Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đối thoại giải quyết những vướng mắc về thuế và hải quan

(VOH) - Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thành phố duy trì và nâng cao kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngoài sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp cần có giải pháp đồng bộ của các bộ ngành trung ương, sở, ban ngành, UBND các quận huyện để trao đổi lắng nghe và đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP được nhiều người tiêu dùng chọn mua. (ảnh minh họa: baodatviet)

Thực hiện mục đích này, ngày 21/4, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Cục thuế TP, Cục Hải quan TP tổ chức buổi đối thoại giải quyết những vướng mắc về thuế và hải quan cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đa phần các thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp đều phải thuê một doanh nghiệp khác thực hiện, do đó, chi phí cho các lô hàng xuất khẩu có giá trị bằng nhau lại ở các mức khác nhau. Do trình độ năng lực hạn chế, nắm bắt chưa kịp thời các thủ tục xuất khẩu nên thiệt thòi vẫn là phía doanh nghiệp.

Làm rõ vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng phân tích: “Hiện nay các doanh nghiệp làm thủ tục qua chuyển phát nhanh thì hầu như các đại diện doanh nghiệp làm việc với cơ quan hải quan về trị giá lô hàng hay là kết quả thông quan hàng hóa. Quá trình thông quan hàng hóa không chỉ liên quan đến cơ quan hải quan mà còn liên quan đến cơ quan quản lý chuyên ngành. Khi xong thủ tục thì họ sẽ làm việc với doanh nghiệp nhập khẩu về chi phí mà họ tính toán. Chi phí này không liên quan đến cơ quan hải quan mà họ là người đứng ra giống như đại lý hải quan, làm việc với doanh nghiệp.

Cho nên, về phần chi phí này tôi đề nghị với các doanh nghiệp làm việc lại với các doanh nghiệp đại diện, có những vấn đề gì phát sinh mà không minh bạch thì chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp làm việc với lại vấn đề này, để trách những việc làm không đúng với quy định pháp luật hay doanh nghiệp áp dụng sai”.

Các vướng mắc được cơ quan thuế giải đáp chủ yếu tập trung vào: ưu đãi thuế đối với các hàng nông sản xuất khẩu,  hoàn thuế giá trị gia tăng; chứng từ hợp lệ đối với hàng nông nghiệp miễn thuế nhập khẩu,… Ngoài ra, do những thay đổi trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do trong hội nhập kinh tế thế giới, việc tính miễn giảm thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Giải thích thêm vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TPHCM nói: “Trường hợp các đơn vị trực tiếp sản xuất ra mặt hàng rau củ quả bán cho doanh nghiệp thì đầu ra của họ là không chịu thuế giá trị gia tăng, thì đầu vào họ không được khấu trừ.

Còn khi mình đi mua lại mặt hàng rau củ quả đó, mình bán tiếp cho các hợp tác xã thì đầu ra không tính thuế giá trị giá tăng, còn thuế giá trị gia tăng đầu vào có liên quan ví dụ như chi phí vận chuyển, bao bì, đóng gói thì mình vẫn được khấu trừ”.

Năm 2016, xuất khẩu nông sản, thủy sản được dự báo là sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, cơ cấu sản phẩm mở rộng áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, đặc biệt là có sự tác động từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết và có hiệu lực trong năm 2016.

Tuy nhiên, khi hội nhập, một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, đây là một thách thức lớn cho các sản phẩm của Việt Nam, khi phải trực tiếp cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong khối ASEAN và ngay tại chính thị trường nội địa.

 Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng, việc phối hợp với cục thuế và cục hải quan thành phố tổ chức hội nghị đối thoại ngày hôm nay sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành nông nghiệp nói riêng thực thi các chính sách của nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả”.

Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là chịu tác động nhiều nhất khi nước ta bước vào công cuộc hội nhập. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp cũng phải chuyển động không ngừng để nắm bắt kịp thời những thay đổi, có chiến lược kinh doanh phù hợp để tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bình luận