Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vượt qua Afghanistan, Myanmar trở thành nước sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới

VOH - Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, Myanmar đã trở thành nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, vượt qua Afghanistan sau khi phe Taliban cầm quyền áp đặt lệnh cấm trồng cây thuốc phiện.

Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, quốc gia Đông Nam Á này sản xuất khoảng 1.080 tấn thuốc phiện vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2001.

thuốc phiện
Một cánh đồng hoa anh túc ở làng Ho Hwayt, vùng núi bang Shan, Myanmar, ngày 26/01/2012 - Ảnh: Reuter

Lệnh cấm nghiêm ngặt của Taliban đối với việc trồng cây thuốc phiện được đưa ra vào tháng 4 năm ngoái ở Afghanistan, đã cắt giảm 95% sản lượng thuốc phiện ở nước này.

Với vai trò thống trị lịch sử của Afghanistan trong việc sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp, Liên Hợp Quốc cho biết, nếu lệnh cấm buôn bán tiếp tục có thể dẫn đến tình trạng thiếu thuốc phiện trên toàn cầu, bao gồm cả heroin. Điều này có thể khuyến khích sản xuất nhiều hơn từ Đông Nam Á.

Tam giác vàng, một khu vực hẻo lánh nơi biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar gặp nhau, từ lâu đã là một trong những trung tâm ma túy quan trọng của thế giới, khét tiếng vì tình trạng vô luật pháp và được cai trị bởi dân quân và ‘lãnh chúa’ địa phương.

Năm 2023, hoạt động buôn bán thuốc phiện ở Myanmar mở rộng năm thứ ba liên tiếp, tăng 36% so với sản lượng năm 2022. Theo báo cáo, “toàn bộ nền kinh tế thuốc phiện” ở Myanmar hiện có giá trị từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ USD, tương đương từ 2 - 4% GDP quốc gia.

Myanmar là quốc gia sản xuất ma túy lớn trong nhiều thập kỷ nằm dưới sự cai trị của quân đội. Nhưng việc sản xuất thuốc phiện ngày càng gia tăng bởi điều kiện kinh tế tồi tệ và sự bất ổn - kể từ khi quân đội trở lại nắm quyền sau cuộc đảo chính đẫm máu năm 2021.

Theo Liên Hợp Quốc, cuộc nội chiến ngày càng sâu sắc và chết chóc đã bao trùm đất nước, với cuộc giao tranh giữa quân đội chính quyền và vô số lực lượng kháng chiến có vũ trang lan rộng đến hơn 2/3 đất nước.

Báo cáo cho biết, lạm phát tăng vọt, ít khả năng tiếp cận thị trường và cơ sở hạ tầng cũng như ít cơ hội kiếm sống khác “dường như đã đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của nông dân vào cuối năm 2022 về việc trồng thêm cây anh túc”.

Jeremy Douglas, Đại diện khu vực của UNODC cho biết: “Sự gián đoạn về kinh tế, an ninh và quản trị sau sự tiếp quản của quân đội vào tháng 2/2021 tiếp tục thúc đẩy nông dân ở các vùng sâu vùng xa tìm đến thuốc phiện để kiếm sống”.

Ông nói thêm: “Việc gia tăng xung đột ở Shan và các khu vực biên giới khác dự kiến ​​sẽ đẩy nhanh xu hướng này”.

Hoạt động ngày càng phức tạp

Trong khi việc trồng cây thuốc phiện ở Đông Nam Á thường dưới hình thức truyền thống, quy mô nhỏ, UNODC nhận thấy, việc sản xuất ở Myanmar “ngày càng trở nên tinh vi và năng suất hơn”.

Báo cáo cho biết: “Việc gieo trồng cây anh túc trên các mảnh đất được tổ chức dày đặc” và việc sử dụng “hệ thống thủy lợi, đôi khi là phân bón, gần đây đã nâng cao năng suất và ước tính tổng sản lượng lên mức lịch sử”.

Bang Shan rộng lớn và nhiều đồi núi, ở phía tây bắc Myanmar, từ lâu đã là trung tâm buôn bán ma túy của đất nước – với điều kiện và khí hậu lý tưởng để trồng cây thuốc phiện và thiếu lực lượng thực thi pháp luật. Theo UNODC, sản lượng thuốc phiện ở Shan đã tăng 20% ​​trong năm nay.

Các tổ chức vũ trang sắc tộc và các nhóm dân quân kiểm soát một phần lãnh thổ trong bang và trước đây đã sử dụng ma túy cũng như các hoạt động buôn bán bất hợp pháp khác để tài trợ cho hoạt động của họ.

Kể từ cuối tháng 10, giao tranh ở bang Shan đã leo thang khi ba nhóm dân quân dân tộc có vũ trang tham gia với lực lượng kháng chiến để tiến hành một cuộc tấn công lớn mới chống lại chính quyền.

UNODC cho biết, việc trồng thuốc phiện cũng gia tăng ở bang Chin ở phía đông, bang Kachin ở phía bắc và ở Sagaing, dọc biên giới Myanmar với Ấn Độ - những khu vực chứng kiến ​​giao tranh gia tăng kể từ cuộc đảo chính.

Bình luận