Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trung Quốc xuất hiện ca nhiễm cúm gia cầm H10N3 đầu tiên ở người

(VOH) - Ngày 1/6, Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh (NHC) xác nhận một người đàn ông 41 tuổi ở nước này là trường hợp đầu tiên ở người mắc bệnh cúm gia cầm loại hiếm H10N3.

Tại Trung Quốc đã xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau, và một số ít trong đó có sự lây lan sang người - chủ yếu là những người làm việc trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, số ca nhiễm lây sang người không nhiều và cũng không thường xuyên. Hiện tại chưa có ghi nhận nào cho thấy chủng cúm H10N3 có thể lây nhiễm dễ dàng sang người.

Bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm gia cầm H10N3 là một cư dân nam, 41 tuổi, ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc. Ông nhập viện ngày 28/4 và được chẩn đoán nhiễm virus cúm H10N3 vào ngày 28/5 - theo Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh (NHC). Cơ quan này không nêu chi tiết về nguyên nhân lây nhiễm của bệnh nhân.

Tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân đã ổn định và cũng có thể xuất viện. Phía NHC cho biết, sau khi điều tra về lịch sử dịch tễ và tiếp xúc của bệnh nhân thì không ghi nhận thêm ca nhiễm nào.

Giới chức y tế Trung Quốc cho rằng đây là ca lây nhiễm theo mùa và nguy cơ lây lan diện rộng là cực kỳ thấp. “Chưa từng có ca H10N3 nào trên người được báo cáo trên thế giới, và virus H10N3 trên gà là loại ít có khả năng gây bệnh”, NHC thông báo.

NHC đã chỉ đạo tỉnh Giang Tô phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh và tổ chức chuyên gia đánh giá rủi ro. Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả phân tích gen cho thấy, virus H10N3 có nguồn gốc từ gia cầm và không có khả năng lây sang người một cách hiệu quả.

Trung Quốc xuất hiện ca nhiễm cúm gia cầm H10N3 đầu tiên ở người
Tiêm ngừa cúm gia cầm tại một trang trại ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

H10N3 là một dạng khác của virus cúm A và thường nguy hiểm đối với các loại chim tự nhiên và gà, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chủng cúm H5N1 có tỷ lệ tử vong lên đến 60% trên người. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng virus H10N3 ít nguy cơ đối với người và chưa có bằng chứng cho thấy nó có thể gây lây nhiễm từ người sang người.

Hiện chưa rõ bệnh nhân nói trên bị nhiễm như thế nào nhưng giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng người này có thể bị nhiễm từ những giọt tiết ra từ đường hô hấp của gà, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với gà sống bị bệnh.

Dịch cúm gia cầm ở người tại Trung Quốc xảy ra gần nhất trong khoảng thời gian năm 2016 - 2017 do virus H7N9. Chủng virus này lây nhiễm cho 1.668 người và cướp đi sinh mạng của 616 người kể từ năm 2013, theo Liên Hiệp Quốc. Sau đợt bùng phát dịch cúm gia cầm gần đây ở châu Phi và lục địa Âu - Á, Trung Quốc siết chặt giám sát các trang trại gia cầm, chợ và chim hoang dã.

Bình luận