Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá cà phê hôm nay 16/11/2018: Duy trì đà tăng theo giá thế giới

(VOH) - Giá cà phê hôm nay 16/11 tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam duy trì đà phục hồi, tăng nhẹ từ 100–200 đồng/kg do tác động từ giá cà phê thế giới. Nhưng giá vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ.

Giá cà phê trong nước tăng nhẹ

Giá cà phê hôm nay tại một số vùng trọng điểm phục hồi tăng khi giá thế giới tiếp tục tăng, nông dân vùng chuyên canh tấp nập vụ thu hoạch, nhưng không khí thu mua vẫn trầm lắng. Giá cà phê cao nhất tại Đắk Lắk là 36.300 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 35.500 đồng/kg.

Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê ở huyện Bảo Lộc và Di Linh tăng nhẹ 200 đồng/kg lên 35.500 đồng/kg, giá cà phê ở huyện Lâm Hà cũng tăng 200 đồng/kg lên 35.400 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đắk Lắk ở huyện Cư M'gar tăng 200 đồng/kg lên 36.300 đồng/kg, và Buôn Hồ tăng lên 36.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá cà phê tại Ia Grai của tỉnh Gia Lai  tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 36.000 đồng/kg

Tại Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa giá cà phê tăng 100 đồng/kg lên 36.000 đồng/kg.

Tại Kon Tum, huyện Đắk Hà giá cà phê lên mức 36.100 đ/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá cà phê giao tại cảng TPHCM hôm nay vẫn ổn định ở mức 37.800 đồng/kg.

Cà phê chín

Ảnh minh họa: internet  

Thời điểm này, bà con nông dân trên khắp các vùng chuyên canh cà phê Tây Nguyên đang tất bật tập trung thu hoạch cà phê. Dù hiện nay không khí thu hoạch cà phê rất nhộn nhịp nhưng thị trường giao dịch cà phê ở đây lại rất trầm lắng.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2017 - 2018, diện tích cà phê toàn tỉnh là 204.808 ha, tăng 1.071 ha so với niên vụ trước.

Trong đó, diện tích cho sản phẩm 187.279 ha, năng suất bình quân đạt 24,55 tạ/ha. Tổng sản lượng ước đạt 459.785 tấn, tăng 11.975 tấn so với niên vụ 2016 - 2017.

Toàn tỉnh có 12 công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích trên 15.600 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm.

Tính đến hết niên vụ 2017 - 2018, các địa phương thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71% kế hoạch.

Về hoạt động chế biến và xuất khẩu, niên vụ 2017 - 2018 Đắk Lắk có 301 cơ sở chế biến cà phê, tăng 41 cơ sở so với niên vụ 2016 - 2017.

Xuất khẩu cà phê đạt 191.169 tấn, giảm 9.993 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 365 triệu USD, giảm 80,238 triệu USD so với niên vụ trước.

Dự kiến niên vụ 2018 - 2019, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh là 204.577 ha, giảm 231 ha so với niên vụ 2017 - 2018. Năng suất bình quân ước đạt 24,46 tạ/ha; tổng sản lượng ước khoảng 464.175 tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh sẽ quan tâm đến việc phát triển sản phẩm cà phê đặc sản của Đắk Lắk.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính lũy kế từ 2013 đến năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 54.325 ha; trong đó, trồng tái canh 22.687 ha, trồng mới 1.087 ha và ghép cải tạo 30.551 ha.

Cụ thể, tính đến năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được hơn 45.000 ha cà phê già cỗi, kém năng suất. Riêng năm 2018, kết quả thực hiện tái canh, cải tạo giống gắn với phát triển cà phê bền vững ước đạt 8.919 ha/7.576 ha theo kế hoạch (đạt 117,7%); trong đó, trồng tái canh 3.013 ha và ghép cải tạo 5.901 ha.

Nhờ thực hiện tái canh, năng suất cà phê đã tăng lên đáng kể, từ 27 tạ/ha trước khi thực hiện kế hoạch, đến nay năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt trên 32 tạ/ha. Cá biệt, có nhiều vườn cà phê cho năng suất 70 - 80 tạ/ha. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân.

Trong một diễn biến khác, tại tỉnh Điện Biên, do những bất lợi về thời tiết và sự biến động khó lường của thị trường nên cà phê Mường Ảng rơi vào tình trạng rất thê thảm, vừa mất mùa, mất giá. Trước thực trạng khó khăn của người trồng cà phê Mường Ẳng, một số hộ đã tính đến chuyện sẽ chuyển đổi 1 phần diện tích cà phê sang trồng cây ăn quả.

Giá cà phê thế giới tăng giảm trái chiều

Trên thị trường thế giới, 9h105 ngày 16/11 giá cà phê robusta giao tháng 1/2019 trên sàn Robusta (ICE Futures Europe) tăng 4 USD/tấn, tương đương 0,24%% lên mức 1.667 USD/tấn, giá cà phê giao tháng 3/2019 tăng 3 USD/tấn, tương đương 0,18%% lên mức 1.678 USD/tấn.

Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn (ICE Futures US) 9h10 sáng nay giảm 2,31 % lên mức 1.100USD/tấn, giá giao tháng 3/2019 là 1.1380 USD/tấn,  giảm 2,07%.

Trong báo cáo tổng hợp niên vụ cà phê 2017/18, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung dư thừa toàn cầu xuống còn 1,59 triệu bao nhưng đã dự kiến niên vụ cà phê 2018/19 khả năng dư thừa toàn cầu sẽ lên tới hơn 8 triệu bao. Một con số gây tác động không ít với tâm lý giảm giá hiện hành trên các thị trường cà phê.

 Báo cáo từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, tổng xuất khẩu cà phê tăng mỗi năm kể từ niên vụ 2010/11 với mức kỉ lục mới đạt được vụ 2017/18 là 121,86 triệu bao, tăng 2% so với niên vụ 2016/17.

Thị trường cà phê thế giới tiếp tục ảm đạm kéo theo thị trường cà phê trong nước vẫn trong xu hướng tiêu cực. USD tiếp tục vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh khiến cho hàng hóa giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ, sức mua giảm sút buộc phải hạ giá.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng cà phê thế giới. Dự báo, trong vòng 3 - 5 năm nữa, nguồn cung cà phê có thể thiếu hụt nghiêm trọng. Bên lề triển lãm Coffee Expo Vietnam 2018, ông Duy Hồ, CEO The Married Beans đã nhận định, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cà phê thế giới, đặc biệt là một số vùng trồng cà phê lớn như châu Phi và Nam Mĩ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động tiêu cực này.

Ông Duy Hồ cho rằng khoảng 3 - 5 năm tới, nguồn cung cà phê có thể thiếu hụt nghiêm trọng. Mặc dù vậy, hiện nay tồn kho của Brazil vẫn lớn. Nếu nước này tăng sản lượng và chất lượng cà phê thông qua việc áp dụng khoa học kĩ thuật, các nước khác như Việt Nam, Colombia sẽ chịu áp lực về giá.

 

 

Giá tiêu hôm nay 16/11/2018: Giá không đổi, thị trường “lặng sóng”: Giá tiêu hôm nay 16/11/2018 tiếp tục duy trì đà đi ngang tại các vùng trồng tiêu trọng điểm Tây nguyên và miền Nam. Giá tiêu Thế giới biến động mạnh.

 

Giá cả thị trường hôm nay 16/11/2018: Thịt nạc heo 100 ngàn đồng một kg: Thịt nạc heo được bán với giá 100 ngàn đồng/kg tại chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh).
Bình luận