Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ukraine nên chuyển từ phản công sang phòng thủ trong năm 2024?

VOH - Với những khó khăn hiện nay như thiếu viện trợ, bế tắc trên chiến trường, mâu thuẫn nội bộ, nhiều ý kiến cho rằng Ukraine nên chuyển từ phản công sang phòng thủ trong năm 2024.

Ngày 12/12/2023, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tới Washington để đích thân yêu cầu viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, nhưng ông ra về tay trắng. Hơn một tháng trước đó, các đảng viên Cộng hòa ở Đồi Capitol đã chặn dự luật chi tiêu khẩn cấp có 60 tỷ USD viện trợ Ukraine. Họ khẳng định chỉ phê duyệt, nếu đảng Dân chủ nhượng bộ vấn đề nhập cư. Tới nay, vẫn chưa có gói viện trợ mới nào được thông qua. Ngày 13/1/2024, Lầu  5 Góc thông báo, họ chính thức tạm dừng cung cấp khí tài cho quốc gia Đông Âu do không còn ngân sách, trừ khi Quốc hội hành động. Ngày 9/2/2024, Tổng thống Zelenskiy cách chức Tư lệnh quân đội Valery Zaluzhnu – đẩy mâu thuẫn nội bộ lên tầm cao mới. Các biến động này có thể buộc Ukraine phải thay đổi chiến lược, từ tấn công sang phòng thủ. Câu hỏi đặt ra, liệu Ukraine có thể chiến thắng bằng phương án phòng thủ hay không?

Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường - Ảnh: CFR
Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường - Ảnh: CFR

Chuyến thăm của ông Zelenskiy nêu bật những vấn đề lớn mà Ukraine đang đối mặt. Cuộc phản công được nhiều người mong đợi vào năm ngoái đã thất bại, khi không thể thu hồi lãnh thổ từ Nga. Sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine khắp phương Tây đang giảm vì xung đột đi vào bế tắc. Theo một số chuyên gia như Emma Ashford và Kelly A. Grieco từ đại học Georgetown (Hoa Kỳ), tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang rất rõ ràng. Họ có thể tiếp tục đổ nguồn lực vào cuộc chiến, để tìm kiếm một chiến thắng ngày càng khó xảy ra. Họ cũng có thể giảm viện trợ, đặt Ukraine vào thế phòng thủ, và có nguy cơ bị Nga phản công. Đây là lý do chính quyền tổng thống Biden công khai khẳng định, sẽ không thay đổi chiến lược, kể cả khi Quốc hội ngưng phê duyệt viện trợ. Trên thực tế còn một lựa chọn khác, lựa chọn đang bị Washington bỏ qua, là “Chiến thắng thông qua phòng thủ”.

Phần lớn viện trợ Ukraine trong hai năm qua, tập trung vào khả năng tấn công. Đó là xe tăng tiên tiến của phương Tây, thiết bị rà phá bom mìn và tên lửa tầm xa. Tất cả nhằm đẩy lùi Nga. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chiến thắng của Ukraine và phương Tây không nhất thiết phải giành lại toàn bộ lãnh thổ. Ví dụ thuyết phục Nga từ bỏ mục tiêu chinh phục Ukraine cũng nên được cân nhắc.

Nếu Ukraine có thể bảo vệ lãnh thổ mà họ đang kiểm soát trong những tháng tới, bằng cách sử dụng mìn chống tăng và công sự, cũng có thể ngăn cản Nga chiến thắng, thậm chí mở ra cơ hội đàm phán hòa bình. Tổng thống Putin tin rằng, thời gian đang đứng về phía nước Nga. Một hệ thống phòng thủ vững chắc của Ukraine, có thể phần nào làm suy yếu niềm tin đó.

PHƯƠNG TÂY CẦN THAY ĐỔI ĐỊNH NGHĨA VỀ CHIẾN THẮNG?

