Theo Sở Công thương TP. HCM, tình hình kinh doanh ở các chợ truyền thống so với ngày thường (trước dịch): giảm khoảng 30% - 60%, trong đó, ngành hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm giảm 20 - 30%, ngành hàng khác ngưng kinh doanh theo hướng dẫn của sở y tế. Hệ thống siêu thị thì lượng hàng hóa bán ra tăng 20% so với trước đây. Hiện Sở đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có các điểm bán phải tạm ngưng hoạt động.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đang phối hợp các Hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua triển khai các Chương trình Siêu thị Mini 0 đồng, Chợ Nghĩa tình.
Sáng cùng ngày, thông tin ừ báo Tuổi Trẻ online, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết dù có áp dụng chỉ thị nào, quy định ra sao thì TP sẽ luôn ưu tiên việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm; các siêu thị, chợ vẫn mở cửa, tăng công suất hoạt động để tăng mức phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, 3 chợ đầu mối của TP tạm ngưng hoạt động (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TPHCM nữa, mà chỉ là thay đổi cách buôn bán từ tập trung ở chợ đầu mối như bình thường sang buôn bán phân tán, giao hàng tận nơi, tận chợ truyền thống cho khách hàng. Lượng nguồn cung hàng hóa cho TP về cơ bản sẽ không thay đổi khi 3 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động.