Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 16/12: "Ông lớn" địa ốc  Sài Gòn đổ bộ các tỉnh vùng ven năm 2020

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 16/12 có những nội dung: TPHCM sẽ có trung tâm giao dịch bất động sản; Muốn có đô thị sinh thái thông minh, cần sự chung tay của ba bên…

Xu hướng thị trường 2020: "Ông lớn" địa ốc Sài Gòn đổ bộ các tỉnh vùng ven

Thời điểm cuối năm 2019, bước sang năm 2020, nhiều doanh nghiệp địa ốc TPHCM bắt đầu có những kế hoạch đầu tư, giới thiệu dự án BĐS ra thị trường, trong đó phần lớn nằm ở các tỉnh vùng ven với quy mô khá lớn.

Xu hướng này cũng đã xuất hiện trên thị trường BĐS trong năm 2019. Động thái “đánh bắt xa bờ” đã hình thành trước bối cảnh quỹ đất tại Tp.HCM trở nên hạn hẹp trong suốt thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc, trong đó có những “ông lớn” trong ngành đã lên kế hoạch tấn công mạnh thị trường tỉnh và dự báo đây sẽ trở thành một chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp này trong giai đoạn tới.

Những tên tuổi lớn của bất động sản Tp.HCM trong những ngày cuối năm gần đây như Hưng Thịnh, Novaland, Phú Long,...đều có những động thái công bố các dự án lớn, cũng như kế hoạch đầu tư vào các thị trường tỉnh lẻ.

Đơn cử, Công ty CP Property X (Đơn vị thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh) mới đây đã giới thiệu ra thị trường dự án Grand Center Quy Nhon tại Bình Định với quy mô hơn 7.000m2, bao gồm khu căn hộ và khu văn phòng. Đây là dự án thứ 2 của đơn vị này tại thị trường Bình Định sau Quy Nhon Melody. Theo đại diện doanh nghiệp này, thị trường BĐS Quy Nhơn đang trên đà phát triển, nhu cầu về chỗ ở của cư dân sinh sống tại đây đang tăng cao nên kì vọng sự phát triển của các dự án tại khu vực này.

Tương tự, ông lớn địa ốc Novaland cũng đang tấn công mạnh thị trường BĐS tỉnh với các dự án lớn như NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas với quy mô cả 1.000m2 mỗi dự án. Bên cạnh các dự án tại Tp.HCM thì doanh nghiệp này phát triển ra các thị trường nghỉ dưỡng nằm trong chiến lược lâu dài trong năm 2019 và các năm tới.

Theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp BĐS Sài Gòn “đánh bắt xa bờ”, chắc chắn họ nhìn thấy tiềm năng trong tương lai của khu vực, đặc biệt ở các địa phương có lợi thế rõ nét về kết nối giao thông, bờ biển đẹp, còn hoang sơ.

Chẳng hạn, tại Quy Nhơn, Bình Định thời gian qua khá nhiều doanh nghiệp địa ốc Tp.HCM tìm về để phát triển dự án. Bên cạnh phân khúc nghỉ dưỡng thì căn hộ chung cư, đất nền cũng là các phân khúc được doanh nghiệp khai phá ở thị trường này. Theo các chuyên gia trong ngành, sự thay đổi tích cực của cơ sở hạ tầng cả về đường bộ đường sắt, đường hàng không, đường thủy đã mang đến cơ hội cho thị trường BĐS nơi đây.

TPHCM sẽ có trung tâm giao dịch bất động sản

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa nêu kiến nghị, cần hình thành sàn giao dịch bất động sản, trong tương lai có thể phát triển thành trung tâm giao dịch bất động sản.

Khi đó thị trường bất động sản TP HCM sẽ phát triển minh bạch, có sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Dòng tiền đầu tư vào bất động sản cũng sẽ được kiểm soát. Bởi hiện nay, dòng tiền đầu tư vào bất động sản chủ yếu từ ngân hàng – có giá đất, nhưng không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Do đó cần có sự kiểm soát của Nhà nước ở tầm vĩ mô, tránh bong bóng thị trường bất động sản.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hiện nay, TP HCM được giao nắm giữ 209,5 nghìn ha đất đai, trong đó 114 nghìn ha là đất nông nghiệp, 94,6 nghìn ha đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích nói trên, 162,3 nghìn ha đất đang được sử dụng, 47,3 nghìn ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha. Như vậy có thể thấy, hầu hết đất đai ở TP HCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nêu, cũng như TP. Hà Nội, TP HCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỉ đồng.

TPHCM có hơn 15.000 hồ sơ "xếp hàng" chờ cấp sổ đỏ

Thông tin mới đây từ Sở TN-MT TPHCM cho biết, hiện nay trên địa bàn TP còn hơn 15.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, tài sản trên đất.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, số hồ sơ tồn đọng này chủ yếu là do không đủ điều kiện cấp GCN theo quy định pháp luật hiện hành, bao gồm chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý. Ngoài ra, còn có một số vướng mắc như: nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền, tranh chấp, chưa xác định đầy đủ quyền thừa kế…

Bên cạnh đó, tình trạng vướng mắc việc cấp GCN tại các dự án nhà ở cũng khá phổ biến.

