Tiêu điểm: Nhân Humanity

Công tác phát triển và quản lý chợ truyền thống đạt kết quả khả quan

(VOH) - Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 02 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114 bổ sung sửa đổi một số điều của Nghị định 02. Đến tham dự có bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND TPHCM và đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, liên minh hợp tác xã và đại diện các hợp tác xã, ban quản lý chợ của các tỉnh khu vực phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.
Buôn bán sầm uất tại chợ An Đông. Ảnh: SGGP

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thị trường trong nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương. Thành tựu đó có phần đóng góp quan trọng của hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02 năm 2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114 năm 2009 bổ sung sửa đổi một số điều của nghị định 02.

Sau khi thực hiện 2 nghị định thì công tác phát triển và quản lý chợ đã đạt được nhiều kết quả khả quan như công tác quy hoạch phát triển chợ được các cấp, các ngành quan tâm hơn trước. Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc, tại các địa phương, mặc dù ngân sách của nhiều tỉnh còn rất eo hẹp nhưng phần lớn Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và dành ngân sách xây dựng quy hoạch phát triển chợ.

Từ năm 2003 đến cuối năm 2012, cả nước cải tạo nâng cấp được trên 2.900 chợ các loại, xây mới hơn 2.000 chợ, nâng tổng số chợ cả nước lên hơn 8.500. Trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số chợ đạt hiệu quả chiếm khoảng 97%. Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, tổng số người buôn bán tại các chợ khoảng 2 triệu người, riêng các chợ ở khu vực nông thôn, số lượng người buôn bán thường xuyên, cố định chiếm khoảng 47%. Với vị trí là đầu tàu kinh tế của khu vưc, TPHCM cũng là nơi tập trung nhiều chợ truyền thống, thay mặt cho TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, vai trò chợ truyền thống vẫn giữ một vị trí khá quan trọng đối với việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Trong định hướng tới, làm sao người tiêu dùng không rời bỏ chợ, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt ở đây không phải cơ chế chính sách gì cả, mà liên quan đến vai trò trách nhiệm của người tiểu thương đối với khách hàng, vấn đề này thành phố cũng đã làm việc với ủy ban quận - huyện, với ban quản lý chợ để làm sao nâng cao năng lực trong công tác quản lý của chợ, như là làm sao kiểm soát cho được chất lượng hàng hóa đưa vào chợ, rồi kiểm soát được việc quản lý giá đối với các mặt hàng trong chợ, làm sao đưa đến hàng hóa cho người tiêu dùng với chất lượng hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý".

Trong giai đoạn 2003 - 2007, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 45 tỉnh với hơn 319 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 154 chợ, cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đã phát huy tác dụng tích cực. Từ nguồn vốn của ngân sách Trung ương và địa phương đã thu hút được một lượng lớn các nguồn vốn ngoài nhà nước, nhất là nguồn vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đầu tư xây dựng chợ. Sự phát triển của hệ thống chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và "Đưa hàng Việt về nông thôn". Hoạt động của chợ cũng góp phần vào công tác giải quyết việc làm cho xã hội và tạo thu nhập cho người dân.

Tuy vậy, việc phát triển và quản lý chợ còn nhiều hạn chế như chất lượng của một số quy hoạch chợ chưa tốt, số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, ở vùng nông thôn chủ yếu là chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn sơ sài, lạc hậu; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tuy có tiến bộ so với trước nhưng còn nhiều hạn chế… Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về vai trò, vị trí của thương mại nói chung, của chợ nói riêng, của một bộ phận cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương còn sai lệch và chưa thống nhất dẫn đến thiếu quan tâm đến công tác phát triển và quản lý chợ. Bên cạnh đó, những chợ hoạt động không hiệu quả là do quy mô chợ, phương án sắp xếp các hộ kinh doanh không phù hợp với thực tế của chợ; giá thuê điểm kinh doanh cao, chính quyền một số địa phương không cương quyết xử lý chợ cóc, chợ tạm không theo quy hoạch. Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Vẫn còn nhiều hạn chế, một số chợ thì phân vùng, phân bổ chưa đồng đều, thứ hai là một số chợ có nhưng kinh doanh chưa hiệu quả nằm trong việc thực hiện Nghị định 02, một số chợ được xây dựng theo một số chương trình khác, tuy nhiên, số chợ không hiệu quả thì qua đánh giá, chúng tôi thấy chiếm chưa tới 3% nhưng cũng tạo ra tâm lý là có một số chợ hoạt động không hiệu quả".

Ttrong thời gian tới, để phát triển và quản lý chợ tốt hơn, Nhà nước cần phải nâng cấp các chợ truyền thống; đối với các tỉnh nghèo, có nhu cầu bức xúc về chợ, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, nguồn thu ngân sách còn khó khăn, không có khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để đầu tư phát triển chợ, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư; cần phải rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng của quy hoạch phát triển mạng lưới chợ; sửa đổi bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án nhằm tăng thêm nguồn lực cho công tác phát triển và quản lý chợ./. 

Bình luận