Không ít chuyên gia nhận định, tình trạng khó khăn hiện nay mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây đối mặt, là kết quả của lối suy nghĩ theo chủ nghĩa quá cầu toàn. Ví dụ ông Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ ở châu Âu từng khẳng định: “Chiến thắng cho Ukraine, nghĩa là khôi phục toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền, bao gồm cả bán đảo Crưm”. Ở phía bên kia, có tiếng nói cho rằng, Hoa Kỳ đã chi quá nhiều. Ukraine nên tìm kiếm hòa bình ngay bây giờ. Hòa bình theo cách hợp lý, chứ không bắt buộc phải giành chiến thắng.

Cuối năm 2023, 19 thành viên Cộng hòa tại lưỡng viện Hoa Kỳ đã viết thư tới Nhà Trắng. Bức thư có đoạn: “Cần tìm ra cách thích hợp để Mỹ hỗ trợ Ukraine. Tuồn vũ khí không giới hạn trong một cuộc chiến bất tận, chưa phải kế sách hay. Lợi ích quốc gia của chúng ta và người dân Ukraine, là nên đàm phán tìm ra giải pháp.”

Các nghị sỹ cũng lập luận, có những hạn chế thực sự của phương Tây, trong việc hỗ trợ Ukraine giành lại lãnh thổ. Dư luận Hoa Kỳ và châu Âu đang phản đối tài trợ bổ sung, trong lúc kho dự trữ đạn dược cạn kiệt. Ukraine đạt được rất ít tiến triển trên thực địa trong năm 2023, ngay cả khi có sự hỗ trợ to lớn từ phương Tây, đặc biệt các loại vũ khí tiên tiến. Do đó, sẽ không thể xoay chuyển tình hình, kể cả khi nhận được phiên bản xa hơn của tên lửa ATACMS hay máy bay chiến đấu F-16. Một số chuyên gia cũng nhận định, phía Nga không đơn giản chấp nhận ngừng bắn, đặc biệt khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần. Cả Hoa Kỳ sẽ bị cuốn vào sự kiện này. Bên cạnh đó, Nga đông quân hơn, các cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh hơn, nên lợi thế hơn trong cuộc đua lâu dài.

Nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây đang nhận ra thực tế, là họ cần chiến lược mới. Ví dụ Nhà Trắng nên thúc đẩy Ukraine chuyển sang thế phòng thủ vào năm 2024. Tổng thống Zelenskiy cùng các chỉ huy quân sự phải chấp nhận sự cần thiết của thay đổi trên. Họ cũng đang đẩy mạnh xây dựng công sự từ tháng 11/2023. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng cần một cách diễn giải khác về chiến thắng. Xoay trục sang phòng thủ có thể là ý tưởng nên làm, nhưng cả Washington và Kiev đều đang theo đuổi nó vì những lý do khác nhau. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, phòng thủ phần lớn được xem như biện pháp tạm thời, câu giờ để xây dựng năng lực cho các cuộc tấn công trong tương lai. Như chuyên gia Jack Watling viết trên tạp chí “Foreign Policy” gần đây, phương Tây hiện đối mặt với lựa chọn khó khăn: Hỗ trợ Ukraine để bảo vệ lãnh thổ, sau đó chuẩn bị những cuộc tấn công năm 2025, hoặc tiếp tục duy trì đà phản công đã không phát huy hiệu quả. Quan điểm tương tự dường như cũng đang được cân nhắc ở Kiev, nơi ngành công nghiệp quốc phòng được ưu tiên rất cao, trong lúc quân đội tập trung xây dựng lực lượng dự bị, cũng như tiếp tục tấn công sâu vào hậu cần của Nga.

Tướng Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine gần đây lập luận rằng, những cách tiếp cận mới và sáng tạo, vẫn có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Trong cả 2 trường hợp trên, Ukraine đều cần xây dựng lại lực lượng trong năm 2024, và tiếp tục phản công chậm nhất vào mùa xuân 2025.

