Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá cao su hôm nay 9/2/2021: Giá tại Nhật Bản liên tục tăng

(VOH) – Giá cao su ngày 9/2 tăng phiên thứ 4 liên tiếp, chạm mức cao nhất trong 3 tuần, do giá dầu và chứng khoán tăng mạnh.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 9/2/2021, lúc 14h00, kỳ hạn tháng 7/2021, tăng nhẹ  0,3 JPY, tương đương 0,1%,  ghi nhận ở mức 243,5 JPY/kg.

Đầu phiên giao dịch, giá kỳ hạn này đã đạt 245 JPY/kg, mức cao nhất kể từ ngày 18/01/2021.

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 9/2/2021: Giá tại Nhật Bản liên tục tăng 1

Giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 60% kể từ đầu tháng 11/2020 do lạc quan về việc triển khai vắc xin Covid-19 cũng như việc hạn chế nguồn cung của OPEC+.

Thị trường chứng khoán phố Wall đã đạt mức cao kỷ lục khi đóng cửa phiên đầu tuần do các nhà đầu tư lạc quan về sự hồi phục kinh tế nhanh hơn sau đại dịch toàn cầu.

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 60 CNY, tương đương 0,4% xuống 14.770 CNY (2.290 USD)/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn SICOM Singapore tăng 0,1% lên mức 161,9 US cent/kg.

Chốt phiên đầu tuần, giá cao su tại Ấn Độ ghi nhận mức tăng. Theo các thương nhân và Hội đồng Cao su, giá cao su RSS 4 đã tăng lên ngưỡng 154 rupee/kg. Tại các đại lý, mức giao dịch cũng được điều chỉnh đến mốc 150 rupee/kg.

Giá cao su được hỗ trợ bởi tín hiệu tích cực toàn cầu trong việc phân phối vắc xin COVID-19 và kỳ vọng về gói kích thích của Mỹ. Ngoài ra, thị trường cao su Ấn Độ được cải thiện nhờ vào phản ứng chặt chẽ với mức tăng tổng thể dự kiến trong tương lai.

Sản xuất cao su tại Trung Quốc được đảm bảo khi nước này hiện ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua.

Hoạt động sản xuất cao su của các nhà máy vẫn được đảm bảo, tuy nhiên năng suất bị sụt giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao trong đại dịch.

Giá cao su hôm nay 9/2/2021: Giá tại Nhật Bản liên tục tăng 2

Trung Quốc dự trữ cao su khổng lồ, hàng Việt tìm đường sang Ấn Độ

Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1/2021 đạt 200.000 tấn với trị giá đạt 321 triệu USD, gấp 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 76,8%, 3,7% và 2,1%.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1/2021, hợp đồng benchmark kỳ hạn tháng 5/2021 đạt mức cao 245,9 yên/kg, sau đó giảm trở lại do lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại nước mua hàng đầu Trung Quốc làm ảnh hưởng đến nhu cầu.

Tuy nhiên, thị trường cao su lại tăng trở lại trong ngày 20-21/1/2021 do thị trường kỳ vọng Tổng thống Mỹ mới nhậm chức Joe Biden sẽ đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế hơn nữa để bù đắp thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giá cao su thế giới biến động dẫn đến thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động giảm nhẹ cùng với xu thế trên thị trường thế giới.

Nói tới câu chuyện xuất khẩu cao su thời gian gần đây cũng như triển vọng trong năm nay của Việt Nam, điểm đáng chú ý nhất là tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020.

Tuy nhiên điểm đáng chú ý là trong 2 tháng cuối năm 2020, quốc gia này đã giảm mạnh lượng nhập khẩu cao su so với những tháng trước đó, cho thấy một lượng lớn cao su nguyên liệu đã được tích lũy.

Vì vậy, dự báo trong năm 2021 nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm nhập khẩu cao su do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ.

Giá cao su hôm nay 9/2/2021: Giá tại Nhật Bản liên tục tăng 3
Ảnh minh họa - Internet 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm mạnh

Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Malaysia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, tuy nhiên nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều giảm mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Ấn Độ, đạt 53.810 tấn, trị giá 78,14 triệu USD, giảm 53,3% về lượng và giảm 54,8% về trị giá. 

Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ giảm từ 13,11% trong 10 tháng năm 2019, xuống còn 7,67% trong 10 tháng năm 2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 2 cho Ấn Độ, đạt 53.350 tấn, trị giá 77,39 triệu USD, giảm 53,5% về lượng và giảm 55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm từ 27,33% trong 10 tháng năm 2019 xuống còn 17,4% trong 10 tháng năm 2020. 

Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 10 tháng năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore lại tăng.

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong 10 tháng năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Singapore trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Nga, Nhật Bản và Mỹ tăng. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam mới chỉ chiếm 0,1% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ.

Bình luận