Như vậy, cho đến nay TP đã cấp được hơn 1,5 triệu GCN cho hộ gia đình, cá nhân đạt tỷ lệ 97,5% trên tổng số nhà đất toàn TP. Riêng năm 2019 đối với hộ gia đình, cá nhân được CGN lần đầu là 21.634 trường hợp, đối với doanh nghiệp là 1.288 trường hợp.

Trên thực tế, theo quy định nếu chủ đầu tư chậm cấp sổ đỏ cho cư dân sẽ bị phạt nặng nhất lên đến 1 tỷ đồng, tuy nhiên tại TP.HCM có những chung cư đã bàn giao 6-10 năm vẫn chưa có sổ đỏ. Nhiều cư dân tại các chung cư này cho biết sau nhiều lần đấu tranh họ chấp nhận sống tạm bợ chứ chẳng mong gì đến ngày được cầm trên tay tờ GCN quyền sỡ hữu căn hộ.

Môi giới bất động sản Sài Gòn đổ về Nhơn Trạch kiếm sống, chờ thời

Thị trường nhà đất Nhơn Trạch thời gian gần đây sôi động, những cơn sốt đã kéo nhiều môi giới bất động sản ở các nơi khác đổ về, trước bối cảnh nguồn cung và giao dịch tại thị trường TPHCM đang khá khó khăn.

Theo ghi nhận, thời gian qua, các môi giới bất động sản tại khu vực của TP.HCM tìm về Nhơn Trạch để làm môi giới tự do hoặc làm việc trong các công ty bất động sản. Thậm chí, có nhiều môi giới đứng ra thành lập sàn giao dịch và khá thành công tại khu vực này.

Họ chuyển về thị trường Nhơn Trạch khoảng 4-8 tháng nay bởi biết được nơi này thị trường giao dịch khá đều đặn. Chưa kể, 2 dự án lớn là cầu Cát Lái và sân bay Long Thành rục rịch nên được nhiều nhà đầu tư nhắm tới, đây cũng là lý do khiến khá nhiều môi giới đổ về đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn.

Nếu so với thị trường bất động sản TP.HCM hoặc 1 số khu vực của Bình Dương thì bất động sản Nhơn Trạch hay Long Thành (Đồng Nai) dễ kiếm khách mua, giá còn mềm hơn nên hoạt động mua bán diễn ra khá tốt.

Theo khảo sát, nếu cách đây 3 tháng, tại các khu vực như Phước Khánh, Phú Đông, Long Thọ… còn khá nhiều nền đất thổ cư có giá trên dưới 900 triệu đồng/nền thì hiện tại đã không còn nền mức giá này. Tuy nhiên, vẫn còn những nền đất nông nghiệp diện tích khoảng 1.000m2 với giá tầm 650-700 triệu đồng (sổ hồng riêng), được nhà đầu tư mua vào với mục đích làm nhà vườn.

Sắp ra mắt Tổ hợp dịch vụ thương mại giải trí quy mô bậc nhất Pleiku

Theo thông tin từ FLCHomes, dự án tổ hợp thương mại dịch vụ giải trí cao cấp FLC Hilltop Gia Lai do Tập đoàn FLC đầu tư sắp chính thức ra mắt, khởi đầu cho kế hoạch triển khai chuỗi dự án trọng điểm mang thương hiệu FLC tại Gia Lai trong thời gian tới.

Với mục tiêu trở thành tổ hợp dịch vụ thương mại giải trí hiện đại bậc nhất Pleiku, dự án được quy hoạch đồng bộ thành 3 phân khu chức năng chính bao gồm: Khu tổ hợp khách sạn và trung tâm hội nghị quốc tế 5 sao, Tổ hợp nhà phố thương mại FLC Hilltop Shophouse và Quảng trường Đam San.

 Điểm nhấn nổi bật của dự án là các khu phố thương mại nhộn nhịp được hình thành từ 90 căn shophouse diện tích rộng từ 90 - 124 m2, mang kiến trúc đặc trưng kết hợp giữa phong cách tân cổ điển sang trọng và bản sắc văn hóa của đại ngàn Tây Nguyên.

Thanh Hóa: Duyệt đầu tư dự án Quảng trường biển 1.400 tỷ đồng

Tỉnh Thanh Hóa vừa ủy quyền cho UBND TP. Sầm Sơn ký kết và thực hiện hợp đồng dự án với nhà đầu tư thực hiện dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ủy quyền cho UBND TP. Sầm Sơn có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại hợp đồng dự án được ký kết với nhà đầu tư thực hiện dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) theo Quyết định số 1333/QĐ-UBND ngày 12/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh nêu trên, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu, dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng, được thực hiện tại phường Trung Sơn trên tổng diện tích khoảng 15 ha với sức chứa khoảng 10.000 người.

Dự án bao gồm diện tích đường đi bộ, sân quảng trường, đài phun nước và trục cảnh quan kết nối từ quảng trường biển đến Khu đô thị sông Đơ, hệ thống cây xanh, đường dạo, tượng trang trí, đài phun nước, đường giao thông và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật.