Tuy nhiên đến nay, lý thuyết về chiến thắng theo cách trên đã thất bại, ít nhất là trong các cuộc thử nghiệm trên chiến trường. Chiến dịch cơ động của Ukraine, như cố gắng vượt qua phòng tuyến của Nga, sau đó nhanh chóng chiếm lại lãnh thổ, cũng như làm suy yếu sự ủng hộ của người dân Nga đối với cuộc chiến, thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Moscow, đều không thành công. Các lãnh đạo Nga chắc chắn không bao giờ thừa nhận thất bại, vì họ tin rằng, quân đội vẫn có đường đi đến chiến thắng. Sức mạnh của Nga sẽ tồn tại lâu hơn, do viện trợ của phương Tây đến Ukraine yếu đi. Cuối cùng, Ukraine thất trận vì tiêu hao.

Sau hai năm chiến tranh, mục tiêu chính xác của Nga hiện vẫn chưa rõ ràng. Cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 2/2022, là để kiểm soát Kiev và khuất phục Ukraine. Điều đó đã thất bại. Nga chuyển sang 4 tỉnh miền Đông là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhiya. Nga đang kiểm soát khoảng hơn 60% 4 tỉnh này. Họ có quyết tâm kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh hay không, thì không ai chắc chắn. Nhưng các mục tiêu khác, như làm suy yếu Ukraine, ngăn Ukraine gia nhập NATO hay hội nhập sâu hơn với EU, thì có vẻ chi tiết hơn.

Trong bối cảnh này, củng cố thế trận phòng thủ, có thể là con đường dẫn đến chiến thắng cho Ukraine. Lý do là phía Nga nhận ra, họ không có cách nào đạt được những mục tiêu đặt ra. Những bước cần làm, là Ukraine xây dựng công sự cũng như khả năng phòng thủ thật vững chắc, để chứng minh họ có thể duy trì cuộc chiến tiêu hao kéo dài, đủ sức ngăn chặn bước tiến xa hơn của Nga, kể cả khi sự hỗ trợ từ phương Tây giảm. Theo thời gian, một hệ thống phòng thủ nhất quán và bền vững của Ukraine, sẽ thuyết phục Điện Kremlin rằng, tiếp tục chiến đấu là vô ích. Lúc này triển vọng hòa bình có cơ hội xuất hiện.

CÁCH TẠO RA MẠNG LƯỚI PHÒNG THỦ TỐT

Nếu có một bài học rõ ràng rút ra từ cuộc chiến này, thì chiến trường ngày càng thiên về phòng thủ. Các vũ khí hiện đại, đặc biệt là máy bay không người lái, pháo binh và tên lửa chống tăng tầm xa, hỗ trợ việc giữ lãnh thổ dễ hơn so với việc chiếm được. Hệ thống phòng không cơ động trên mặt đất khó bị phát hiện, mang lại lợi thế về phòng thủ trước máy bay đối phương. Do vậy, chuyển sang phòng thủ ở Ukraine có thể tận dụng được những lợi thế này, và cần ít nhất ba yếu tố để thành công.

Đầu tiên, Ukraine nên xây dựng hệ thống tuyến phòng thủ bao gồm các hào sâu, vị trí bắn, mìn chống tăng và hàng rào bê tông hình kim tự tháp còn được gọi là “răng rồng” - một hệ thống không khác gì “phòng tuyến Surovikin” mà lực lượng Nga đã triển khai thành công năm ngoái. Quân đội Ukraine có câu thần chú: “Muốn sống thì phải đào”. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ của Ukraine đến nay, chủ yếu bao gồm các chiến hào cạn, chứ không phải công sự cố định. Lý do họ ưu tiên phòng thủ linh hoạt.

Hệ thống phòng thủ cũng phải dày đặc và nhiều lớp hơn nữa, dần làm suy giảm sức mạnh của Nga nếu cố gắng vượt qua. Tuyến đầu tiên được bố trí dày đặc đạn chống tăng và hàng rào bê tông, phía sau là quân đội Ukraine trong các hầm và chiến hào với hỏa lực luôn sẵn sàng. Tuyến phòng thủ thứ hai, biện pháp bảo vệ chống lại sự đột phá chọc sâu của các lực lượng tinh nhuệ, khiến bất kỳ ai tấn công cũng phải trả giá đắt. Những công trình này sẽ mang lại cho quân đội Ukraine sự bảo vệ đáng kể, cho phép họ chống chọi tốt hơn với các đợt tấn công của Nga, so với hệ thống phòng thủ cơ động mà Ukraine đang vận dụng đến nay.

