Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngành điều đang đi đúng hướng

(VOH) - Đầu tư công nghệ chế biến sâu, tìm cách nâng cao giá trị hạt điều để tăng kích cầu tiêu dùng trong nước đang là hướng đi đúng và cần thiết cho ngành điều trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2014 Việt Nam xuất trên 300.000 tấn điều và hiện đang gấp 3 lần Ấn Độ, 6 lần Brasil, và gấp nhiều lần so với các quốc gia khác. (ảnh minh họa: TTXVN)

Trong 10 năm trở lại đây nhờ áp dụng công nghệ cải tiến và các loại máy móc thiết bị đã giúp giải quyết được nhiều khó khăn cho ngành điều như: giảm phụ thuộc nhân công lao động được từ 70-80%, nâng cao công suất chế biến, xử lý được nước thải, khí thải và kiểm soát các ô nhiễm môi trường, cũng như giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 30-40%. Đáng chú ý hơn, gần đây với việc chú trọng quan tâm đầu tư công nghệ chế biến sâu, đồng thời tăng cường quảng bá giá trị dinh dưỡng hạt điều được các chuyên gia nhìn nhận là bước đi khôn ngoan của ngành điều.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh: “Rõ ràng lâu nay chúng ta quan tâm tới sản xuất, xuất khẩu trong khi đó tiêu thụ nội địa chúng ta chưa thực sự quan tâm. Để cho việc tiêu thụ nội địa phát triển thì ngành công nghiệp, ngành chế biến cũng phải đổi mới và các doanh nghiệp làm thế nào đẩy mạnh xúc tiến vấn đề tiếp thị và giới thiệu những lợi ích của sản phẩm. Do vậy, ngành điều vừa qua đã có quảng bá về dinh dưỡng của hạt điều, tôi cho đó là nội dung làm rất phù hợp và rất cần thiết”.

Theo Hiệp hội điều VN, nếu như cách đây hơn 10 năm VN chỉ xuất khẩu 3.600 tấn nhân điều mỗi năm, thì đến năm 2014 đã xuất trên 300.000 tấn và hiện đang gấp 3 lần Ấn Độ, 6 lần Brasil, và gấp nhiều lần so với các quốc gia khác. Kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 2 tỷ USD, trong đó nhân điều đạt 1,85 tỷ USD, các sản phẩm chế biến sâu và dầu vỏ điều đạt 150 triệu USD. Về tiêu dùng trong nước cũng đã có những bước tiến đáng kể với khoảng 10.000 tấn trên tổng số 100.000 tấn điều nguyên liệu được sản xuất trong nước. Mặc dù vậy theo đánh giá của Hiệp hội điều VN thì hiện nay người nông dân vẫn chưa thực sự an tâm với cây điều do lợi nhuận từ trồng điều còn thấp. Trong khi đó thị trường điều nhân chế biến trong nước vẫn còn bị các doanh nghiệp bỏ ngõ, đòi hỏi ngành điều phải thay đổi tư duy trong chiến lược xúc tiến mở rộng thị trường nhằm giúp đem lại giá trị cao hơn cho cả doanh nghiệp và người trồng.

Một thời gian dài chúng ta tập trung phát triển về lượng là chủ yếu. Bây giờ đã đến lúc phát triển về chất, nếu không phát triển về chất có nghĩa không tham gia sâu hơn về chuỗi giá trị của điều không làm cho giá trị gia tăng lên. Bởi vì người chế biến xuất khẩu mà không bán được giá cao thì không có cách nào mua được của nông dân với giá cao”, ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều VN khẳng định.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN cho rằng, sau 30 năm phát triển, ngành điều đã làm rất tốt ở lĩnh vực xuất khẩu. Cụ thể hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đã hình thành mạng lưới khách hàng rộng khắp trên thế giới và mức tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Tuy nhiên đấy chỉ là một phần trong tổng thể bức tranh của ngành điều, bởi lẽ tình hình tiêu thụ điều chế biến trong nước hiện tại chưa đạt như kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân. Bà Loan nói: “Lý do đầu tiên làm cho sản phẩm điều chưa tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa, đó chính là nhận thức về xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của các doanh nghiệp chưa thật rộng khắp; thứ hai là sản phẩm điều chưa được quảng bá một cách thích hợp; tiếp theo là sản phẩm bán từ hạt điều còn khá đơn điệu, hạt điều muốn đi vào cuộc sống, muốn được tiêu dùng nhiều hơn thì không chỉ là những sản phẩm để ăn chơi dưới hình thức snack mà chắc chắn phải dùng trong chế biến thức ăn hàng ngày ví dụ xào, nấu canh, nấu súp; rào cản cuối cùng là tâm lý, người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất đều cho rằng thời điểm kinh doanh của các sản phẩm hạt điều chỉ có bán rộng rãi vào dịp tết, còn trong suốt cả năm thì không được quảng bá”.

