Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trung Quốc và mong muốn dẫn đầu thế giới về xe điện

VOH - Các báo cáo gần đây đều cho thấy, Trung Quốc xem xe điện là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược, và không che giấu ý định vươn lên đứng đầu thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ việc trợ cấp cho các công ty xe điện. Ủy ban châu Âu thậm chí công bố điều tra về vấn đề này. Theo Nikkei Asia, trong số hơn 5.000 công ty niêm yết tại Trung Quốc đại lục, 5 trong số 10 công ty nhận trợ cấp từ chính phủ nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023, thuộc về lĩnh vực xe điện hoặc pin cho xe điện.

Một chiếc xe điện do Trung Quốc sản xuất - Ảnh Frost&Sullivan
Một chiếc xe điện do Trung Quốc sản xuất - Ảnh Frost&Sullivan

1/ Quyết tâm của chính phủ Trung Quốc

Tập đoàn Contemporary Amperex Technology, hay CATL, đứng đầu danh sách khi nhận khoảng 391 triệu USD trợ cấp từ chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023. Con số tăng gần gấp 3 lần so với 1 năm trước. Nhà sản xuất xe điện đang niêm yết ở Thâm Quyến này không tiết lộ cụ thể về khoản trợ cấp. Công ty chỉ thừa nhận số tiền năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

EVE Energy, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của CATL ở thị trường Đại Lục, cũng lọt vào danh sách với mức trợ cấp tăng đột biến. Nhà sản xuất pin xe điện có trụ sở tại Quảng Đông đã nhận 1,08 tỷ nhân dân tệ (tương đương 140 triệu USD) trong nửa đầu năm 2023, gấp khoảng 4 lần so với năm ngoái.

EVE Energy đã tiết lộ tên của gần 60 mặt hàng được trợ cấp riêng lẻ, trong hồ sơ gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, cũng như tổng số tiền nhận được trong kỳ và số tiền còn lại mà EVE được hưởng tính đến cuối tháng 6/2023. Tên các khoản trợ cấp cho thấy, chúng đến từ sự kết hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương. Nhiều trong số đó bao gồm các từ "lithium-ion", “pin" và "xe điện". Một phần trợ cấp cũng đến từ quỹ dành riêng cho việc phát triển hợp nhất quân sự-dân sự cho các công ty.

Trong số các nhà lắp ráp xe điện, SAIC Motor niêm yết tại Thượng Hải là công ty nhận hỗ trợ lớn nhất từ chính phủ, với hơn 260 triệu USD, gấp đôi 1 năm trước. Hiện công ty đang cố gắng chuyển từ ô tô chạy bằng xăng thông thường, mà quá trình sản xuất phụ thuộc vào 2 liên doanh với Volkswagen và General Motors, sang xe điện của riêng mình. Tuy vậy, công ty không tiết lộ mục đích chi tiết các khoản trợ cấp.

BYD - công ty dẫn đầu Trung Quốc về doanh số bán xe điện và chuẩn bị vượt qua Volkswagen trong năm nay, để trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc, đang theo sát SAIC Motor trong danh sách trợ cấp. BYD nhận được 1,78 tỷ nhân dân tệ (tương đương 243 triệu USD) trong nửa đầu năm 2023, gần gấp 3 lần so với 1 năm trước. Công ty cũng không cung cấp thông tin chi tiết nào, ngoài tuyên bố rằng, hơn 1 tỷ nhân dân tệ trong tổng số tiền nhận được, dùng cho mục đích liên quan tới ô tô. Hiện BYD cũng là 1 nhà kinh doanh lớn ở mảng điện thoại di động.

Với tập đoàn Chongqing Changan Automobile, một phần đáng kể trong khoản trợ cấp trị giá 856 triệu nhân dân tệ (tương đương 117 triệu USD) của chính phủ, được gắn nhãn là “hỗ trợ công nghiệp” nhưng không mô tả gì thêm.

SAIC, CATL và Great Wall Motors nằm trong số 10 công ty nhận trợ cấp nhiều nhất vào năm 2022. Tập đoàn ô tô An Huy Jianghuai (JAC) và Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) cũng lọt vào top 10 trong 5 năm qua, khi Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất xe điện.

Hãng xe Great Wall Motors nói với Nikkei Asia hôm 21/9 rằng, thông báo của Ủy ban Châu Âu về việc tiến hành điều tra hành vị trợ cấp là đáng tiếc. Mức trợ cấp từ chính phủ mà công ty nhận được trong nhiều năm qua, phần lớn đến từ chính quyền địa phương, dựa trên chính sách công nghiệp hỗ trợ toàn cầu hóa.

Nhìn tổng thể bảng danh sách nhận trợ cấp, nhà sản xuất màn hình BOE Technology Group và tập đoàn dầu mỏ China Petroleum & Chemical (Sinopec) đứng đầu năm 2022.

Ông Norman Villamin, chiến lược gia trưởng của ngân hàng Thụy Sĩ UBP, đã so sánh phản ứng của châu Âu trước sự bùng nổ xe điện Trung Quốc, với 1 ví dụ trước đó trong ngành công nghiệp pin mặt trời.

Ông nói: “Mọi người quên rằng, vào những năm 1990, các nhà sản xuất pin mặt trời lớn đều ở châu Âu. Thế rồi sản phẩm của Trung Quốc từ từ tràn vào. Chúng có giá rất rẻ vì được chính phủ trợ cấp. Xe điện đang lập lại cách thức cũ. Châu Âu cần có biện pháp đối phó. Chúng ta có thể tham khảo cách làm cứng rắn của người Mỹ.”

