Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá sắt thép xây dựng hôm nay 2/3: Thép xây dựng thêm 200.000 đồng/tấn từ ngày 6/3

(VOH)-Giá thép xây dựng ngày 2/3, giá thép trong nước sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tấn từ ngày 6/3. Giá thế giới hôm nay tăng 25 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải.
Giá sắt thép xây dựng hôm nay 2/3: Thép xây dựng thêm 200.000 đồng/tấn từ ngày 6/3 1
Ảnh minh họa: internet

Giá thép trong nước sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tấn

Trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên đã điều chỉnh tăng giá mặt hàng Thép xây dựng thêm 200.000 đồng/tấn từ ngày 6/3 tới đây.

Ngày 25/2, một số doanh nghiệp thép xây dựng nâng giá thép thêm 150.000 - 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, đưa mức giá lên khoảng 15,7 - 16 triệu đồng/tấn. Thậm chí, có thương hiệu thép tăng giá bán lên mức vượt 17 triệu đồng/tấn.

Thương hiệp thép Pomina tại miền Trung điều chỉnh tăng mạnh với mức 1,05 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 thành giá bán là 17,57 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 1,02 triệu đồng/tấn, lên thành 17,6 triệu đồng/tấn.

Thép Hòa Phát tại miền Bắc, miền Trung nâng giá bán lên 200.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240; giá thép ở 2 miền lần lượt ở mức 15,96 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thép Hòa Phát tăng 150.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên thành 15,98 triệu đồng/tấn.

Nhiều thương hiệu thép khác cũng nâng giá bán ra. Cụ thể, thép Việt Ý cũng nâng 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 lên 15,91 triệu đồng/tấn.

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, giá thép cuộn CB240 đã điều chỉnh tăng giá 5 đợt, mức tăng giá tùy thuộc vào thương hiệu thép. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bình quân giá thép nội địa hiện tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 8%.

Nguyên nhân tăng giá, theo VSA, là do nguyên liệu đầu vào tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán để bù lại giá thành sản phẩm, giảm lỗ. Tuy nhiên, giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép chưa cao.

Thời gian tới, áp lực từ các nền kinh tế lớn sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép xây dựng. Trong khi đó, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, biến động giá cũng sẽ là yếu tố gây ra nhiều thách thức cho ngành.

Giá sắt thép xây dựng tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải

Giá thép ngày 2/3, giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 25 nhân dân tệ lên mức 4.223 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá sắt thép xây dựng hôm nay 2/3: Thép xây dựng thêm 200.000 đồng/tấn từ ngày 6/3 2

Sau hai tuần liên tiếp giảm giá thép cuộn cán nóng (HRC), vào tuần trước, các nhà sản xuất thép tại Ấn Độ đã điều chỉnh giá tăng 400 - 500 rupee/tấn, Livemint đưa tin.

Việc tăng giá có thể đã được hỗ trợ bởi giá than luyện cốc cao và giá xuất khẩu ổn định. Ngoài ra, các công ty đang khám phá các cơ hội xuất khẩu sang châu Âu sau sự gián đoạn nguồn cung ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá HRC trên thị trường trong nước của các thương nhân Ấn Độ đã tăng 400 rupee/tấn lên mức 59.710 rupee/tấn trong đợt điều chỉnh vừa rồi.

Các nhà phân tích cho biết, giá xuất khẩu của Ấn Độ duy trì ở mức 705 - 708 USD/tấn, nhờ sự tăng giá của các nhà cung cấp Viễn Đông, Trung Quốc và Nga.

Theo dữ liệu của Nomura Research, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng giá HRC xuất khẩu thêm 15 - 35 USD/tấn lên 705 - 730 USD/tấn.

Các thương nhân đang kỳ vọng giá sẽ vào khoảng 1.000 - 1.500 rupee/tấn trong tháng 3 do nhập khẩu thuận lợi và doanh thu xuất khẩu được cải thiện.

Các nhà phân tích tại ICICI Securities cho biết, mức chênh lệch giao ngay tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng.

Sau khi tăng giá HRC, mức chênh lệch HRC trung bình đã tăng 3% so với tuần trước đó, nhưng mức chênh lệch trung bình cho tháng 2/2023 tính đến nay đã giảm 4,8% so với tháng trước, ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Đây là do giá than luyện cốc tăng cao, tăng 16,9% so với tháng trước và 3,8% so với tuần trước đó. Do vậy, việc tăng giá hơn nữa được xem là điều cần thiết để cải thiện lợi nhuận của các công ty.

Sắp có thêm nhà máy luyện cán thép 5.500 tỷ đồng tại khu kinh tế Nghi Sơn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi vừa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn, dự án được chia làm hai gian đoạn, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy luyện cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu công suất 980.000 tấn/năm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư nhà máy kết cấu thép, sản xuất các sản phẩm kết cấu thép dùng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp, công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cán nguội và sản xuất ống thép định hình dùng trong xây dựng, công suất 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án trên khoảng 51 ha, với vốn đầu tư của dự án là 5.500 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Bình luận