Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quý 1, VIB lãi gần 2.300 tỷ, ROE 30% đứng top đầu ngành

(VOH) - VIB công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với lợi nhuận gần 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì vị thế top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với ROE đạt 30%.
Quý 1, VIB lãi gần 2.300 tỷ, ROE 30% đứng top đầu ngành 1

Kết quả kinh doanh tăng tưởng vững mạnh và duy trì hiệu quả top đầu ngành

Kết thúc quý 1, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, thu nhập ngoài lãi đạt 650 tỷ, đóng góp 16% vào tổng thu nhập hoạt động. Tăng trưởng tín dụng ở mức 6,1%, dư nợ gần 217.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng trưởng tốt ở mức 7,7%, đạt 302.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng ấn tượng đến từ việc Ngân hàng tập trung vào danh mục tín dụng bán lẻ chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro tập trung với gần 90% danh mục là cho vay bán lẻ và 95% có tài sản đảm bảo. Biên lãi ròng (NIM) cũng được cải thiện ở mức 4,5%, nhờ vào chi phí huy động vốn tiếp tục giảm 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ. NIM được mở rộng chủ yếu đến từ số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng hơn 40% và các khoản vay từ các định chế tài chính nước ngoài tăng gần 80% so với quý 1 năm trước. Các nguồn vốn giá rẻ này giúp VIB tiếp tục duy trì chi phí huy động ở mức thấp trong diễn biến lãi suất chung trên thị trường có dấu hiệu gia tăng nhẹ.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức hiệu quả nhất từ trước tới nay 35%, cho thấy hiệu suất vượt trội của ngân hàng trong quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng được quản lý ở mức thấp nhờ vào việc quản trị và kiểm soát rủi ro hiệu quả. Kết thúc quý 1, VIB đạt tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 30%, đứng top đầu ngành.

Kiểm soát rủi ro chặt chẽ, danh mục an toàn và chất lượng cao

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả, lành mạnh và minh bạch.

Tại VIB, số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến ngày 31.03.2022 là 2.612 tỷ đồng – tương đương 1,2% tổng danh mục tín dụng, đây là con số rất thấp trong ngành ngân hàng. Trái phiếu do VIB đầu tư phần lớn của doanh nghiệp sản xuất, có kết quả kinh doanh tốt, tài sản đảm bảo chất lượng, kiểm soát rủi ro chặt chẽ và có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, an toàn, minh bạch.

Tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế hàng đầu về quản trị rủi ro, VIB ghi dấu ấn trên thị trường là một ngân hàng phát triển bền vững, có nền tảng quản trị rủi ro hàng đầu. Các chỉ số về an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu và thanh khoản được Ngân hàng quản lý chặt chẽ, thuộc nhóm tốt nhất ngành.

Ngày 19.04 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận Phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.545 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ tăng lên trên 21.000 tỷ đồng, giúp VIB tiếp tục mở rộng kinh doanh dựa trên nền tảng vốn vững mạnh. 

Tiếp tục lấy khách hàng làm trọng tâm, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ

Quý 1, VIB lãi gần 2.300 tỷ, ROE 30% đứng top đầu ngành 2

VIB đặt mục tiêu phục vụ 10 triệu khách hàng đến năm 2026 với một trong những chiến lược chính là phát triển hệ sinh thái khách hàng trên đa dạng các nền tảng tài chính thông minh.

Trong quý 1, VIB vừa mở rộng hệ sinh thái mở thẻ trên Bizverse World, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tích hợp đa dạng kênh mở thẻ trong không gian thực và trên thế giới ảo, tại chi nhánh cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam và khu vực. Với chiến lược phát triển hệ sinh thái mở thẻ không giới hạn, VIB dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường 2,5 triệu thẻ tín dụng trong 5 năm tới, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thanh toán không tiền mặt.

Bên cạnh đó, với mô hình “one-stop-bank”, VIB sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ vào quy trình mở tài khoản và giao dịch, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và có nhiều trải nghiệm thú vị khi thao tác trực tuyến hoặc trực tiếp. Hoạt động này giúp VIB tối ưu hóa lợi ích dành cho khách hành, đồng thời tăng CASA, hướng đến mục tiêu đưa tỷ lệ này vượt mức 40% đến năm 2026.

Hành trình 10 năm chuyển đổi (2017–2026) của VIB đã và đang gặt hái được nhiều thành quả, cũng như nhận được sự ghi nhận tích cực của các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước với các giải thưởng như Top 10 công ty đại chúng uy tín & hiệu quả, Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, Ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương…

Gần đây, Credit Suisse vừa đưa VIB vào danh sách các ngân hàng triển vọng nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả top đầu khu vực. Giai đoạn 2022–2026, VIB tiếp tục đặt trọng tâm phát triển trung, dài hạn vào lĩnh vực ngân hàng số và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng tại Việt Nam.

Bình luận