Bản tin bất động sản hôm nay 15/11:Thị trường nhà đất vùng ven TP. HCM tiếp tục sốt trong năm 2020?

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 15/11 có những nội dung nổi bật sau: Cả nước còn trên 2 triệu ha đất chưa sử dụng; Quý III: Bất động sản du lịch Hạ Long, Phú Quốc hút nhà đầu tư…

TPHCM giao quận huyện quản lí hơn 3.400 căn hộ, nền đất tái định cư

Theo quyết định của UBND TP HCM, các quận, huyện được giao quản lí, sử dụng 2.360 căn hộ và 1.050 nền đất phục vụ tái định cư

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định giao UBND các quận huyện quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trong năm 2019.

Các quận, huyện được giao quản lý, sử dụng 2.360 căn hộ và 1.050 nền đất bao gồm: 1.087 căn hộ (thuộc chương trình 12.500 căn hộ) phục vụ tạm cư, tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 14 nền đất phục vụ tái định cư cho dự án Khu công nghệ cao; 1.273 căn hộ và 1.036 nền đất còn lại phục vụ tạm cư, tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích có sử dụng nguồn ngân sách trên địa bàn năm 2019.

Đối với 1.468 căn hộ và 809 nền đất mà các quận huyện đăng ký sử dụng năm 2020, UBND TP.HCM giao các Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích tiếp tục quản lý, bảo trì là lập thủ tục bàn giao tất cả cho Trung tâm quản lý nhà và Giám định xây dựng trước tháng 12- 2019 để đơn vị này quản lý bảo trì vận hành.

UBND 24 quận huyện có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt; đồng thời chịu trách nhiệm xem xét đối tượng được bố trí sử dụng, giải quyết tái định cư đúng chính sách, không để phát sinh so bì, khiếu kiện.

Các quận huyện cũng phải chịu trách nhiệm trước UBND TP trong trường hợp số dư chênh lệch hơn 10% quỹ nhà ở, đất ở so với số lượng được giao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cả nước còn trên 2 triệu ha đất chưa sử dụng

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả nước còn trên 2 triệu ha đất chưa sử dụng, tính đến ngày 31/12/2018.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã kí Quyết định số 2098/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2018.

Theo kết quả thống kê đến ngày 31/12/2018 cho thấy, cả nước còn hơn 33,1 triệu ha đất tự nhiên.

Trong đó, diện tích nhóm đất nông nghiệp chiếm gần 27.3 triệu ha, diện tích nhóm đất phi nông nghiệp hơn 3.77 triệu ha và diện tích trên 2 triệu ha.

Theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2018 được sử dụng thống nhất trong cả nước.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo qui định.

Quý III: Bất động sản du lịch Hạ Long, Phú Quốc hút nhà đầu tư

Trong quý III, Thị trường bất động sản du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Hạ Long (Quảng Ninh) đã ghi nhận khoảng 2.000 sản phẩm với mức tiêu thụ gần 90%.

Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, sản phẩm này còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini hotel), nhờ đó đã thu hút được những nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn/nhà hàng.

Một xu hướng nổi bật khác là sự quan tâm của các chủ đầu tư với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort). Loại hình mới này còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, khi dân số trung lưu được dự đoán tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới, khách du lịch từ các quốc gia Bắc Á đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có sự kết hợp giữa du lịch và phục hồi sức khỏe.

Theo CBRE Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm trong kế hoạch mở rộng của các tập đoàn quản lý khách sạn. Không chỉ các tập đoàn nước ngoài như Accor, Marriott, Best Western mà cả những thương hiệu hình thành ở Việt Nam như Lodgis, Sailing Club, Silk Path, Wink cũng đang tích cực tìm kiếm dự án mới để mở rộng thị phần.

Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng đổi mới, tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Nghiên cứu về các nhóm khách du lịch chỉ ra rằng phân khúc và mục đích du lịch khác nhau  ảnh hưởng nhiều đến mô hình nghỉ dưỡng mà họ lựa chọn. Do đó các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ về tệp khách hàng mục tiêu khi đưa ra các quyết định về thiết kế.