Về chi phí, có thể rẻ một cách ngạc nhiên. Ví dụ, Nga xây dựng những chiếc răng rồng với khoảng 130 USD mỗi kim tự tháp, đặt khoảng 1.000 kim tự tháp thành bốn hàng mỗi dặm. Với chi phí đó, Ukraine có thể củng cố toàn bộ chiến tuyến Donbas (dài 260 dặm) với chi phí trên dưới 54 triệu USD. Mìn chống tăng cũng rẻ, giá chưa tới 10.000 USD mỗi quả. Quân đội Mỹ sở hữu rất nhiều loại này, gồm hơn 178.000 quả mìn M21 dự kiến sẽ sớm được thay thế bằng các mẫu mới hơn. Mặc dù bom mìn có khả năng gây nguy hại cho dân thường khi xung đột kết thúc, nhưng trong trường hợp này, lợi ích vẫn lớn hơn rủi ro. Hoa Kỳ không chỉ đóng góp, mà cần hợp tác với đồng minh để lên kế hoạch giảm rủi ro, và rà phá bom mìn trong tương lai.

Thứ hai, Ukraine cần duy trì sức mạnh trên bầu trời, đảm bảo không bên nào có được ưu thế vượt trội. Mặc dù các chỉ huy Ukraine khẳng định, ngay cả một lượng nhỏ máy bay chiến đấu của phương Tây như F-16, cũng đủ để giành ưu thế trên không, nhưng sự thực điều đó dường như khó xảy ra. Radar của Nga sẽ phát hiện chính xác những máy bay trên, trước khi phi công Ukraine tiếp cận mục tiêu. Nga sở hữu nhiều hệ thống phòng không hiện đại, đặc biệt là S-400.

Tuy nhiên, như Ukraine thể hiện trong cuộc chiến đến nay, họ có thể thành công về mặt phòng thủ, miễn là hệ thống phòng không trên mặt đất hiệu quả với máy bay Nga. Ngày nay, kho dự trữ tên lửa phòng không của phương Tây đang cạn, làm tăng nguy cơ Kiev sẽ không thể kìm chân không quân đối phương. Để tránh viễn cảnh trên, Ukraine có thể phải đưa ra lựa chọn khó khăn, là kỹ lưỡng hơn trong việc sử dụng khả năng phòng không của mình, cần ưu tiên bảo vệ các cứ điểm quan trọng. Điều này nghĩa là, không nên cố đánh chặn mọi tên lửa hoặc máy bay không người lái của Nga. Nếu cố đánh chặn tất cả, có nguy cơ thua trong cuộc chiến trên không vì cạn tên lửa. Phương Tây sẽ gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu. Dẫu vậy, vẫn có những giải pháp tạm thời. Ví dụ khởi động dự án FrankenSAM, kết hợp các tên lửa tiên tiến của phương Tây với bệ phóng và radar thời Liên Xô của Ukraine. Chỉ cần thay đổi thông số và điều chỉnh kỹ thuật, có thể tiết kiệm rất nhiều cho cả phương Tây lẫn Ukraine.

Thứ ba, Ukraine cần mở rộng sản xuất vũ khí trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Chiến tranh Lạnh, Ukraine là nhà sản xuất vũ khí lớn. Những nỗ lực của Kiev nhằm tăng sản xuất từ khi bắt đầu chiến tranh đến nay, cho thấy nhiều viễn cảnh lạc quan. Ví dụ, số lượng công ty Ukraine sản xuất máy bay không người lái tăng từ 7 lên 80 trong năm 2023. Nhiều quốc gia sẽ cảnh giác trong việc chia sẻ công nghệ quân sự nhạy cảm, nhưng phần lớn những gì Ukraine cần là pháo binh, máy bay không người lái và vũ khí chống tăng. Tất cả đều không cần công nghệ quá hiện đại, rẻ và tương đối dễ sản xuất. Khi Ukraine tự chủ hơn, dẫu nguồn cung từ phương Tây đi xuống, quân đội Nga vẫn phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt.

