Tiêu điểm: Nhân Humanity

Venezuela không còn là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

(VOH) - Venezuela đã rời khỏi ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đây là sự kiện được các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Venezuela ca ngợi.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) là một cơ quan đa phương gồm 47 thành viên. Cơ quan này có nhiệm vụ thúc đẩy quyền con người và giải quyết các vấn đề về bạo lực, ngược đãi ở khắp nơi trên thế giới. Dù vậy, cơ quan này cũng gặp phải sự chỉ trích khi chấp nhận sự tham gia của một số quốc gia có những ghi nhận bất thường trong hồ sơ nhân quyền. Các quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Cuba, Ả Rập Saudi và Nga. Với trường hợp của Nga, mặc dù là thành viên của Hội đồng bảo an LHQ nhưng nước này đã bị đình chỉ khỏi Hội đồng Nhân quyền từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm nay.

Chính phủ Venezuela đã giữ một ghế trong Hội đồng này của Liên Hiệp Quốc từ năm 2019 dù rằng quốc gia này bị cáo buộc với những vi phạm trong hoạt động nhân quyền. Trong nhiệm kỳ này, họ đã không  thể trúng cử vào Hội đồng và cũng không có bất kỳ động thái phản ứng nào với kết quả bình chọn. Kết quả này được cho là một thắng lợi mang tính biểu trưng cho những nhà hoạt động nhân quyền tại Venezuela và cho cả những nhà đối lập với lãnh đạo Nicolas Maduro.

Venezuela không còn là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Getty Images

Bà Victoria Capriles, giám đốc tại Trung tâm Nhân quyền thuộc Đại học Metropolitan, Caracas nhận định: “Kết quả bỏ phiếu này là một thông điệp hết sức rõ ràng cho chính phủ Venezuela. Các thành viên trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm thúc đẩy quyền con người. Tuy nhiên, chính phủ đã không làm điều đó. Đã đến lúc họ cần tuân thủ các trách nhiệm quốc tế của mình về nhân quyền”.

Trong cuộc bỏ phiếu vừa rồi, khu vực Mỹ Latin được phân bổ 2 vị trí. Venezuela đã phải cạnh tranh với Chile và Costa rica. Tuy nhiên, nước này đã đứng chót bảng với tổng số 88 phiếu. Trong khi Chile và Costa Rica chiếm lần lượt là 144 và 143 phiếu bầu.

Phát biểu với CNN, người đại diện cho phe đối lập chính trị của Venezuela tại LHQ cho biết: “Việc Venezuela phải rời khỏi Hội đồng nhân quyền đồng nghĩa với việc những ý kiến đối với nhà nước của Maduro cuối cùng cũng đã được lắng nghe."

Kết quả này đạt được là nhờ sự nỗ lực trong ngoại giao và sự tố cáo các vấn đề trong vi phạm nhân quyền tại Venezuela. Các tổ chức phi chính phủ và chính bản thân các nạn nhân đã hoạt động không ngừng để có được kết quả  như hôm nay.

Nhiều nhà hoạt động và cả các nạn nhân đã coi đây là chìa khoá cho việc mở rộng nhân quyền trên toàn thế giới. Và các cuộc điều tra do Hội đồng nhân quyền uỷ quyền và các biện pháp nâng cao nhận thức có thể thúc đẩy sự thực thi từ các cơ quan có thẩm quyền khác, chẳng hạn như Toà án Hình sự quốc tế.

Ông Rafael Uzcategui, giám đốc tổ chức nhân quyền Provea ở Caracas nêu quan điểm: “Những gì đang xảy ra hằng ngày ở Venezuela vốn dĩ là một cuộc khủng hoảng đã được bình thường hoá. Người ta lạm dụng nhân quyền không ngừng, và điều này không còn trở thành tin tức hay những sự kiện được quan tâm. Và đứng trước sự bình thường hoá các hoạt động xâm phạm nhân quyền này, rào chắn duy nhất chính là những hoạt động của Hội đồng nhân quyền."

Bình luận