Ngoài ra, ông Christian Low, Giám đốc Chiến lược khu vực của hãng kiến trúc SB Architects, đánh giá để đảm bảo tính bền vững, thiết kế cho dự án nghỉ dưỡng cần có sự hòa hợp với các yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa. Nhiều chủ đầu tư khách sạn cao cấp tại Việt Nam thường quên rằng khách quốc tế (đối tượng khách quan trọng của các dự án cao cấp) sẽ thích những thiết kế mới lạ nhưng vẫn đậm chất địa phương hơn là sự sao chép phong cách kiến trúc của những nước khác.

Người nước ngoài đang tập trung mua nhà ở các thành phố lớn nhất Việt Nam

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, pháp luật đã cho phép người nước ngoài (NNN) được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. NNN đang thực hiện quyền này và chủ yếu tập trung mua nhà ở các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật đã được hoàn thiện và có quy định rõ: Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Luật Đất đai cũng bổ sung quy định để kiểm soát việc giao đất cho thuê đất của UBND cấp tỉnh cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; Quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mở rộng hơn.

Trong báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho hay: Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế theo điểm a, khoản 2 Điều 161.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, thì NNN không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

“Sự không nhất quán trong các văn bản Luật nêu trên liên quan tới việc sở hữu nhà ở và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam dẫn đến việc cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có quyền sử dụng đối với diện tích đất được dùng để xây nhà ở đó hay không, nếu không có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, thì khi bán nhà cho cá nhân nước ngoài có thể bán nhà ở gắn với quyền sử dụng đất như được quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.” - Ủy ban Đối ngoại nêu rõ.

Cũng theo Ủy ban này, Luật Nhà ở năm 2014 quy định, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa không quá 50 năm và có thể được gia hạn 1 lần với thời hạn tối đa không quá 50 năm.

Tuy nhiên, pháp luật lại không cấm việc một cá nhân nước ngoài sau khi đã bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước (do hết thời hạn sở hữu), có được mua lại chính nhà ở đó để được sử dụng thêm 50 năm nữa hay không. Như vậy, quy định về thời hạn sở hữu cho NNN, số lần được gia hạn là rất hình thức.

“Mặc dù pháp luật đã cho phép NNN được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng số lượng người thực hiện quyền này còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: TP. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.”  - Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh.

Trước tình hình nói trên, cơ quan đối ngoại của Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, theo đó từng bước tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở của NNN tại những thị trường bất động sản có tiềm năng thu hút NNN mua nhà, một số thành phố lớn mà không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Thị trường nhà đất vùng ven TP.HCM tiếp tục nóng sốt trong năm 2020?

Các chuyên gia dự báo khả năng hấp thụ thị trường vẫn tốt hơn trong bối cảnh giá bán ổn định. Các nhà phát triển bất động sản sẽ chú trọng đa dạng sản phẩm mới nhưng tập trung vào sự tiện lợi của cư dân và tối đa hóa diện tích sử dụng. Một yếu tố quan trọng nữa sẽ thúc đẩy giá căn hộ, đất nền và nhà phố tiếp tục tăng trong tương lai đến từ việc kết nối hạ tầng liên tỉnh, bao gồm các tỉnh lân cận TP. HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

"Thị trường nhà đất tại các vùng giáp ranh với TP. HCM nói trên sẽ tiếp tục diễn biến khá sôi động, nhất là khi chiến lược thu hút đầu tư và phát triển hàng loạt khu đô thị vệ tinh của thành phố được triển khai trong thời gian tới", bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nhận định.

Cũng theo bà Dung, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp lớn tại TP. HCM tìm kiếm cơ hội ở thị trường này là ách tắc thủ tục hành chính khiến cho nhiều dự án ở TP. HCM không thể triển khai suốt hơn 2 năm qua.

Thiếu sót trong quản lý đất công, cán bộ ở nhiều quận tại TP.HCM bị kiểm điểm

Thanh tra TP. HCM yêu cầu Chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh, Tân Bình, Quận 3, Quận 4 và tổ chức kiểm điểm về những thiếu sót trong quản lý đất đai trên địa bàn được giao.

