Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao Iran lo ngại chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Azerbaijan?

VOH - Iran và Nga đã vun đắp quan hệ nồng ấm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những hành động của Nga, đôi khi cũng bộc lộ căng thẳng tiềm ẩn giữa 2 quốc gia.

Chuyến thăm Azerbaijan của Tổng thống Putin vào tuần trước, được cho đã khơi lên nỗi lo của Iran về lợi ích chiến lược tại Kavkaz. Điều này trở nên trầm trọng hơn, từ sau cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia năm 2020, khiến ảnh hưởng của Iran suy yếu.

c_Kavkaz
Các quốc gia Kavkaz có lịch sử là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Iran - Ảnh: Google map

Về lịch sử, khu vực Kavkaz có mối quan hệ chằng chịt - phức tạp với cả Iran và Nga.

Azerbaijan và Armenia tranh chấp khu vực Nagorno-Karabakh, khiến cuộc chiến 2020 bùng phát. Iran ủng hộ Armenia, trong khi Nga cần duy trì quan hệ tốt với Azerbaijan.

Trong lịch sử hàng ngàn năm, Iran – trước đó là đế chế Ba Tư, cùng với đế quốc Nga, đã không ngừng gia tăng và cạnh tranh ảnh hưởng ở Kavkaz.

Sự chồng chéo và phức tạp này, có thể là lý do Nga chần chừ nâng cấp quan hệ đối tác với Iran. Nếu nâng cấp, sẽ củng cố ảnh hưởng của Iran như 1 đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Ngược lại, các thỏa thuận quan trọng của Nga ở Kavkaz, được Iran coi là đe dọa với lợi ích chiến lược.

Giới chuyên gia nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Azerbaijan khiến Iran bất an. Trọng tâm nghị sự, là Nga muốn thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia. Điều này giúp Azerbaijan – đối thủ lịch sử của Iran – mở rộng lãnh thổ. Rõ ràng, Iran coi diễn biến trên là sự điều chỉnh chiến lược có lợi cho Nga, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nghĩa ảnh hưởng của Tehran suy giảm.

Trọng tâm khác, là Nga muốn Azerbaijan thành lập hành lang Zangezur. Điều này có thể làm thay đổi quyền lực cho Azerbaijan, giảm liên kết trên bộ giữa Iran và Armenia. Hàng hóa qua lại giữa Iran và Armenia sẽ bị cản trở. Hành lang này cũng có thể làm giảm lợi ích mà Iran mong đợi, từ hành lang Bắc-Nam, làm suy yếu vai trò của hành lang Bắc-Nam trong tuyến thương mại quốc tế được đề xuất giữa Đông và Tây.

Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ - đối thủ khu vực của Iran, sẽ giành được ảnh hưởng đáng kể, vì hành lang này kết nối trực tiếp với Trung Á, tạo ra vòng cung địa chính trị và kinh tế bao quanh Iran từ phía Bắc.

Tình hình có thể leo thang hơn, khi Armenia không hài lòng với mối quan hệ ngày càng phát triển của Tổng thống Putin với Azerbaijan.

Armenia cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không hành động, trong quá trình Azerbaijan giành lại khu vực Nagorno-Karabakh năm 2023. Do đó, Armenia đã đình chỉ tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, bắt đầu liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây, gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine và gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế.

Với Iran, thay đổi trên báo hiệu một số diễn biến đáng lo ngại.

Đầu tiên, phương Tây có thể đạt được chỗ đứng chiến lược mới gần Iran, có khả năng mời NATO và Hoa Kỳ vào khu vực, làm gia tăng đe dọa về an ninh.

Thứ hai, sự hiện diện và ảnh hưởng của Nga trong lĩnh vực chiến lược của Iran có thể lớn hơn, với việc Moscow hỗ trợ chưa từng có cho Azerbaijan.

Cuối cùng, Kavkaz có thể trở thành khu vực chiến tranh lạnh, xuất hiện các liên minh và cạnh tranh, khiến Iran suy yếu.

Diễn biến này đặc biệt đáng báo động với Iran, vì thúc đẩy tình cảm dân tộc chủ nghĩa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, gây đe dọa với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Iran.

Sự củng cố vị thế của Azerbaijan dọc biên giới Iran-Azerbaijan, có khả năng làm bùng phát trở lại các phong trào ly khai - vấn đề vô cùng nhạy cảm với Tehran.

Với dân số đa dạng và sự phân bố địa lý phức tạp khắp các đường biên giới, những động thái dân tộc chủ nghĩa có thể châm ngòi phong trào ly khai không chỉ ở Kavkaz, mà còn khu vực khác, làm trầm trọng thêm một số cuộc nổi loạn nội bộ chống lại nhà nước Iran.

Thay đổi trên báo hiệu, khu vực Kavkaz dường như chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh mới, không có lợi cho Iran. Nguy cơ xung đột đang hiện hữu, đặc biệt sau khi Nga rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Nagorno-Karabakh tháng 4/2024, dẫn đến các cuộc đụng độ lẻ tẻ.

Nếu xung đột mở rộng ra ngoài hai quốc gia láng giềng ở Kavkaz, thu hút nhiều bên tham gia, có thể gây rủi ro cho Iran, buộc nước này phải mở mặt trận mới để bảo vệ chủ quyền, lợi ích hoặc ảnh hưởng. Đối thủ của Iran có thể khai thác cuộc xung đột, làm kiệt quệ và suy yếu nước cộng hòa Hồi giáo, cũng như sử dụng làm đòn bẩy để tác động đến vị thế của Iran trên mặt trận khác.

Tóm lại, hành động và lập trường của Nga tại Kavkaz, thường gây ra mối lo ngại ở Iran. Điều này nhấn mạnh những hạn chế trong chính sách xoay trục về phía Đông của Iran, đặc biệt là hướng tới Nga.

Bình luận