Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao các chuyên gia cảnh giác cao với bệnh đậu mùa khỉ?

(VOH) - Trong vài thập kỷ qua, kể từ khi xuất hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người, rất hiếm khi bùng phát dịch bệnh này tại những nơi ngoài lục địa châu Phi.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia vốn không lưu hành căn bệnh này.

Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) và trường Y thuộc Đại học Harvard (Mỹ) thiết lập, tính đến ngày 24/5, các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện tại ít nhất 16 quốc gia bên ngoài châu Phi, với tổng cộng hơn 170 ca nhiễm được xác nhận và 87 ca nghi nhiễm.

Sự lây lan nhanh chóng và bất thường của bệnh đậu mùa khỉ tại các nước không lưu hành căn bệnh này đã khiến các chuyên gia phải đề cao cảnh giác.

Xem thêm: Bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu và Bắc Mỹ lây lan như thế nào?

Vì sao các chuyên gia cảnh giác cao với bệnh đậu mùa khỉ? 1
Các vết phát ban của một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ tại quốc gia không lưu hành bệnh này là điều 'bất thường'

Được biết, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ đó, các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận tại các quốc gia Trung và Tây Phi. Đến nay, hầu hết các ca bệnh trên thế giới được ghi nhận chủ yếu ở các nước châu Phi như: Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Cameroon…

Tuy nhiên, kể từ khi những trường hợp đầu tiên được báo cáo tại Anh vào đầu tháng này, số ca mắc bệnh đầu mùa khỉ đã gia tăng nhanh chóng tại các nước không lưu hành căn bệnh này, đặc biệt là tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Hiện tình hình tại một số nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha là khá nghiêm trọng, nhiều trường hợp mắc bệnh không có tiền sử du lịch đến những quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xuất hiện các ca bệnh tại nhiều quốc gia nơi căn bệnh này không phổ biến trước đó nhưng không liên quan đến du lịch trực tiếp tới những nơi lưu hành bệnh đậu mùa khỉ là điều 'bất thường'. WHO cho biết số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng khi cơ quan này mở rộng giám sát tại các quốc gia vốn không phải là nơi bệnh thường xảy ra.

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, Giáo sư y khoa thuộc Đại học East Anglia (Anh) và là một chuyên gia về vi sinh y tế và kiểm soát bệnh truyền nhiễm, ông Paul Hunter, cho biết mặc dù những năm gần đây tại châu Phi ghi nhận hàng ngàn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ mỗi năm, nhưng sự lây lan liên tục trong cộng đồng và sự lây bệnh từ người sang người tại nhiều quốc gia nơi căn bệnh này không phổ biến là điều không bình thường.

Dường như không có mối liên hệ rõ ràng giữa hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận cho đến nay. Điều này chứng tỏ có thể đã tồn tại nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Tiến sĩ Andrea McCollum, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết bệnh đậu mùa khỉ thường rất dễ phát hiện, một phần vì nó gây ra các tổn thương trên da. Sẽ đặc biệt "đáng lo ngại" nếu bệnh này có thể lây lan mà không có triệu chứng, vì như thế sẽ khiến việc truy vết virus gây bệnh trở nên khó khăn hơn.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có họ hàng với virus gây bệnh đậu mùa phổ biến

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây ra. Nó thường lây lan giữa các loài khỉ ở Trung và Tây Phi, và có "họ hàng gần" với virus gây bệnh đậu mùa phổ biến.

Lần đầu tiên virus này được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Khi đó chúng mắc chứng bệnh giống như đậu mùa với biểu hiện phát bệnh ở da có hình dáng như "hạt đậu" nên được gọi là bệnh đậu mùa.

Giáo sư Hunter, người từng có nhiều năm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm ở châu Phi, cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus được biết đến đã tồn tại từ lâu và nó đã trở thành mối nỗi bất an của con người kể từ khi bệnh đậu mùa bị xóa sổ hoàn toàn.

Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa có hiệu quả đến 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Một số nhà khoa học cho rằng khả năng miễn dịch đối với bệnh đậu mùa khỉ đã suy giảm kể từ khi WHO tuyên bố xóa sổ hoàn toàn bệnh đậu mùa vào năm 1980. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng trong vài thập kỷ qua.

Giáo sư Raina MacIntyre, một nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales (Australia), cho biết kể từ khi bệnh đậu mùa bị xóa sổ, số người bị suy giảm miễn dịch hoặc không có khả năng miễn dịch đối với loại virus gây ra căn bệnh này đã tăng đều mỗi năm.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ cũng như và manh mối về sự lây lan của nó.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ trở thành đại dịch như Covid-19?

Bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ bị mắc bệnh. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể.

Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 - 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, nổi hạch, ớn lạnh, mệt mỏi.

WHO cho biết, trong các ca nhiễm gần đây, có nhiều ca được báo cáo ở những người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Bệnh đậu mùa khỉ trước đây chưa được ghi nhận lây lan qua đường tình dục, nhưng có thể lây truyền khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, quần áo hoặc ga trải giường của họ.

Theo Giáo sư Hunter, mặc dù bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ là căn bệnh không dễ lây lan và có thể không gây nhiều rủi ro cho con người nói chung, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng có những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Liệu bệnh đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch tiếp theo? Theo Giáo sư Hunter, thông thường, trong giai đoạn đầu của bất kỳ căn bệnh truyền nhiễm nào, chúng ta đều không thể biết hết mọi câu trả lời, nhưng với virus gây bệnh đậu mùa khỉ "sẽ không bao giờ là coronavirus".

Giáo sư Hunter cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ có thể kiểm soát được trước khi nó bùng phát mạnh do đã có vắc xin khá hiệu quả, đó là loại vắc xin được dùng để chống bệnh đậu mùa. Điều đặc biệt là vắc xin này có thể dùng để tiêm cho những người sau khi tiếp xúc với ca bệnh. Do đó, cách thức để có thể kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ là xác định nhanh nhất có thể các ca mắc và sau đó là tiêm vắc-xin cho tất cả các ca tiếp xúc gần.

Ông kêu gọi các nước tăng cường hợp tác nhằm kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 1 - 2 tháng.

Bình luận