Tâm điểm là Đại học Harvard – nơi Chủ tịch Alan Garber tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu thay đổi chính sách từ chính quyền, khẳng định bảo vệ sự độc lập và các quyền hiến định của nhà trường. Đây là lần hiếm hoi một trường đại học vốn đào tạo ra các tổng thống lại trở thành mục tiêu công kích của một tổng thống – và là biểu tượng cho sự đối đầu giữa Trump và giới trí thức.
Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Trump công kích mạnh mẽ các trường thuộc Ivy League – những biểu tượng giáo dục danh giá nhưng bị xem là xa rời thực tế của tầng lớp lao động Mỹ. Ông tố cáo họ cổ súy cho các tư tưởng “thức tỉnh” về chủng tộc, giới tính và chính trị cánh tả, khơi dậy sự phẫn nộ trong bộ phận lớn cử tri Cộng hòa vốn hoài nghi giới học thuật.

Theo tờ New York Times, đây không chỉ là nỗ lực giành phiếu cử tri, mà là một phần trong chiến lược sâu rộng nhằm phá vỡ các trung tâm quyền lực tự do tại Mỹ – từ truyền thông, hành pháp đến hệ thống giáo dục. Trump muốn lan tỏa hệ tư tưởng dân túy của phong trào “Make America Great Again” vào hệ thống đại học – nơi ông cho là đã biến chất và rời xa lý tưởng cốt lõi của nước Mỹ.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, chính quyền Trump từng khởi động hàng loạt biện pháp cứng rắn: hủy thị thực sinh viên với lý do ảnh hưởng chính sách đối ngoại, yêu cầu kiểm toán hàng loạt khoa và chương trình tại Harvard, chấm dứt các chương trình đa dạng – hòa nhập – công bằng, cấm tuyển dụng dựa trên giới tính, tôn giáo hay sắc tộc. Đặc biệt, chính quyền cũng yêu cầu điều tra các nhóm sinh viên ủng hộ người Palestine, sau các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Israel-Hamas.
Một bước ngoặt diễn ra vào tháng 12/2023, khi nghị sĩ Elise Stefanik chất vấn các hiệu trưởng đại học về biểu tình trong khuôn viên trường mà bà cho là mang màu sắc bài Do Thái. Những cáo buộc này được Nhà Trắng tận dụng để tăng sức ép, cắt tài trợ, và thúc đẩy chính sách trấn áp diện rộng trong giới học thuật.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc chính quyền can thiệp sâu vào các đại học có thể dẫn tới xung đột pháp lý và làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường học thuật. Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers cho rằng: “Các trường cần cải cách, nhưng không thể lấy cớ đó để đình chỉ luật pháp và ép buộc chính trị.”
Với Trump, dù các trường phản kháng hay nhượng bộ, ông đều có thể tận dụng tình huống để củng cố vị thế. Một mặt, ông khiến đối thủ chính trị rơi vào thế khó xử; mặt khác, ông tiếp tục khắc sâu hình ảnh một nhà lãnh đạo “chống lại giới tinh hoa”, đúng với kỳ vọng của cử tri MAGA.
Sự kiện này không chỉ phản ánh xung đột văn hóa – chính trị sâu sắc trong lòng nước Mỹ, mà còn hé lộ chiến lược đầy toan tính của Trump trong hành trình trở lại Nhà Trắng năm 2024.