Chuyển sang phòng thủ cũng cho điện Kremlin thấy, chinh phục thêm lãnh thổ là ngoài tầm tay. Phòng thủ còn giúp Ukraine giải quyết hai vấn đề lớn: Thiếu binh lính và sự hỗ trợ từ phương Tây giảm. Mạng lưới phòng thủ vững chắc cho phép Ukraine khai thác các nguồn tài nguyên của mình hợp lý, giảm số lượng nhân sự và pháo binh cần thiết để bảo vệ tiền tuyến. Với cuộc khủng hoảng nghĩa vụ nghiêm trọng đang diễn ra, bất kỳ chiến lược nào dẫn đến việc chỉ cần ít quân hơn, đều có thể coi như chiến thắng phần nào đó.

Ukraine phòng thủ cũng đỡ tốn kém hơn cho phương Tây. Chiến lược này giúp giảm bớt nhu cầu trang bị cho Ukraine, nhất là các hệ thống đắt tiền và khan hiếm, như máy bay chiến đấu hoặc xe tăng. Thay vào đó, phương Tây có thể định hướng lại viện trợ, đẩy mạnh các loại đạn dược, vật tư xây dựng và hệ thống phòng không, đi kèm là hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

PHƯƠNG TÂY CẦN MỘT THÔNG ĐIỆP NHẤT QUÁN?

Một số tiếng nói cho rằng, sẽ không đủ để bảo vệ đất nước, nếu Ukraine chỉ chuyển sang phòng thủ ngoài mặt trận. Trường hợp phương Tây nhấn mạnh Ukraine phải giành lại lãnh thổ, nhưng lại khó thông qua các gói viện trợ mới, thì Nga có triển vọng đạt được các bước tiến lớn. Do vậy, chiến lược quân sự phải đi đôi với hành động chính trị từ Nhà Trắng. Ví dụ Lầu 5 Góc nên nói rõ, họ không tìm cách hỗ trợ Ukraine các hoạt động tấn công, mà tập trung vào củng cố khả năng phòng ngự. Thông điệp từ Nhà Trắng rất đơn giản: Ukraine có cơ hội tốt hơn để giữ vững lãnh thổ hiện nay, cũng như duy trì cuộc chiến bằng chiến lược đó.

Để giúp chiến lược trên trở nên vững chắc, tác động tới quyết tâm của Nga, Nhà Trắng cần đưa ra tín hiệu. Thay vì thúc đẩy Quốc hội ủng hộ dự luật viện trợ khổng lồ cho Ukraine, Nhà Trắng nên tìm kiếm gói ngân sách nhỏ hơn, mang tính thỏa hiệp hơn, như cung cấp các hệ thống phòng thủ ít tốn kém, song song với giúp Ukraine xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng của riêng mình. Bằng cách thay đổi cơ cấu tài trợ, Nhà Trắng báo hiệu họ sẽ áp dụng các chiến lược mới, hướng tới một cuộc chiến ít tốn kém nhưng có hiệu quả trong tương lai dài.

