Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 7/4 bởi Quỹ Tara Océan, các hạt vi nhựa – phát sinh từ lốp xe, sợi vải tổng hợp, và cả việc mở nắp chai – đã hiện diện trong mọi dòng sông được khảo sát tại châu Âu.
Những hạt này không chỉ nổi trên mặt nước mà còn lắng sâu xuống đáy sông, tạo thành một lớp ô nhiễm lan rộng từ sông Elbe ở Đức, sông Ebre ở Tây Ban Nha đến sông Seine ở Pháp và Thames ở Anh.

Ông Jean-François Ghiglione, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cho biết: “Ô nhiễm vi nhựa được ghi nhận trong tất cả các dòng sông được nghiên cứu.”
Ông là người điều phối chiến dịch Tara Microplastiques – một nỗ lực nghiên cứu quy mô lớn được triển khai từ năm 2019 với sự tham gia của 40 nhà khoa học từ 19 phòng thí nghiệm.
Tại 9 dòng sông lớn của châu Âu gồm Elbe, Ebre, Garonne, Loire, Rhône, Rhine, Seine, Thames và Tiber, các nhà nghiên cứu đã thống nhất phương pháp lấy mẫu tại cửa sông rồi khảo sát ngược dòng.
Kết quả cho thấy, trung bình có khoảng 3 hạt vi nhựa trong mỗi mét khối nước sông – con số thấp hơn nhiều so với mức 40 hạt/m3 tại các sông ô nhiễm nhất thế giới như Hoàng Hà, Trường Giang, Nile hay Niger.
Tuy nhiên, xét về lưu lượng, mức độ ô nhiễm tại châu Âu vẫn rất đáng lo ngại. Sông Rhône ở Valence có thể mang theo 3.000 hạt vi nhựa mỗi giây, trong khi sông Seine ở Paris là 900 hạt/giây.
Một phát hiện đáng chú ý khác là phần lớn khối lượng vi nhựa lại đến từ các hạt siêu nhỏ - loại không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Những hạt này dễ bị sinh vật thủy sinh nuốt phải, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi thức ăn dưới nước và có thể gián tiếp tác động tới con người.
Đáng báo động hơn, một nghiên cứu riêng biệt tại sông Loire đã phát hiện vi khuẩn nguy hiểm bám trên vi nhựa, có khả năng gây bệnh cho con người.
Khoảng 25% vi nhựa được xác định có nguồn gốc từ nhựa nguyên sinh công nghiệp, không liên quan đến rác thải sinh hoạt. Những hạt này – thường được gọi là “giọt lệ nàng tiên cá” – thường trôi nổi trong môi trường sau các tai nạn hàng hải.
Dữ liệu quý giá này phần lớn nhờ vào sự tham gia của cộng đồng trong chiến dịch “Plastique à la loupe”, với khoảng 15.000 học sinh Pháp mỗi năm tham gia lấy mẫu và phân tích.
Tuy nhiên, ông Ghiglione cho biết các nhà khoa học chưa thể đưa ra bảng xếp hạng mức độ ô nhiễm của từng dòng sông do số liệu còn chưa đầy đủ và sự chênh lệch không rõ rệt.
Vẫn chưa có bằng chứng xác đáng về mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm vi nhựa và sự hiện diện của các đô thị lớn.
Trong bối cảnh đó, giới khoa học đang thúc giục cắt giảm mạnh sản xuất nhựa nguyên sinh – một trong những nguồn gốc chính gây ô nhiễm vi nhựa toàn cầu – trong khuôn khổ đàm phán quốc tế về chống ô nhiễm nhựa dưới sự điều phối của Liên hợp quốc.