2/ Phản ứng của châu Âu

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu vào ngày 13/9 rằng, Brussels sẽ mở cuộc điều tra về xe điện từ Trung Quốc. Theo bà, thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện rẻ của Trung Quốc. Giá của chúng quá thấp, nhờ vào khoản trợ cấp dồi dào từ chính phủ. Điều này đang bóp méo thị trường xe điện ở lục địa già.

Trong khi cuộc điều tra vẫn đang tiến hành, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và lĩnh vực liên quan, là người được hưởng lợi lớn bởi sự hỗ trợ kinh tế của chính phủ.

Cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu sẽ xác định, có nên áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.

Bà Yanmei Xie, nhà phân tích tại Gavekal Research cho biết: “Cuộc điều tra, nếu có kết luận, gần như chắc chắn sẽ phát hiện ra rằng, Trung Quốc vi phạm quy định về trợ cấp cho các công ty để chiếm lĩnh thị trường. Đây là cạnh tranh không công bằng và cũng không minh bạch. Nó không phản ánh đúng quy luật cung cầu của kinh tế thị trường.”

Tuy nhiên bà tin rằng, quyết định có áp thuế hay không sẽ mang tính chính trị. Hai quốc gia thành viên lớn nhất EU là Đức và Pháp có quan điểm khác nhau liên quan tới ô tô Trung Quốc. Pháp đang kêu gọi lập trường mạnh mẽ chống lại xe điện từ Trung Quốc. Trong khi Đức - quốc gia phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về thương mại, lo ngại sự trả đũa từ Bắc Kinh.

Bà Xie nói tiếp: “Ngành công nghiệp ô tô Đức đang đối mặt tình trạng chết dần chết mòn. Họ không thể nào cạnh tranh được với hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Đây là sự báo động cho công nghiệp Đức lẫn kinh tế Đức. Họ cần giảm phụ thuộc kinh tế, nhất là thương mại xuất nhập khẩu với đất nước tỷ dân, càng sớm càng tốt.”

Lo sợ xe điện từ Trung Quốc có thể bóp nghẹt các công ty nội địa, Chính phủ Pháp cũng đang xem xét lại 1 số chương trình trợ cấp.

Người mua xe điện sản xuất nội địa ở Pháp có thể nhận được trợ giá 5.000 EURO, nhằm gián tiếp hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như thúc đẩy nền kinh tế xanh mà chính phủ đang theo đuổi.

Động thái của Paris diễn ra vài ngày sau khi Ủy ban châu Âu công bố cuộc điều tra về trợ cấp cho lĩnh vực xe điện ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng, chính phủ sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp xả thải khí carbon thấp. Ước tính hơn 1 tỷ EURO đã được chi cho điều này. Chính phủ đang hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng khí carbon về 0 theo đúng cam kết tại hội nghị khí hậu Paris, và hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc 2021 (COP26).

Bộ Kinh tế Pháp đánh giá, xe điện sản xuất từ Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá để làm nhiên liệu. Do vậy, đây là mặt hàng không thân thiện với môi trường, nên bị loại trừ hỗ trợ nếu người dùng chọn mua.

Chính phủ Pháp tuyên bố, các tiêu chí được đặt ra trên cơ sở khoa học, và có lợi cho nhà sản xuất ô tô châu Âu. Điều này tương thích với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những sản phẩm có tác động đến môi trường.

Một quan chức Pháp nói: “Mỗi chiếc sedan cỡ nhỏ ở Trung Quốc, quá trình sản xuất tạo ra lượng khí thải nhiều hơn 45% so với mẫu xe cùng loại của châu Âu. Thông thường, pin từ Trung Quốc thải ra lượng carbon trong quá trình sản xuất nhiều hơn 1,7 lần so với pin sản xuất ở Pháp.”

Quan chức này nói thêm: “Lý do đằng sau cuộc cải cách đang tiến hành ở Pháp, là để giảm lượng khí thải carbon ra môi trường càng nhiều càng tốt. Lượng khí thải này xuất phát từ quá trình sản xuất đến hoạt động vận chuyển.”

Bà Agnes Pannier-Runacher, Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Pháp bộc bạch: “Chúng tôi đang mang lại lợi thế cho các công ty Pháp và châu Âu, vì họ nghiêm túc tạo ra những sản phẩm thân thiện, ít tác động tiêu cực đến môi trường. Môi trường và kinh tế xanh là xu hướng chung toàn cầu, trong đó Pháp là 1 trong các bên đi tiên phong.”

Bà cho biết thêm, một số mẫu xe, đặc biệt là ô tô cỡ nhỏ sản xuất tại châu Á, có thể đủ điều kiện nhận trợ cấp khi người tiêu dùng Pháp chọn mua. Danh sách chính thức các mẫu xe điện đủ điều kiện, sẽ được công bố vào giữa tháng 12 tới.

Cổ phiếu hàng loạt hãng xe lớn ở châu Âu, như Renault, Peugeot hay Citroen, đã tăng trên dưới 2% sau khi chính phủ Pháp đưa ra thông báo trên vào giữa tháng 9 vừa rồi.

Theo 1 số chuyên gia, mặc dù các khoản trợ cấp lớn của Trung Quốc cho lĩnh vực xe điện là thực tế, nhưng châu Âu phản ứng vẫn chưa mạnh mẽ, chưa dứt khoát và chưa chắc chắn giữa nội bộ những nước thành viên.

Bình luận