Theo Hiệp hội điều VN, thật ra hạn chế này đã được ngành điều nhận thức được cách đây nhiều năm nhưng vào thời điểm đó cũng vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tiềm lực công nghệ có hạn nên các doanh nghiệp vẫn còn chần chừ. Chỉ 5 năm trở lại đây khi đã làm chủ được công nghệ chế biến nhân điều xuất khẩu thì doanh nghiệp xuất khẩu điều mới mạnh dạn chuyển từ lượng sang chất. Đồng thời đi kèm với đó là tăng cường quảng bá về giá trị dinh dưỡng hạt điều với mục đích cân bằng việc tiêu thụ và ổn định đầu ra. Vừa qua Hiệp hội điều VN đã liên kết với một số chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành để đi vào nghiên cứu phân tích giá trị dinh dưỡng hạt điều nhằm làm rõ lợi ích của loại hạt này đối với sức khỏe con người. Kết quả qua khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM về chỉ số đường huyết khi sử dụng hạt điều bước đầu cho được những tín hiệu rất đáng phấn khởi. Đó là chỉ số đường huyết của nhân điều thuộc mức thấp, chỉ khoảng 9,5% so với glucose. Điều này khẳng định nhân điều là loại thực phẩm bổ sung rất phù hợp trong chế biến món ăn cho người đái tháo đường. Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng: “Nếu chúng ta sử dụng hợp lý hạt điều để bổ sung vào một số thực phẩm thì chắc chắn chúng ta có thể góp phần vào việc phòng ngừa một số bệnh mãn tính không lây. Đặc biệt hiện nay là đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch và bệnh béo phì ở VN đang gia tăng rất nhanh và chiếm tỷ lệ rất cao. Vì vậy chúng ta cần phải lưu ý đến việc sử dụng những thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng như hạt điều thay thế cho các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật”.

Rõ ràng thời gian qua tuy công tác xúc tiến mở rộng thị trường điều nhân đã qua chế biến của các doanh nghiệp đối với thị trường trong nước vẫn còn khiêm tốn. Nhưng với cách nghĩ và cách làm như hiện tại nếu được thực hiện xuyên suốt đến cùng thì chắc rằng thị phần các sản phẩm làm từ điều sẽ rộng mở, tạo cơ sở cho ngành điều có điều kiện phát triển bền vững hơn. Bởi với việc đi theo mô hình phát triển thị trường các hạt ăn được của Úc, có điều kiện xuất phát điểm khá tương đồng với điều kiện Việt Nam, thì mục tiêu nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa hạt điều lên 20% trong thời gian tới là không quá xa vời. Đề cập về chương trình phát triển thị trường các hạt ăn được ở Úc, bà Nhung Phạm, đại diện Tổ chức Hạt trong cuộc sống (Nuts for Life) của Úc chia sẻ: “Chương trình Nuts for Life đi vào hoạt động từ năm 2003 dựa trên cơ sở là tình nguyện và được tài trợ bởi tất cả các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hiện nay. Mục đích của hoạt động này là để truyền bá khoa học đến cho người tiêu dùng biết được lợi ích của việc ăn những hạt ăn được hàng ngày, từ sự hiểu biết đó người tiêu dùng họ sẽ ăn nhiều hơn và thị trường sẽ được mở rộng nhiều hơn”.

Với con đường đã chọn cùng cách đầu tư bài bản hợp lý, ngành điều VN sẽ thực hiện thành công mục tiêu chiếm lĩnh thị phần điều nhân chế biến trong nước. Để qua đó giúp cả doanh nghiệp và người trồng điều có được sự phát triển mang tính căn cơ và bền vững hơn.

Bình luận