Ủy ban Châu Âu cho biết, hoạt động thông đồng liên quan đến các loại xe hết hạn sử dụng này diễn ra từ tháng 5/2002 đến tháng 9/2017, với việc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu - ACEA tổ chức các cuộc họp và liên lạc giữa các công ty.
Tái chế xe hết vòng đời là khi xe ô tô được tháo gỡ, xử lý để tái chế và thải bỏ khi chúng không còn phù hợp để sử dụng.

Cơ quan giám sát cạnh tranh của EU cho biết, các công ty đã đồng ý không cạnh tranh với nhau trong việc quảng cáo mức độ ô tô của họ có thể tái chế và đồng ý giữ im lặng về lượng vật liệu tái chế được sử dụng trong ô tô mới.
Họ cũng đồng ý không trả tiền cho những người tháo gỡ ô tô để xử lý những chiếc xe hết vòng đời. Luật pháp EU yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải chịu chi phí tái chế những chiếc xe như vậy nếu cần. Điều này cho phép chủ xe được xử lý ô tô miễn phí tại đơn vị tháo gỡ xe cũ.
"Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ loại tổ chức độc quyền nào, bao gồm cả những tổ chức kìm hãm nhận thức của khách hàng và nhu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn", bà Teresa Ribera, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU cho biết trong một tuyên bố.
Mức phạt của Volkswagen lớn nhất với 127,69 triệu euro, tiếp theo là Stellantis với tổng số tiền là 99,5 triệu euro, Renault-Nissan ở mức 81,46 triệu euro, và Ford ở mức 41,46 triệu euro.
Các thành viên khác bị phạt bao gồm Toyota, Mitsubishi, Honda, Hyundai, Jaguar Land Rover, Mazda, GM, Suzuki và Volvo. Riêng ACEA phải nộp khoản tiền phạt 500.000 euro.
Mercedes-Benz tránh được khoản tiền phạt vì đã cảnh báo cơ quan thực thi pháp luật của EU về hoạt động này.
Tất cả các nhà sản xuất ô tô đều thừa nhận hành vi sai trái để đổi lấy việc giảm 10% tiền phạt.
Tuyên bố của Stellantis cho biết, công ty thừa nhận quyết định của cơ quan cạnh tranh EU và đã hợp tác với cơ quan này trong suốt quá trình điều tra. Stellantis cho biết thêm, công ty đã có những biện pháp dự phòng cho khoản tiền phạt này và điều này được phản ánh trong kết quả kinh doanh cả năm 2024 của công ty.