Việc này mở ra cơ hội cho đối thoại và tìm kiếm giải pháp song phương.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hàng hóa từ khoảng 75 đối tác thương mại, bao gồm EU.

Trên mạng xã hội X, bà von der Leyen khẳng định: “EU mong muốn tận dụng khoảng lặng này để đàm phán thẳng thắn với Mỹ về các vấn đề thương mại.” Dù các nước thành viên EU đã nhất trí thông qua biện pháp đáp trả, khối này sẽ chưa thực thi ngay mà chờ kết quả đối thoại.
Trước đó, ngày 9/4, EU đã chuẩn bị đánh thuế khoảng 21 tỷ euro (tương đương 23,25 tỷ USD) hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/4 nhằm đáp trả kế hoạch Mỹ áp thuế 25% đối với nhôm và thép EU.
Việc Tổng thống Trump bất ngờ thay đổi lập trường được đánh giá là động thái làm dịu căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu, nhưng nhiều nhà lãnh đạo vẫn tỏ ra thận trọng, đặc biệt khi mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ đối tác thương mại vẫn đang có hiệu lực từ 0h01 sáng 5/4 (giờ miền Đông Mỹ).
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 10/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút, tập trung bàn thảo về tác động của chính sách thuế quan Mỹ đối với kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương.
Cả Nhật Bản và Anh đều là đối tác thương mại lớn của Mỹ và hiện đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế mới. Hai nước dự kiến sẽ tổ chức các vòng đối thoại cấp bộ trưởng với Washington trong thời gian tới để tìm giải pháp phù hợp.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm tình hình tại Ukraine và các vấn đề chiến lược tại châu Âu cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.