Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng: "Phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả" để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

(VOH) - Năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng:
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

"Chỉ còn một quý của năm 2022, thời gian không chờ đợi ai cả, chúng ta phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả. Tôi mong các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên nhau cùng làm, nêu gương cho cấp dưới, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng:

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả" để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, ban hành 10 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề, gần đây nhất là Nghị quyết số 124/NĐ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, cùng 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo; tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác, tiến hành 3 đợt kiểm tra vào tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 8/2022.

Nhờ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện 505.000 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Có 12 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 70% gồm Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang.

Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỉ lệ giải ngân tốt; có 4 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đạt kế hoạch đề ra.

TPHCM đề nghị thành lập tổ đôn đốc giải quyết những khó khăn liên quan đến đầu tư công

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, TPHCM là một trong những địa phương giải ngân thấp nhất. Báo cáo kết quả cập nhật đến ngày 23/9, TP đã giải ngân được 10.877 tỷ đồng, tính trên tổng số 37.997 tỷ đồng chiếm 25%. Vốn ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%, tuy nhiên có các dự án lớn như Tham Lương - Bến Cát, Quốc lộ 50, An Phú với gần 1.700 tỷ đồng, cố gắng đến cuối năm xong. Chỉ có 2 dự án vốn vay nước ngoài là vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 và giao thông xanh thì khả năng không hết vốn kế hoạch năm, khoảng 600 tỷ đồng.

Về phần tính tỷ lệ, TP có kiến nghị báo cáo Thủ tướng là Quốc hội và Thủ tướng giao cho TP lúc ban đầu là gần 52.000 tỷ đồng, sau này giao thêm bổ sung trong kế hoạch là 54.000 tỷ đồng. Nhưng TP là đơn vị địa phương cân đối ngân sách nên với tỷ lệ điều tiết 21%, TP đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại bố trí chi đầu tư phát triển. Như vậy, năm nay theo Nghị quyết của HĐND TP, cho đến giờ này, cân đối lại nguồn thu thì TP chỉ đảm bảo cân đối được 42.508 tỷ đồng; cho nên con số này TP cũng kiến nghị Chính phủ để có số tổng; và TP đề nghị tiếp tục xem xét giảm thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Thủ tướng:
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: HCMCPV

Phân tích về nguyên nhân, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, đối với TP việc lập dự án, quản lý dự án, tức là liên quan đến trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư thì rất rõ. Các dự án của TP chuyển tiếp, trước đây tách phần giải phóng mặt bằng với phần xây lắp, sau này nhập lại thì điều chỉnh hồ sợ dự án mất rất nhiều thời gian cho nên các dự án điều chỉnh chưa xong thì các tháng đầu năm chưa giải ngân được nên TP đang tập trung. TP đã thành lập các tổ chuyên ngành, chuyên đề theo đó rà soát từng dự án với chủ đầu tư. TP cũng lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm, xác định các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đến giờ này cũng gỡ được rất nhiều, có nhiều dự án khả năng đến tháng 11, 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch, tuy nhiên đến giờ này giải ngân bằng 0. Thứ hai về giải phóng mặt bằng, đây luôn là vấn đề khó, TP luôn tập trung rất quyết liệt. Vừa qua thì có một số dự án tồn tại cả chục năm nay, đặc biệt là các dự án giao thông thì hiện nay đã giải phóng xong mặt bằng, khởi động trở lại. TP cũng lập tổ giải phóng mặt bằng cho các địa bàn, có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Dự kiến đến khoảng tháng 10 TP sẽ cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc giải phóng mặt bằng và giải phóng được trên 90% để phục vụ cho các dự án.

Bên cạnh đó, TP cũng gặp khó khăn về vấn đề giá cả, vật liệu xây dựng, nhân công ảnh hưởng làm cho các nhà thầu thi công cầm chứng. Việc này TP cũng đã gặp từng nhà thầu trong từng dự án để có tháo gỡ để thuyết phục và rất khẩn trương. Về các thủ tục đối với các dự án có vốn ODA, TP sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các nhà tài trợ để tiếp tục thực hiện. “Thời gian sắp tới, TP sẽ tập trung vào trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án qua kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Thứ hai là các tổ công tác, tổ ODA sẽ rà soát theo nhiệm vụ này để tháo gỡ” - Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.

Ngoài ra, TPHCM kiến nghị Chính phủ có sự thống nhất về số tổng, tức là vốn kế hoạch 2022, đề nghị thống nhất số tiền là 42.508 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị Thủ tướng sớm có quyết định thành lập tổ đôn đốc giải quyết những khó khăn cho TP để giúp cho TP giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến đầu tư công và những nhiệm vụ khác.

Bình luận