Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao Israel quyết giữ 2 hành lang ở Gaza?

VOH - Đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự Gaza, gần đây tập trung vào hai vùng đệm, tức 2 hành lang quan trọng nằm ở miền Trung và miền Nam của dải đất.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa tuyên bố, theo thỏa thuận ngừng bắn, sẽ không có sự rút quân của Israel khỏi các hành lang Philadelphi và Netzarim.

c_gaza_corridor
Hành lang Philadelphi và Netzarim ở Gaza - Ảnh: JCFPA

Hành lang Philadelphi là một vùng đệm giữa Ai Cập và Gaza, đã tồn tại hơn bốn thập kỷ, được duy trì trên cơ sở hai thỏa thuận song phương giữa Ai Cập và Israel.

Hành lang Netzarim cắt qua trung tâm Gaza, được Israel xác lập trong những tháng gần đây, để giám sát người dân Palestine.

Hamas kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Israel, về việc hiện diện quân đội tại 2 hành lang này. Họ tin rằng, ông Netanyahu đưa ra những yêu cầu trên để làm chệch hướng đàm phán.

Hành lang Philadelphi là vùng đệm phi quân sự dài 14km, rộng 100m chạy dọc theo toàn bộ ranh giới giữa Ai Cập và Gaza.

Nó bắt đầu từ Địa Trung Hải đến cửa khẩu Kerem Shalom tại điểm giao nhau giữa Gaza, Ai Cập và Israel.

Hành lang này được thành lập theo hiệp ước hòa bình 1979 giữa Ai Cập và Israel. Thời điểm đó, Israel đồng ý chấm dứt 12 năm chiếm đóng bán đảo Sinai của Ai Cập, nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát dải Gaza.

Người Ai Cập gọi khu vực này là hành lang Salah al-Din, đặt theo tên của vị anh hùng sáng lập triều đại Ayyubid, đã đánh bại quân Thập Tự Chinh ở Jerusalem năm 1187.

Hành lang này cũng bao gồm cửa khẩu Rafah, điểm trung chuyển duy nhất giữa Ai Cập và Gaza.

Theo thỏa thuận 1979, Israel được phép triển khai lực lượng hạn chế gần hành lang, gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, cơ sở quân sự, cùng quan sát viên Liên Hợp Quốc.

Israel không được phép triển khai xe tăng, pháo binh hoặc tên lửa phòng không.

Mục đích của lực lượng này là ngăn chặn vũ khí vào Gaza qua ngả Ai Cập.

Năm 2005, Israel rút khỏi Gaza, bao gồm cả hành lang Philadelphi. Israel cũng rút 9.000 người định cư Do Thái.

Sau đó, hành lang này nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập và chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo. Chính quyền Palestine kiểm soát phía Gaza của vùng đệm.

Theo thỏa thuận 2005 ký giữa Ai Cập và Israel, còn gọi là hiệp định Philadelphi, Ai Cập được phép triển khai 750 lính biên phòng để tuần tra, với mục đích chống khủng bố, chống buôn lậu và chống xâm nhập trái phép.

Hai năm sau, Hamas kiểm soát hoàn toàn Gaza.

Từ đó, Israel phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Gaza.

Cửa khẩu Rafah - một phần của hành lang Philadelphi - được Ai Cập mở cửa không liên tục trong thời gian đó.

Vì vậy, sau năm 2007, có sự gia tăng số lượng đường hầm giữa Gaza và Ai Cập, để buôn lậu hàng hóa, vũ khí, và đoàn tụ gia đình.

Chính quyền Ai Cập đã phá hủy hơn 2.000 đường hầm nối Sinai và Gaza trong thời gian từ 2011 đến 2015, do lo ngại an ninh.

Tháng 1/2024, ba tháng sau khi cuộc chiến giữa Israel với Hamas bùng phát, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố mục tiêu của Israel là tái chiếm vùng đệm.

Ông nói: “Hành lang Philadelphi - hay nói đúng hơn là điểm dừng chân phía nam của Gaza - phải nằm trong tay chúng ta. Nó phải bị đóng lại. Sự sắp xếp khác, sẽ không đảm bảo được quá trình phi quân sự hóa như mong muốn.”

Ai Cập phản ứng bằng tuyên bố, hành động như vậy vi phạm hiệp định 1979 giữa hai nước.

Tháng 5/2024, Israel chiếm chiếm giữ phía Gaza của hành lang Philadelphi, đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của quân đội nhà nước Do Thái từ năm 2005.

Quan chức Israel cho biết vào cuối tháng 5/2024 rằng, họ tìm thấy 20 đường hầm và 82 điểm tiếp cận đường hầm xung quanh hành lang.

Một địa điểm chiến lược khác, là hành lang Netzarim dài 6km, chia cắt phía bắc và phía nam Gaza.

Hành lang này được quân đội Israel thiết lập trong cuộc chiến hiện tại, trải dài từ biên giới Israel tới thành phố Gaza, rồi tới Địa Trung Hải.

Đường ranh giới trên được đặt theo tên của một trong những khu định cư bất hợp pháp, tồn tại ở Gaza trước khi Israel rút quân năm 2005.

Tên đó có thể liên quan đến ý định lập lại khu định cư bất hợp pháp ở Gaza - điều mà một số bộ trưởng cực hữu của Israel thường xuyên kêu gọi từ ngày 7/10/2023.

Tuyến đường Netzarim gồm các căn cứ quân sự được Israel sử dụng, để giám sát sự di chuyển của người Palestine giữa Bắc và Nam Gaza. Tuyến đường cũng được dùng tiến hành hoạt động quân sự.

Giới phân tích cho rằng, Israel nắm giữ hành lang trên nhằm kiểm soát cuộc sống ở Gaza sau chiến tranh, mà không nhất thiết phải chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ.

Ông Netanyahu khẳng định, Israel sẽ kiểm soát cả 2 hành lang, cũng như cửa khẩu Rafah, và đã thêm yêu cầu đó vào các cuộc đàm phán.

Điều kiện trên không nằm trong đề xuất ngừng bắn được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chia sẻ trong bài phát biểu ngày 31/5, cũng như theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/6.

Đầu tuần này, ba nguồn tin cấp cao của Ai Cập nói với Middle East Eye rằng, Ai Cập và Israel đã đạt được thỏa thuận, cho phép Israel hiện diện an ninh dọc theo hành lang Philadelphi.

Bình luận