Tiêu điểm: Nhân Humanity

EURO 2020 sẽ diễn ra tại những nước nào?

(VOH) - Không giống các kì EURO trước đây, EURO 2020 sẽ được tổ chức tại 11 sân vận động của 11 quốc gia khắp châu Âu – do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

EURO 2020 được tổ chức ở đâu?

Sau một năm bị trì hoãn do dịch Covid-19, EURO 2020 sẽ khởi tranh với trận khai mạc diễn ra vào 2 giờ sáng ngày 12/6. Đây là vòng chung kết EURO với nhiều điểm khác biệt chưa từng có trong lịch sử của giải đấu này.

Xem thêm: Cập nhật dịch Covid-19: Thế giới đã có hơn 175 triệu ca nhiễm và gần 3,8 triệu ca tử vong

Khác biệt mang tính đột phá ở EURO 2020 là không chỉ có một nước đăng cai hoặc hai nước đồng chủ nhà, thay vào đó, giải đấu được diễn ra tại 11 sân vận động của 11 quốc gia châu Âu để tránh việc người hâm mộ di chuyển quá nhiều và tụ tập đông người trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Các thành phố đăng cai vòng chung kết giải vô địch châu Âu là London (Anh), Rome (Italy), Munich (Đức), Baku (Azerbaijan), Saint Petersburg (Nga), Budapest (Hungary), Sevilla (Tây Ban Nha), Bucharest (Romania), Amsterdam (Hà Lan), Glasgow (Scotland) và Copenhagen (Đan Mạch).

Đáng chú ý, Azerbaijan và Romania là 2 quốc gia không có đội tuyển tham dự nhưng vẫn tổ chức các trận đấu.

Dưới đây là thông tin cụ thể về các sân vận động (SVĐ) sẽ diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ EURO 2020.

Mười một Quốc gia đăng cai EURO 2020

1. SVĐ Johan Cruyff Arena (Amsterdam, Hà Lan)

  • Mở cửa: 1996
  • Sức chứa: 54.000 cổ động viên
 SVĐ Johan Cruyff Arena
SVĐ Johan Cruyff Arena

SVĐ Johan Cruyff Arena trước đây được gọi là Amsterdam ArenA, sân nhà của đội tuyển Ajax - đã được đổi tên vào năm 2018 để tưởng nhớ Johan Cruyff quá cố, người đã qua đời hai năm trước đó.

SVĐ này là một trong năm địa điểm thể thao bền vững nhất trên hành tinh khi có tới 4.200 tấm pin mặt trời, có trang trại gió chuyên dụng và hệ thống thu hoạch nước mưa để tưới sân.

2. SVĐ Baku Olympic (Baku, Azerbaijan)

  • Mở cửa: 2015
  • Sức chứa: 69.000 cổ động viên
Baku Olympic
SVĐ Baku Olympic

Đây là sân nhà của đội tuyển bóng đá quốc gia Azerbaijan - được xây dựng với chi phí 600 triệu USD trên bờ Hồ Boyukshor trên Bán đảo Absheron. Theo ấn phẩm kiến ​​trúc và thiết kế CLADmag, “kiến trúc của sân vận động được lấy cảm hứng từ dải băng của những người tập thể dục nhịp điệu và ánh sáng nhấp nháy được sử dụng để làm cho sân vận động trông như thể đang bay”.

3. SVĐ National Arena (Bucharest, Romania)

  • Mở cửa: 2011
  • Sức chứa: 54.000 cổ động viên
SVĐ National Arena
SVĐ National Arena

SVĐ được xây dựng với chi phí khoảng 260 triệu USD ở vùng ngoại ô thủ đô Romania. National Arena được thiết kế theo phong cách của một đấu trường cổ đại. Sân vận động có hai tầng ngầm và ba tầng trên với chỗ đậu xe ngầm cho 2.100 phương tiện. Các tầng trên có 42 skybox VIP, sảnh khách, nhà hàng, phòng vệ sinh… cùng hệ thống âm thanh - video hiện đại và mái có thể đóng mở tự động.

4. SVĐ Puskas Arena (Budapest, Hungary)

  • Mở cửa: 2019
  • Sức chứa: 68.000 cổ động viên
SVĐ Puskas Arena
SVĐ Puskas Arena

Nằm cách ga trung tâm Budapest Keleti chỉ 10 phút đi bộ, Puskas Arena là sân vận động lớn nhất ở thủ đô Hungary và là nơi tổ chức các trận đấu của đội tuyển quốc gia.

Puskas Arena được xây dựng trên vị trí của SVĐ Ferenc Puskas cũ và là đứa con tinh thần của kiến ​​trúc sư Gyorgy Skardelli. SVĐ được thiết kế dựa trên đặc điểm của SVĐ cũ và giữ lại được những bức tường gạch cũ làm lối vào chính.

Theo Codina Architectural, công ty chịu trách nhiệm thiết kế và lắp đặt lớp vỏ kim loại lưới nổi bật, bao phủ toàn bộ diện tích 19.500 m2 của SVĐ thì “việc xây dựng sân vận động Puskas Arena mới đã kết hợp được các giá trị kiến ​​trúc của SVĐ cũ cùng với việc thực hiện các kỹ thuật hiện đại nhất”.

