Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá xăng dầu hôm nay 28/3: Giá xăng được dự báo tăng trở lại vào ngày 1/4

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 28/3 lao dốc vì triển vọng nhu cầu nhiên liệu giảm ở Trung Quốc. Giá xăng được dự báo tăng trở lại vào ngày 1/4.

Giá xăng trong nước có thể sẽ tăng trở lại vào ngày 1/4

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết trong kỳ điều ngày 1/4 tới đây, giá xăng dầu có thể sẽ tăng theo xu hướng tăng giá hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, cùng ngày, việc giảm thuế môi trường có hiệu lực, sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.

Giá xăng dầu hôm nay 28/3/2022
Ảnh minh họa: internet

Kết thúc giao dịch tuần vừa qua, giá dầu Brent được giao dịch lên mức 120,7 USD/thùng và WTI lên 113,9 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng hơn 11,5% và WTI tăng 8,8%, đánh dấu một tuần tăng của dầu. Với sự thiếu hụt nguồn cung liên tiếp này, chuyên gia thế giới dự báo giá dầu tuần tới vẫn sẽ tăng.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới gần đây có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, ngày 24/3 giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là 132,31 USD đối với xăng RON 92 và 136,26 USD/thùng đối với RON 95. Tương tự, giá dầu diesel nhiều thời điểm về mốc 148,96 USD/thùng trong khi trước có thời điểm chỉ 130,18 USD/thùng.

Ngay cuối kỳ điều chỉnh trước, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá dầu thế giới tăng trong tuần qua gây áp lực lên kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới. Trong kỳ điều hành ngày 1/4 tới, giá xăng có thể sẽ tăng theo xu hướng tăng giá hiện nay trên thế giới.

Tuy nhiên, với quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường được thông qua bắt đầu có hiệu lực từ 1/4 tới, xăng dầu có thể sẽ hạ nhiệt hơn với mức giảm 1.100 - 2.200 đồng (bao gồm VAT) tùy loại. Điều này có thể khiến người tiêu dùng bớt lo lắng hơn về việc giá xăng tăng.

Giá xăng dầu thế giới lao dốc

Giá xăng dầu ngày 28/3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 3,67% xuống 109,72 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 5 cũng giảm 3,51% xuống 113,25 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 28/3/2022

Giá xăng dầu hôm nay 28/3: Giá xăng được dự báo lại sắp tăng trở lại vào ngày 1/4 tới khi dầu thế giới liên tục biến động. 3

Giá dầu thô giảm hơn 3 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (28/3) vì triển vọng nhu cầu nhiên liệu giảm ở Trung Quốc, sau khi các nhà chức trách ở Thượng Hải cho biết họ sẽ đóng cửa trung tâm tài chính của nước này trong vòng 9 ngày để kìm hãm sự gia tăng của số ca mắc COVID-19.

Tuần trước, cả dầu Brent và dầu WTI của Mỹ đã tăng 1,4% vào cuối tuần trước.

Cộng hưởng với thông tin tại Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số, đã thông báo sẽ phong tỏa trong ít nhất 9 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, gây lo ngại không chỉ về việc nhu cầu đi lại tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sẽ giảm, mà còn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của nước này, khi chính sách “Zero-Covid” kéo dài quá lâu.

Tuy nhiên, các căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực châu Âu bất chấp các nỗ lực ngoại giao của các bên.

Vì vậy, các lệnh cấm vận dành cho phía Nga vẫn chưa có khả năng được dỡ bỏ, gây ảnh hưởng đến sản lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Hiện tại, mặc dù Nga đang thúc đẩy chuyển sang bán cho các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, và thử nghiệm với việc nhận thanh toán bằng các tiền tệ khác đồng USD như đồng nhân dân tệ và đồng rupee, tuy nhiên các số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu sang khu vực này không tăng nhanh.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ là Indian Oil Corporation mới đăng ký mua thêm 3 triệu thùng dầu Urals, sản phẩm dầu chủ lực của Nga.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng không có nhiều động thái mới. Vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á mất 40 ngày, khiến cho chi phí vận chuyển và vấn đề logistics tương đối phức tạp.

Điều này khiến cho tổng nguồn cung dầu của thế giới có thể sụt giảm mạnh từ tháng 4, ước tính ở mức 3 triệu thùng/ngày, theo số liệu từ báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Một nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét đợt giải phóng dầu khác từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, có thể nhiều hơn 30 triệu thùng dầu đã được giải phóng hồi đầu tháng.

Tổng cộng, Mỹ và các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã giải phóng khoảng 60 triệu thùng từ kho dự trữ.

"Họ chắc chắn có khả năng làm được nhiều hơn thế - họ (các thành viên IEA) có khoảng 1,5 tỷ thùng dầu trong các khodự trữ chiến lược. Dù thế nào, đây cũng là mục đích của việc hình thành kho dự trữ - cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp", theo Natasha Kaneva, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại JP Morgan.

Thị trường cũng tiếp tục quan tâm tới cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại Ukraine.

Bình luận