Thực hiện dự án này, nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng 3 khu đất với diện tích 312 ha để tạo vốn đối ứng. Thời gian thực hiện dự án là 1,5 năm. Dự kiến quý I năm 2020, công trình sẽ đưa vào khai thác.

Muốn có đô thị sinh thái thông minh, cần sự chung tay của ba bên

Theo TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn, để có được và thụ hưởng lâu dài đô thị sinh thái thông minh, cần sự góp sức từ bàn tay nhiều người.

"Một bản vẽ chỉ là một đoạn khởi đầu chặng đường. Xây dựng có đúng như thế không là thứ hai. Sau đó người dân vào ở có hợp tác để cùng tạo dựng một đô thị sinh thái thông minh hay không mới quan trọng", ông Sơn nói tại hội thảo Đô thị sinh thái thông minh - Giải pháp sống xanh bền vững trong khuôn khổ triển lãm Novaland Expo 2019 vừa qua tại TP.HCM.

Sự kiện thu hút đông đảo khách hàng quan tâm tìm kiếm không gian sống xanh để ở hoặc đầu tư thời điểm cuối năm.

Kiến trúc sư cụ thể hoá thêm, trong giai đoạn đầu lập và duyệt dự án, chính quyền phải tích cực tham gia và khi phê duyệt có kèm chế tài.

Giai đoạn hai, triển khai dự án, lại rất cần sự nghiêm túc của chủ đầu tư để thực hiện đúng cam kết. Theo ông Sơn, đây là giai đoạn quan trọng nhất mà ở đó, uy tín những chủ đầu tư lớn như Novaland là tiêu chí cần tính tới.

Giai đoạn 3 là đi vào hoạt động, lúc đó vai trò của đơn vị vận hành và ý thức của người dân sẽ quyết định.

Trên thực tế, gần đây các nhà phát triển bất động sản lớn của Việt Nam cũng đã quan tâm mô hình đô thị sinh thái. Đơn cử, một chủ đầu tư lớn tại TP.HCM là Novaland với dự án đô thị sinh thái thông minh Aqua City quy mô hơn 600 ha tại phía Nam Biên Hòa, Đồng Nai đã thực sự tạo được tiếng vang mang theo nhiều kỳ vọng tốt đẹp.

Khu đô thị Aqua City có diện tích hơn 600 hecta, được thừa hưởng các yếu tố sinh thái tự nhiên khá đặc biệt với 3 mặt giáp sông

Bảo tồn thiên nhiên, tôn trọng quy hoạch vùng và sáng tạo mạnh mẽ trong thiết kế, chủ đầu tư tỏ rõ quyết tâm tạo dựng một khu đô thị sinh thái chuẩn mực với nhiều diện tích cho cảnh quan xanh như công viên ven sông, quảng trường công cộng, đường chạy bộ, khu cắm trại…

Hạ tầng dự án được quy hoạch hiện đại, đồng bộ với những dịch vụ tiện ích đẳng cấp "ngay tại cửa" đáp ứng mọi nhu cầu của cư dân nơi đây.

Hải Phòng: Đề xuất lập quy hoạch sân bay Cát Bi bằng ngân sách địa phương

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) là sân bay cấp 4E, ngoài chức năng là cảng hàng không quốc tế, còn là sân bay dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

           

Về kế hoạch mở rộng sân bay này, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa đề nghị Bộ GTVT đồng ý cho địa phương này tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với quy mô công suất dự kiến 13 triệu khách/năm; 250.000 tấn hàng hóa/năm bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố theo Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hải Phòng vào tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đồng ý với đề xuất của Hải Phòng về đề xuất sử dụng nguồn ngân sách địa phương để triển khai lập quy hoạch điều chỉnh sân bay Cát Bi và đề nghị địa phương có văn bản chính thức về chủ trương này.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là sân bay cấp 4E, ngoài chức năng là cảng hàng không quốc tế, còn là sân bay dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gỡ nút thắt vốn ngân hàng

Dự án cao tốc trọng điểm miền Tây Nam bộ đã được khơi thông vốn bằng việc ký hợp đồng vay 6.686 tỷ đồng từ 4 ngân hàng.

Sáng 16/12, Công ty cổ phần Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tín dụng 6.686 tỷ đồng với nhóm ngân hàng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang). Trong đó, VietinBank cam kết cho vay 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, Agribank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vốn vay từ ngân hàng là nút thắt cuối cùng và quan trọng nhất của công trình trọng điểm này.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận xây dựng 10 năm chưa xong. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các đơn vị đang xây dựng trên 50  cầu, xử lý 45 km nền đất yếu. Hiện khối lượng thi công đạt khoảng 30%. Sau khi các nguồn vốn được rót, các nhà thầu đã tổ chức thi công 3 ca một ngày, không nghỉ lễ tết để kịp tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á-Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Novaland Expo gây ấn tượng mạnh với khách hàng, nhà đầu tư- Chiều ngày 8/12, Novaland Expo đã chính thức khép lại chuỗi hoạt động 5 ngày sôi nổi, thu hút được gần 20.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Bình luận