Ngày 21/4, Trung Quốc đưa ra tuyên bố cứng rắn, cảnh báo các quốc gia không nên ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ nếu những thỏa thuận này “gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc”.
Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ có biện pháp đáp trả rõ ràng đối với bất kỳ quốc gia nào “nhượng bộ” Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt được thỏa thuận làm phương hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối ứng.”
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang khẩn trương tìm kiếm các điều khoản thương mại có lợi với Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu cao chưa từng có. Theo đó, phần lớn các quốc gia phải chịu thuế 10%, riêng Trung Quốc đối mặt với mức thuế lên tới 145%, và một số mặt hàng đặc biệt bị đánh thuế tới 245%. Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế 125% đối với hàng hóa từ Mỹ.

Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hàn Quốc đang chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Washington. Hai bộ trưởng tài chính và thương mại của Hàn Quốc sẽ gặp gỡ các đối tác Mỹ trong tuần này để thảo luận về việc giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, bao gồm hàng điện tử và ôtô – các mặt hàng trọng điểm của những tập đoàn lớn như Samsung và Hyundai.
Tương tự, Nhật Bản cũng đang thúc đẩy các cuộc thương lượng với Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba gọi các cuộc đàm phán này là “hình mẫu cho thế giới” và cho biết đặc phái viên thuế quan Ryosei Akazawa đã gặp Tổng thống Trump tại Washington để thúc đẩy tiến trình thương lượng.
Ấn Độ là quốc gia tiếp theo nằm trong “bản đồ thương mại” của Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance dự kiến đến thăm Ấn Độ từ ngày 21/4 trong chuyến công du 4 ngày, nhằm củng cố các bước tiến cuối cùng cho một thỏa thuận thương mại song phương đang được đàm phán.
Trung Quốc tỏ ra không hài lòng với các diễn biến này và cho rằng nếu các thỏa thuận được ký kết nhằm thay thế hoặc làm suy yếu vai trò của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng, Bắc Kinh sẽ coi đó là hành động không thân thiện và sẵn sàng có phản ứng tương xứng.
Tuần trước, Tổng thống Trump từng tiết lộ Mỹ vẫn đang đàm phán với Trung Quốc về vấn đề thuế quan và ông tin rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được một thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện chưa xác nhận bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với Mỹ, dù nước này liên tục kêu gọi đối thoại. Đồng thời, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm “sẵn sàng chiến đấu” nếu cần thiết trong cuộc chiến thương mại và không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ sớm.