Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cấm người nước ngoài tham dự Olympic Tokyo: hoàn tiền khoảng 900.000 vé

(VOH) - Ngày 20/3, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh vào nước này để theo dõi các sự kiện tại thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo.

Do lo ngại những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức “cấm” người hâm mộ nước ngoài tham dự Olympic Tokyo. Như vậy, Olympic Tokyo sẽ trở thành sự kiện thể thao lớn nhất thế giới lần đầu tiên không có khán giả nước ngoài.

Sau thông báo trên, Ban tổ chức sẽ bắt đầu hoàn tiền vé cho khoảng 900.000 người nước ngoài đã mua vé dự khán các sự kiện thể thao trong khuôn khổ Olympic và Paralympic Tokyo (gồm khoảng 600.000 vé dự khán Olympic và 300.000 vé dự khán Paralympic).

Theo chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, ước tính Nhật Bản sẽ thiệt hại khoảng 150 tỷ yen (khoảng 1,4 tỷ USD) do tác động từ quyết định này, chủ yếu là nguồn thu từ chi tiêu tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài.

Riêng đối với khán giả trong nước, Chính phủ Nhật Bản và Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo sẽ quyết định số lượng khán giả tối đa được phép dự khán ở các địa điểm thi đấu vào cuối tháng 4 tới.

olympic tokyo
Nhật Bản sẽ hoàn tiền vé cho khoảng 900.000 người (Ảnh: Reuters)

IOC không bắt buộc vận động viên tham dự Olympic Tokyo phải tiêm vắc xin Covid-19

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp năm bên với Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, chính quyền thủ đô Tokyo, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) theo hình thức trực tuyến trước khi lễ rước đuốc Olympic bắt đầu vào ngày 25/3 tới để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Trong một diễn biến liên quan khác, Chính phủ Nhật Bản vừa nhất trí cho phép các vận động viên chuyên nghiệp và huấn luyện viên nước ngoài nhập cảnh vào nước này, miễn là họ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt.

Theo kế hoạch, tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận sẽ kết thúc vào ngày 21/3. Vì vậy, có thể các vận động viên và huấn luyện viên chuyên nghiệp có thể nhập cảnh vào nước này với tư cách “các trường hợp ngoại lệ” từ ngày 22/3.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa các nhà tổ chức địa phương, các quan chức Nhật Bản và các trưởng đoàn Ủy ban Olympic và Paralympic quốc tế, ban tổ chức sự kiện cho biết tình hình Covid-19 ở Nhật Bản và nước ngoài vẫn còn "rất thách thức" và "rất khó" để Nhật Bản có thể đảm bảo du khách nước ngoài nhập cảnh vào mùa hè và do đó lệnh cấm là cần thiết.

Olympic Tokyo đã phải đối mặt với liên tiếp những rắc rối nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Sự trì hoãn kéo dài 1 năm và các biện pháp đối phó an toàn với đại dịch Covid-19 đã khiến ngân sách vốn đã khổng lồ của Tokyo 2020 (tên sự kiện vẫn giữ số năm dù bị hoãn) lên 15 tỷ USD, khiến sự kiện lần này có khả năng trở thành kỳ Olympic tốn kém nhất trong lịch sử.

Trong ngày thi đấu 20/3, dù rất nỗ lực nhưng cả 3 xạ thủ Việt Nam là Quốc Cường, Minh Chuyên, Đình Thành đều đã không thành công tại Cúp Bắn súng thế giới, tổ chức tại Ấn Độ (từ ngày 18-28/3). Đây là giải đấu lấy chuẩn cuối cùng của Bắn súng dự Olympic Tokyo, tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 7 tới.

Trong số 3 vận động viên, Trần Quốc Cường có nhiều cơ hội nhất vì anh hiện đang đứng thứ 17 thế giới và chỉ cần vượt lên 1 bậc, đứng ở vị trí thứ 16 là sẽ giành vé dự Olympic. Tuy nhiên theo HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung, việc giành vé dự Olympic của Cường gặp vô vàn khó khăn vì đây là cơ hội cuối cùng của tất cả các VĐV trên thế giới nên tính ganh đua sẽ rất cao.

Bên cạnh đó, các đối thủ của anh xếp ở vị trí thứ 16 – Donkov Samuil – Bulgary hay vận động viên xếp ở vị trí thứ 18 - Park Daehun của Hàn Quốc đều đang có phong độ tốt và cùng chung quyết tâm buộc phải thắng để giành vé.

Ở kỳ Olympic hơn 4 năm trước, Bắn súng Việt Nam đã làm nên chiến công vang dội trong lịch sử hơn 70 năm của thể thao Việt Nam khi giành 1 huy chường Vàng, 1 huy chương Bạc, thiết lập kỷ lục mới của Olympic do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Bình luận