Nhà Trắng cũng có thể công khai ý định của mình, bằng cách gây áp lực lên Ukraine. Thật vậy, trở ngại chính cho chiến lược mới, sẽ là sự phản đối ở chính phủ quốc gia Đông Âu. Các nhà lãnh đạo ở Kiev sẽ bác bỏ chuyển sang phòng thủ, vì nó dẫn đến kết thúc chiến tranh theo các đường kiểm soát hiện tại, tương tự như bán đảo Triều Tiên. Mặc dù cuộc xung đột đó chưa chính thức kết thúc, nhưng củng cố và ổn định vĩ tuyến 38, đã tạo ra một hiệp định đình chiến lâu dài, giúp Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. Chiến lược phòng thủ ở Ukraine cũng có thể tạo ra kết quả tương tự. Nhà Trắng nên nói rõ, họ sẽ coi đây là chiến thắng. Nhiều chuyên gia phương Tây cũng khẳng định, nếu có một điều được coi là thất vọng cho nước Nga về lâu dài, thì đó là Ukraine độc lập, phồn vinh và hội nhập kinh tế với châu Âu. Lý do hàng ngàn năm lịch sử, Ukraine là 1 phần của Nga. Tâm thức này vẫn hiện diện mạnh mẽ ở Nga tới ngày nay.

Cuối cùng, chính quyền Mỹ cần xây dựng sự đồng thuận của phương Tây xung quanh cách tiếp cận. Chiến lược sẽ thu hút các nước châu Âu đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cuộc chiến, nhất là người dân Đức. Nhưng sẽ nan giải hơn nhiều ở Đông Âu, nơi chiến thắng cho Ukraine mặc định là phải lấy lại hết lãnh thổ. Nỗi lo sợ chung của người dân Ba Lan và các nước Baltic, là bất kỳ thất bại nào trong việc thu hồi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, sẽ gửi thông điệp tới Điện Kremlin, rằng họ có thể làm điều tương tự với quốc gia khác. Để giải quyết lo ngại trên, Washington cần nhấn mạnh quan điểm, chiến lược mới rất hiệu quả trong việc ngăn chặn Nga kiểm soát thêm lãnh thổ ở Ukraine, tất nhiên là cả ở những nơi khác. Lập trường như vậy cũng có thể trấn an đồng minh của Ukraine, rằng chiến lược phòng thủ sẽ linh hoạt và an toàn hơn, trước những thay đổi về địa chính trị trong lòng phương Tây, đặc biệt là biến động ở Mỹ liên quan tới bầu cử.

Năm 2024, nếu Quốc hội Mỹ chùn bước trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine, hoặc khả năng khó xảy ra hơn là ông Donald Trump đắc cử tổng thống, gánh nặng lập tức chuyển qua châu Âu. Theo các chuyên gia, để chuẩn bị viễn cảnh trên, từ bây giờ EU nên cung cấp vật tư phòng thủ cho Ukraine. Vật liệu xây dựng cơ bản như bê tông, xi măng rất hữu ích để xây công sự. Ngành xây dựng của Đức bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng cao. Các công ty Đức và quân đội Ukraine sẽ hưởng lợi từ việc chính phủ 2 nước tăng chi tiêu xây dựng.

Dù thế nào cũng phải thừa nhận, chiến lược phòng thủ sẽ không giải quyết được tất cả vấn đề nan giải của Ukraine. Dẫu áp dụng cách tiếp cận nào, gần như chắc chắn Ukraine sẽ phải đối mặt với một mùa đông khốc liệt, như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, nhắm vào những cơ sở công nghiệp trọng yếu. Chiến lược phòng thủ sẽ tạo ra cảm giác khó chịu với không ít chính trị gia Ukraine, vì yêu cầu Kiev từ bỏ mục tiêu giành lại tất cả lãnh thổ. Điều này nghĩa là, để người dân Ukraine sống trong các vùng do Moscow kiểm soát, từ từ hòa nhập vào xã hội Nga.

Một số chuyên gia vẫn giữ ý kiến rằng, nếu nhìn tổng quát, chiến lược phòng thủ buộc Nga phải nghĩ lại, rằng Moscow không thể kiểm soát thêm lãnh thổ mới. Điều này tạo ra trạng thái cân bằng, cho phép phần còn lại của Ukraine giảm đau thương mất mát, phát triển kinh tế và hội nhập với phương Tây. Trong số các lựa chọn khó khăn, thì lựa chọn ít khó khăn hơn nên được cân nhắc.

Bình luận