau đó thực hiện bay lướt với tốc độ mục tiêu nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.200km/h.

Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường phát triển vũ khí siêu thanh - thế hệ vũ khí mới vượt trội về tốc độ phản ứng, từ đó có thể vô hiệu hóa cơ chế phản công của các loại vũ khí truyền thống.

Tin thế giới sáng 27/10: Tấn công khủng bố ở đền thờ Iran; Mỹ thử nghiệm thành công vật liệu chế tạo vũ khí siêu thanh mới
Mỹ phóng tên lửa thử nghiệm vật liệu chế tạo vũ khí siêu thanh mới tại cơ sở quân sự ở đảo Wallops, bang Virginia, ngày 26/10/2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin giám sát tập trận hạt nhân của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát các cuộc tập trận hạt nhân chiến lược của nước này, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các nước không ngừng leo thang vì chiến sự ở Ukraine. Theo Điện Kremlin, các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đã được phóng từ Bắc Cực đến vùng Viễn Đông của Nga.

Đây là tập trận hạt nhân thường niên mang tên “Grom” và đã được Nga thông báo trước với Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết Nga đang “đang tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí và các cam kết minh bạch khi đưa ra các thông báo đó”. Việc Nga thông báo trước về các cuộc tập trận hạt nhân được quy định trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START). Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. 

Tin thế giới sáng 27/10: Tấn công khủng bố ở đền thờ Iran; Mỹ thử nghiệm thành công vật liệu chế tạo vũ khí siêu thanh mới
Tổng thống Putin giám sát trực tuyến cuộc tập trận hạt nhân của Nga. Ảnh: BBC

Đức chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa

Đức đang lên kế hoạch cho phép sử dụng cần sa với mục đích giải trí. Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, nước này có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu hợp pháp hóa cần sa, sau Malta.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 26/10 trình bày kế hoạch về quản lý phân phối và sử dụng cần sa có kiểm soát cho mục đích giải trí ở người trưởng thành. Hành vi mua và sở hữu khoảng 20-30 gram cần sa để giải trí sẽ được coi là hợp pháp. Người dân được phép tự trồng cây cần sa ở mức hạn chế là 3 cây với một người trưởng thành. Chính phủ Đức còn lên kế hoạch áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng như phát triển giáo dục về cần sa.

Tin thế giới sáng 27/10: Tấn công khủng bố ở đền thờ Iran; Mỹ thử nghiệm thành công vật liệu chế tạo vũ khí siêu thanh mới
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach trong cuộc họp thông báo thông tin về hợp pháp hóa cần sa ở Đức, ngày 26/10/2022. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Đức cho biết thêm nước này sẽ trình kế hoạch lên Ủy ban châu Âu xin ý kiến đánh giá và sẽ chỉ soạn thảo luật sau khi được ủy ban này "bật đèn xanh". 

Hiện nay, nhiều nước châu Âu - trong đó có Đức, đã hợp pháp hóa cần sa nhưng chỉ trong phạm vi sử dụng cho các mục đích y học. Khảo sát hồi năm ngoái chỉ ra rằng hợp pháp hóa cần sa có thể mang lại cho Đức nguồn thu thuế hàng năm, tiết kiệm khoảng 4,7 tỷ euro và tạo ra 27.000 việc làm.

Mercedes-Benz và Ford chính thức rút khỏi thị trường Nga

Mercedes là doanh nghiệp châu Âu mới nhất quyết định rút khỏi thị trường Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chính thức nổ ra hồi tháng 2 năm nay. Trước đó từ đầu tháng 3, công ty này đã dừng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đến Nga, tuy nhiên đến nay mới công bố chính thức rút khỏi thị trường và bán lại các cổ phần tại các công ty con cho các nhà đầu tư Nga.

Trong khi đó, hãng xe hơi Ford của Mỹ ngày 26/10 cũng cho biết đã kết thúc đàm phán về việc rời khỏi thị trường Nga. Công ty này cũng dừng toàn bộ hoạt động ở Nga từ tháng 3, và hiện đã bán hết 49% cổ phần của mình cho liên doanh Sollers-Ford.

Bình luận