Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vắc-xin Covid-19 đang ra lò hết công suất, WHO kêu gọi kiên nhẫn chờ đợi

(VOH) - Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/1 cho biết các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 đang làm việc không ngừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu, kêu gọi các nước hãy kiên nhẫn.

Tại một buổi họp báo trực tuyến, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết: “Sự đoàn kết không có nghĩa là mỗi quốc gia trên thế giới nhất thiết phải bắt đầu tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 vào cùng một thời điểm. Điều cần phải hiểu là sẽ không ai được an toàn trước khi mỗi người trong chúng ta đều an toàn.”

Khi được hỏi về việc cung ứng vắc-xin ngừa Covid-19 từ các hãng dược Pfizer và AstraZeneca đến 27 quốc gia châu Âu bị chậm trễ, ông Kluge và một chuyên gia về vắc-xin của WHO, Siddhartha Datta, đã kêu gọi chính phủ các nước và nhà sản xuất cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề xuất hiện trong trong đợt đầu tiên của việc triển khai tiêm chủng.

“Thực tế là đang có việc thiếu hụt vắc-xin…nhưng chúng tôi chắc chắn rằng các hãng dược và nhà sản xuất đang làm việc với cường độ 24/7 để đáp ứng nhu cầu, và chúng tôi tự tin rằng việc trì hoãn như hiện tại sẽ nhanh chóng được bù đắp bằng việc sản xuất tăng cường hơn nữa trong tương lai”, ông Kluge nói.

Phía WHO cũng nhấn mạnh lại vắc-xin nên được chia sẻ một cách công bằng giữa các nước giàu và nước nghèo, để giúp nhanh chóng chấm dứt đại dịch, và vắc-xin Covid-19 sẽ là “món hàng hóa phổ thông, đại chúng trên toàn cầu”.

Vắc-xin Covid-19 đang ra lò hết công suất, WHO kêu gọi kiên nhẫn chờ đợi
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge. Ảnh: Reuters

Ông Kluge và Datta cũng nói thêm, công tác phân phối vắc-xin tại các nước Liên minh châu Âu (EU) hiện đang bị chậm trễ so với những khu vực khác, với một trong những nguyên nhân là tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Theo hợp đồng, EU đã đặt mua trước ít nhất 300 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca, sau khi sản phẩm này được phê duyệt về độ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, hãng AstraZeneca mới đây đã thông báo sẽ cắt giảm nguồn cung cho EU trong quý I/2021.

Một quan chức EU nêu rõ do vấn đề phát sinh tại một nhà máy ở Bỉ, nguồn cung vắc-xin của AstraZeneca sẽ bị giảm tới 60% xuống còn 31 triệu liều. Giải thích về vấn đề này, AstraZeneca cho biết mỗi chuỗi cung ứng đều có nguyên vật liệu và được đầu tư từ những nước hoặc tổ chức quốc tế cụ thể dựa trên từng thỏa thuận cụ thể, bao gồm thỏa thuận với Ủy ban châu Âu (EC).

Do đó, lượng vắc-xin được sản xuất sẽ chỉ tập trung cho các nước, khu vực liên quan và tận dụng dây chuyền sản xuất tại địa phương nếu có thể. Mâu thuẫn từ đây nảy sinh khi phía EU yêu cầu AstraZeneca “phải giao hàng”, đồng thời khẳng định EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vắc-xin để đảm bảo các công ty tôn trọng nghĩa vụ theo hợp đồng của họ với khối.

Trước mắt, EU đề xuất AstraZeneca chuyển một phần vắc-xin mà hãng sản xuất cho Anh sang các nước EU, nhưng phía Anh không đồng ý và yêu cầu phải nhận được tất cả số liều vắc-xin mà nước này đã đặt hàng và thanh toán đầy đủ trước đó.

Trước tình hình này, giám đốc WHO tại EU kêu gọi: “Chúng ta cần phải kiên nhẫn, việc tiêm chủng cũng cần có thời gian.” Ông cũng nói thêm, tính đến nay có tổng cộng 35 quốc gia ở châu Âu đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 với số lượng là 25 triệu liều.

Vắc-xin Covid-19 đang ra lò hết công suất, WHO kêu gọi kiên nhẫn chờ đợi
Vắc-xin Covid-19 đang được sản xuất không ngừng nghỉ, WHO kêu gọi các nước hãy kiên nhẫn chờ đợi. Ảnh; Reuters

Khi được hỏi về sự giám sát của WHO đối với vắc-xin Covid-19 mang tên Sputnik V do Nga sản xuất, ông Hans Kluge cho biết ông đã trao đổi với đại sứ của Moscow vào ngày 27/1, và xác nhận các dữ liệu về vắc-xin mà các nhà khoa học của WHO cần để nghiên cứu hiện đang trên đường đến trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ.

Hiện tại, vắc-xin Sputnik V của Nga cũng đang được phân phối tại châu Âu, bao gồm cả một nước thành viên EU là Hungary và một số khu vực khác trên thế giới, ngay cả khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu vẫn chưa có đánh giá nào để cấp phép cho loại vắc-xin này.

Bình luận