Cụ thể, tại Quận Bình Thạnh đã có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ quận trong việc quản lý, cho thuê nhà, đất do Nhà nước quản lý. Công tác thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa thực hiện triệt để; quận còn chậm trong việc bán đấu giá, thẩm định giá đối với nhà công sản; qua rà soát, phát hiện một số địa chỉ nhà đất khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng một phần diện tích là trụ sở làm việc, có một phần diện tích cho thuê; nhiều địa chỉ nhà đất chờ bán đấu giá do UBND quận quản lý bị bỏ trống nhiều năm.

Ngoài ra, trên địa bàn quận hiện có 270 khu đất có diện tích nhỏ, lẻ do UBND các phường quản lý nhưng chỉ có 39 khu đất UBND quận đang rà soát và đề xuất phương án quản lý, còn lại 231 khu chưa đề xuất.

Dự án mở rộng khu dân cư gần 1.300 tỉ đồng tại đất vàng TP Cà Mau tìm nhà đầu tư

Dự án Mở rộng Khu dân cư Đông Bắc Quảng trường văn hóa trung tâm – khu C nằm tại Phường 9, thành phố Cà Mau, có tổng diện tích sử dụng đất 51,75 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.278,6 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2019 – 2023.

UBND tỉnh Cà Mau vừa mới ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2019 đối với dự án Mở rộng Khu dân cư Đông Bắc Quảng trường văn hóa trung tâm – khu C tại Phường 9, thành phố Cà Mau.

Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 51,75 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.278,6 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2019 – 2023. Hình thức sử dụng đất là nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Hiện trạng khu đát là đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Xây dựng là bên mời thầu cho dự án.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan để hoàn thiện thủ tục, điều kiện pháp lí theo quy định về quản lí đầu tư, đất đai và các qui định khác có liên quan trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đà Nẵng rục rịch tính chi hơn 12.000 tỷ di dời ga đường sắt ra ngoại ô

Đà Nẵng vừa lên phương án mới về việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố. Tổng mức đầu tư cho cả dự án dự toán khoảng 12.636 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng hôm qua cho biết, đã chủ trì họp và có phương án trình UBND TP để báo cáo Thường trực Thành ủy về chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

Tiểu dự án một là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT với 3 hợp phần chính. Tổng kinh phí cho tiểu dự án này khoảng 10.236 tỷ đồng.

Bạc Liêu: Xử nghiêm tình trạng phân lô, bán nền

Bên cạnh việc xử lý nghiêm tình trạng phân lô bán nền, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các địa phương trên địa bàn công khai, minh bạc thông tin về đất đai.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập đoàn kiểm tra việc phân lô, bán nền, hình thành khu dân cư tự phát trong tỉnh.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp làm việc với Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn quản lý.

Tỉnh còn yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác công khai, minh bạch và quản lý chặt các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bình Dương xử phạt dự án Golden Future City xây “chui”

Ông Lê Khắc Tri - Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng (Bình Dương) vừa ký và ban hành Quyết định số 2096/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Công ty TNHH MTV Bất động sản Trung Quân (gọi tắt Công ty Trung Quân) có địa chỉ tại 147 đường Trần Phú, khu dân cư Chánh Nghĩa, tổ 96, khu 11, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Lý do xử phạt là Công ty Trung Quân, chủ đầu tư dự án khu nhà ở Trung Quân (tên thương mại Golden Future City) tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương đã vi phạm khi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Điểm nổi bật tại triển lãm BĐS Novaland Expo tháng 12 sắp tới? - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo từ 4-8/12/2019 hứa hẹn giá trị lâu dài, bền vững từ chuỗi DA BĐS và hệ sinh thái dịch vụ, nâng tầm uy tín với sự tham gia của hơn 40 đối tác chiến ...
Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng 12/2019 - Novaland Expo 2019 sẽ chính thức khai trương vào ngày 4.12 tới đây, được giới chuyên gia, khách hàng và nhà đầu tư chờ đón và đánh giá là triển lãm BĐS quy mô lớn.
Bình luận