Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá cao su hôm nay 30/7/2021: Tiếp tục tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua

(VOH) – Giá cao su ngày 30/7 giữ đà tăng trên thị trường châu Á, khi nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục tích cực.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 30/7/2021, lúc 14h30, kỳ hạn tháng 11/2021, tăng mạnh 0,8 JPY, tương đương 0,37% lên mức 215,3 JPY/kg. 

Giá cao su hôm nay 30/7/2021: Tiếp tục tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua 1

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 175 CNY, tương đương 1,31%, lên mức 13.485 CNY/tấn.

Giá cao su hôm nay 30/7/2021: Tiếp tục tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua 2

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong gần ba tuần, do kỳ vọng nền kinh tế Mỹ phục hồi. Tuy nhiên giá cao su vẫn giữ đà giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sự lây lan nhanh chóng của biến thể coronavirus Delta.

Indonesia, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Việt Nam và Liberia là 5 thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Mỹ, đạt 19,53 nghìn tấn, trị giá 34 triệu USD, tăng 51,2% về lượng và tăng 76,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 5,2%, tăng so với mức 3,8% của 5 tháng đầu năm 2020, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Giá cao su hôm nay 30/7/2021: Tiếp tục tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua 3
Ảnh minh họa - Internet 

Doanh nghiệp lãi cao từ "vàng trắng"

Sau nhiều năm giảm giá sâu, giá mủ cao su tăng mạnh mẽ và đang dần lấy lại danh hiệu "vàng trắng".

Nhờ giá tăng cao, nhiều doanh nghiệp cao su Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Giới phân tích kỳ vọng, giá mủ cao su năm 2021 sẽ vẫn giữ ở mức cao do nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung suy giảm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 79,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng lượng tiêu thụ cao su đã phục hồi từ mốc thấp khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã phải hứng chịu sự bùng nổ của đại dịch từ đầu năm 2020.

Tổng sản lượng cao su thế giới trong nửa đầu năm 2021 đã đạt 4,5 triệu tấn, trong khi tổng lượng tiêu thụ trong giai đoạn này đã đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Chênh lệnh giữa cung và cầu vào khoảng hơn 800.000 tấn về phía cầu.

Các chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán ACB ( ACBS) cho biết, có những báo cáo đã chỉ ra rằng, suốt thời gian dài giá cao su giảm về mức thấp, những nông dân trồng cao su đã giảm việc chăm sóc, dẫn đến cây dễ mắc bệnh hơn.

Khoảng 65 % cao su tự nhiên được sản xuất tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay một số nước tại khu vực này như Thái Lan và Malaysia có diện tích cây cao su đang chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh rụng lá.

Bên cạnh đó, các quốc gia như Sri Lanka, Ấn Độ cũng có nhiều diện tích cây cao su bị bệnh rụng lá.

Trước thực trạng này, Hiệp hội cao su Việt Nam đã đưa ra cảnh báo tới các thành viên để có sự chuẩn bị tốt hơn nếu dịch bệnh lan tới Việt Nam, đặc biệt là với các thành viên có vườn cao su ở Campuchia, nơi có vị trí địa lý gần với Thái Lan.

Ở Indonesia, diện tích trồng cây công nghiệp mới chủ yếu tập trung vào cây cọ dầu - loại cây có thời gian thu hoạch ngắn hơn so với cao su. Thái Lan cũng có thời gian khuyến khích nông dân thay thế cây cao su bằng các loại cây khác do tình hình giá thấp kéo dài.

Dịch bệnh rụng lá trên cây cao su ảnh hưởng mạnh đến các cây trong độ tuổi khai thác, cũng góp phần vào sự tăng trưởng chậm của nguồn cung cao su.

Bên cạnh đó, cũng có sự tương quan cao giữa giá cao su tự nhiên với giá dầu Brent và butadiene (nguyên liệu sản xuất cao su tổng hợp) - hai nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp cao su.

Với xu hướng giá dầu tăng, giá cao su có thể tăng trở lại, trong bối cảnh nguồn cung nhiều khả năng khan hiếm.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của ACBS cho rằng, làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Ấn Độ từ tháng 3/2021 khiến nhu cầu cao su sẽ không tăng quá cao trong năm 2021, vì Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.

Bình luận