Trưa ngày 9/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày. Trong thời gian này toàn bộ mức thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ được giảm xuống còn 10%, áp dụng với các quốc gia "không thực hiện biện pháp trả đũa với Mỹ".
Riêng Trung Quốc, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ quốc gia này bị nâng từ mức 104% lên mức cao kỷ lục 125%.
Thông báo được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi gói thuế đối ứng quy mô lớn chính thức có hiệu lực với 180 đối tác thương mại, và khoảng 6 giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế 84% đối với hàng hóa Mỹ để đáp trả.
“Trên cơ sở hơn 75 quốc gia đã liên hệ với giới chức Mỹ để đàm phán và không tiến hành các động thái trả đũa, tôi quyết định hoãn thuế trong 90 ngày và áp mức thuế tạm thời là 10%,” ông Trump viết trên mạng xã hội Truth.

Trung Quốc là ngoại lệ, bị tăng thuế vì "thiếu tôn trọng"
Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc "thiếu tôn trọng thị trường thế giới", cho rằng nước này đã lợi dụng Mỹ trong suốt nhiều năm. Do đó, mức thuế với hàng hóa Trung Quốc được nâng lên 125% và có hiệu lực ngay lập tức.
“Tôi hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ nhận ra rằng thời kỳ lợi dụng Mỹ và các quốc gia khác đã kết thúc,” ông Trump nhấn mạnh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận mức thuế cao áp với Trung Quốc là phản ứng trước hành động trả đũa gần đây của Bắc Kinh, đồng thời cho biết chính quyền đang tiến hành đàm phán riêng với từng quốc gia, và mức thuế 10% sẽ được duy trì trong quá trình thương lượng.

Thuế nền 10% vẫn giữ nguyên, thuế với thép - nhôm không thay đổi
Theo Nhà Trắng, mức thuế nền 10% vẫn được áp dụng trên gần như toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả các nước được hoãn thuế đối ứng.
Riêng các mức thuế riêng lẻ đối với ô tô, thép và nhôm vẫn giữ nguyên 25% và không nằm trong diện điều chỉnh lần này.
Tổng thống Trump cho biết tất cả các cuộc đàm phán thuế sắp tới sẽ được “thiết kế riêng” cho từng đối tác, và ông sẽ trực tiếp tham gia vào tiến trình này.

Hoãn áp thuế để mở không gian đàm phán
Phát biểu tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết việc hoãn thuế trong 90 ngày không nhằm trấn an thị trường mà để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại.
Ông Bessent xác nhận đến nay đã có khoảng 50 - 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu liên hệ với Mỹ để thảo luận các điều khoản mới.
“Tổng thống cần rất nhiều bản lĩnh để kiên định con đường đến thời điểm này,” ông Bessent nói, đồng thời khẳng định mọi quốc gia “đều được chào đón đến bàn đàm phán với những đề xuất tốt nhất của họ.”
Bộ trưởng Bessent cũng cho biết Tổng thống Trump muốn trực tiếp dẫn dắt các cuộc đàm phán song phương, thay vì đàm phán đa phương phức tạp.

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick gọi bài đăng của Tổng thống Trump trên nền tảng Truth là "một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông ấy", và tiết lộ ông đã cùng Bộ trưởng Tài chính Bessent chứng kiến Tổng thống Trump soạn thông báo này.
Phản ứng thị trường và cảnh báo từ giới chuyên gia
Ngay sau khi ông Trump thông báo tạm hoãn thuế, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh.
Theo dữ liệu sơ bộ, chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,16% - mức tăng theo tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 3/1/2001 và lớn thứ hai trong lịch sử; chỉ số S&P 500 tăng 9,49%; và chỉ số Dow Jones tăng 7,82%.


Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng đây chưa phải là tín hiệu ổn định lâu dài. Ông Jake Colvin, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đối ngoại Quốc gia, đánh giá việc hoãn thuế là bước đi đúng đắn để giảm tác động ngắn hạn, nhưng cảnh báo thuế nền 10% vẫn gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo rằng chính sách thuế quan mới có thể đẩy lạm phát tăng cao và làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Nhiều ngân hàng lớn hiện đã nâng dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, khi các mức thuế cao vẫn được duy trì và tâm lý thị trường toàn cầu vẫn bất ổn.