5. SVĐ Parken (Copenhagen, Đan Mạch)

  • Mở cửa: 1992
  • Sức chứa: 38.000 cổ động viên
Parken
SVĐ Parken

SVĐ Parken là sân bóng đá lớn nhất ở Đan Mạch, cũng là sân nhà của FC Copenhagen và đội tuyển quốc gia Đan Mạch. SVĐ được tân trang lại với mục đích phục vụ cho việc tổ chức các buổi hòa nhạc cũng như các trận đấu bóng đá.

Số lượng khán giả kỷ lục của sân này hiện nay là 60.000 người - trong buổi biểu diễn của Michael Jackson vào năm 1997.

6. SVĐ Hampden Park (Glasgow, Scotland)

  • Mở cửa: 1903
  • Sức chứa: 51.000 cổ động viên
 Hampden Park
SVĐ Hampden Park

Đây là SVĐ bóng đá quốc tế lâu đời nhất trên thế giới và thuộc sở hữu của Hiệp hội bóng đá Scotland.

Du khách đến đây thường chỉ trích cảnh quan và cơ sở vật chất tồi tàn của sân dù nó đã được tân trang vào những năm 1990 với chi phí khoảng 50 triệu bảng Anh, đó là chưa kể tới việc khán đài phía đông và phía tây được đánh giá là quá xa sân.

7. SVĐ Wembley (London, Anh)

  • Mở cửa: 2007
  • Sức chứa: 87.000 cổ động viên
Wembley
SVĐ Wembley

SVĐ Wembley mở cửa cho công chúng vào ngày 9/3/2007 sau gần một thập kỷ trì hoãn, chi phí gia tăng và tranh chấp pháp lý. Sân vận động Wembley đã được xây dựng với mức giá đáng kinh ngạc là hơn 800 triệu bảng Anh.

SVĐ có nhịp mái đơn dài nhất thế giới với vòm cao 135 mét, uốn cong 315 mét. Các ghế ngồi có rãnh dốc hơn so với phiên bản trước của Wembley và được bố trí thành ba tầng.

8. SVĐ Football Arena Munich (Munich, Đức)

  • Mở cửa: 2005
  • Sức chứa: 70.000 cổ động viên
SVĐ Football Arena Munich
SVĐ Football Arena Munich

SVĐ Football Arena Munich là sân nhà của đội Bayern Munich được đánh giá là một trong những SVĐ bắt mắt nhất châu Âu. SVĐ có thiết kế như một chiếc phao cao su khổng lồ với ngoại thất với nhiều màu sắc khác nhau – có thể lên đến 16 triệu màu cùng 4.000 đèn được phát triển đặc biệt.

SVĐ được các kiến ​​trúc sư người Thụy Sĩ Jacques Herzog và Pierre de Meuron thiết kế và chỉ mất 30 tháng để xây dựng.

9. SVĐ Olimpico (Roma, Italy)

  • Mở cửa: 1953
  • Sức chứa: 68.000 cổ động viên
SVĐ Olimpico
SVĐ Olimpico

Đây là trung tâm của khu liên hợp thể thao Foro Italico ở phía bắc Rome. Việc xây dựng Stadio Olimpico bắt đầu vào năm 1928 nhưng bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới thứ hai và đến năm 1950 mới được xây dựng trở lại.

Năm 2007, Stadio Olimpico đã được nâng cấp thêm để phù hợp với các tiêu chuẩn của UEFA cho trận chung kết Champions League 2009 giữa Barcelona và Manchester United.

10. SVĐ St Petersburg (St Petersburg, Nga)

  • Mở cửa: 2017
  • Sức chứa: 61.000 cổ động viên
SVĐ St Petersburg
SVĐ St Petersburg

Đây là sân nhà của đội bóng Nga - Zenit St Petersburg. SVĐ được xây dựng trên vị trí của SVĐ Kirov trước đây với chi phí hơn 1 tỷ USD. Đây được coi là sân vận động bóng đá đắt nhất hành tinh và được hoàn thành muộn 8 năm, với mức kinh phí vượt quá 548% so với ngân sách ban đầu.

SVĐ được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư người Nhật Kisho Kurokawa, nằm cách trung tâm thành phố St Petersburg 9 km.

11. SVĐ La Cartuja Sevilla (Sevilla, Tây Ban Nha)

  • Mở cửa: 1999
  • Sức chứa: 60.000 cổ động viên
La Cartuja Sevilla
SVĐ La Cartuja Sevilla

SVĐ ban đầu được xây dựng để tổ chức Giải vô địch điền kinh thế giới năm 1999. La Cartuja là nơi diễn ra trận chung kết UEFA Cup 2003 giữa Porto và Celtic, hai trận chung kết Copa del Rey và một số trận đấu quốc tế của Tây Ban Nha.

Mặc dù được coi là sân vận động lớn thứ ba của Tây Ban Nha những một số chuyên gia đánh giá, SVĐ La Cartuja Sevilla không phải là đấu trường lý tưởng cho bóng đá bởi sự tồn tại của một đường chạy điền kinh khiến cho tầm nhìn từ khán đài kém đi nhiều.

Bình luận