Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vùng lãnh thổ Kosovo xin gia nhập EU trong bối cảnh chính trị căng thẳng

(VOH) - Ngày 14/12, các lãnh đạo Kosovo ký đơn chính thức xin gia nhập EU. Động thái này "nhằm mở ra một chương mới cho chính quyền và xã hội Kosovo".

Sau khi cùng lãnh đạo hành pháp Albin Kurti và lãnh đạo lập pháp Glauk Konjufca ký tài liệu để nộp cho Cộng hòa Czech (quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU)), lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani phát biểu với báo giới: "Hôm nay là một ngày lịch sử. Đây là thời khắc lịch sử".

Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani
Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani (Ảnh: Reuters)

Kosovo rộng gần 11.000km2, có dân số khoảng 1,9 triệu người chủ yếu gốc Albani. Đây là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Chính quyền vùng lãnh thổ này hồi tháng 2/2008 tuyên bố độc lập, dù không được Serbia, Liên Hợp Quốc, Nga và nhiều quốc gia công nhận.

Phần lớn các nước phương Tây hiện đã công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối. 5 thành viên trong EU, gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Romania, Slovakia và Cyprus, cũng chưa công nhận Kosovo là quốc gia độc lập.

Một số tờ báo đưa tin, trước khi được cấp tư cách ứng viên EU, Kosovo cần bình thường hóa quan hệ với Serbia. EU đang làm trung gian cho quá trình này, với hy vọng Pristina và Belgrade có thể đạt thỏa thuận trong vòng một năm.

Kosovo xin gia nhập EU trong bối cảnh tình hình chính trị khá căng thẳng. Đợt căng thẳng mới nhất giữa Kosovo và Serbia bùng lên từ hồi tháng 7/2022, khi chính quyền Kosovo muốn buộc người dân sinh sống tại vùng lãnh thổ này, bao gồm người Serb, sử dụng giấy tờ tùy thân và biển số xe do Pristina cung cấp, kéo theo các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Tháng trước, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thuyết phục Kosovo từ bỏ kế hoạch cấm xe ô tô mang biển số Serbia. Tuy nhiên, bầu không khí bị phá vỡ khi cảnh sát Kosovo tiếp tục triển khai lực lượng tới khu vực có đông người Serb và có một số động thái quyết liệt.

Căng thẳng tại Kosovo gần đây tiếp tục gia tăng khi chính quyền địa phương dự kiến tổ chức bầu cử tại các đô thị nơi đa số người gốc Serbia sinh sống vào ngày 18/12. Các vụ nổ súng đã xảy ra vào đầu tuần trước, khi cơ quan bầu cử Kosovo thiết lập các điểm bỏ phiếu, khiến một sĩ quan gốc Albania của cảnh sát Kosovo bị thương. Lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani sau đó thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu.

Bình luận