Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 3/1/2020: 1.390 dự án có quy hoạch "phát tướng"

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 3/1 có những nội dung: Kiểm kê đất đai của doanh nghiệp Nhà nước trên toàn quốc; Doanh nghiệp bất động sản "thắt lưng buộc bụng"…

Kiểm kê đất đai của doanh nghiệp Nhà nước trên toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án "Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019".

Theo đề án, việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong giai đoạn năm 2015 - 2019, đánh giá được sự biến động đất đai so với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 0101 - Diện tích đất và cơ cấu đất.

1.390 dự án có quy hoạch "phát tướng"

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (giai đoạn 2013 - 2018), nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân đã được nêu tên trong đó Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhắc tới như một điển hình của sai phạm trong xây dựng, khi chủ đầu tư không làm theo giấy phép xây dựng, không giật cấp ở một số tầng, mà tự ý tăng chiều cao các tầng.

Hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần, có dự án tới 9 lần trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại...

Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP. HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...

Theo kế hoạch thanh tra năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực.

Tại TPHCM, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh. Còn tại Hà Nội, là tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu; Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính.

Ông Lê Hoàng Châu: "Khó khăn của thị trường bất động sản TP. HCM chỉ có tính nhất thời"

Trong 2 năm gần đây, tôi nhận thấy thị trường BĐS TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án cũng như sản phẩm nhà ở. Nhiều dự án bị “đứng hình” do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho số đông người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Sự ảm đạm của thị trường được thể hiện bằng những con số cụ thể, như 9 tháng đầu năm 2019, cả thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và thậm chí không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư. Có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, giảm gần 31% so với năm trước.

"Tôi cho rằng về bản chất, thị trường hiện nay không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn “đóng băng” năm 2011 – 2013".

Hàng loạt khu đô thị, nghỉ dưỡng ven biển sẽ rầm rộ phát triển sau quyết định này của Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi được giao làm chủ đầu tư Dự án.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 13,3 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Đây là dự án đầu tư công thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng từ ngân sách tỉnh. Thời hạn hoàn thành Dự án là năm 2023.

Được biết, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được Chủ tịch UBND tỉnh Quãng Ngãi phê duyệt đầu tư vào năm 2006. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, đến nay, giai đoạn I gồm đoạn Dung Quất - Mỹ Khê, đoạn Mỹ Khê - Trà Khúc và đoạn Trà Khúc - Ngã ba Quán Lượng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, dự án cầu Cửa Đại kết nối 2 tuyến đường bờ Bắc - Nam sông Trà Khúc cũng đang được thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Mục tiêu của Dự án là từng bước kết nối với các tuyến ven biển của các tỉnh Quảng Nam và Bình Định, hình thành trục dọc ven biển, gắn kết các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, củng cố an ninh quốc phòng. Đồng thời, việc đầu tư Dự án cũng giúp tạo điều kiện hình thành và phát triển các khu đô thị, nghỉ dưỡng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Doanh nghiệp bất động sản "thắt lưng buộc bụng"

Nhiều công ty địa ốc rục rịch cắt giảm chi phí, tinh gọn nhân sự và thu hẹp bộ máy để vượt khó trong 6 - 12 tháng tới.

CEO một công ty bất động sản có trụ sở tại khu An Phú, quận 2, thuộc khu Đông TP. HCM tiết lộ kế hoạch 2020 công ty tập trung mục tiêu thận trọng vượt khó hơn là chiến lược bành trướng vì đây là năm nhiều thách thức nhất so với giai đoạn 2015 - 2018.

Vị này cho biết, trong 12 tháng tới, công ty duy trì 50 - 60 nhân sự nhưng sẽ tối ưu chi phí và cải thiện hiệu suất. "Chúng tôi sẽ tinh gọn bộ máy và kiểm soát các chi phí cố định sao cho hiệu quả nhất, không mở rộng đầu tư đại trà và chi tiêu chặt chẽ hơn", ông nói.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại khu Nam TP. HCM xác nhận doanh nghiệp chia năm 2020 ra làm 2 chu kỳ ngắn với 6 tháng đầu năm phòng thủ và 6 tháng cuối năm tùy cơ ứng biến. Doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó với kịch bản nửa đầu năm 2020 rất khó bán hàng, doanh thu eo hẹp và thị trường chỉ thật sự khởi động vào nửa cuối năm nhưng rất chậm chạp.

Những dự án chậm triển khai, chây ì trả cọc khiến khách hàng ngao ngán

Trong bối cảnh nguồn cung tắc nghẽn, nhiều dự án dù chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng đã thu tiền, chậm triển khai, chây ì trả cọc... khiến nhiều khách hàng khổ sở.

Thời điểm cuối năm, nhiều khách hàng của các dự án “đắp chiếu” trên địa bàn TP. HCM kêu trời vì đã đóng một khoản tiền từ 10 - 50% trên tổng giá trị hợp đồng cho chủ đầu tư nhưng dự án vẫn thi công ì ạch, xây cả năm không xong móng, chủ đầu tư không ký hợp đồng mua bán. Nguyên nhân của các dự án chậm triển khai này thường là do chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô”, tổ chức lễ mở bán rầm rộ, huy động vốn khi dự án chưa xây xong móng, thậm chí là chưa xin được giấy phép xây dựng.

Sắp khôi phục công viên trước Nhà hát TP. HCM

Ngày 2-1, chỉ huy trưởng công trường xây dựng nhà ga ngầm metro Nhà hát TP. HCM thuộc dự án "Xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết đang tái lập để hoàn trả mặt bằng công viên phía trước Nhà hát thành phố.

Lý do là công trình thi công xây dựng nhà ga ngầm metro Nhà hát TP. HCM có 4 tầng hầm dưới lòng đất đang giai đoạn hoàn thiện, tầng B1 và B3 (nơi bán vé) đang được lắp đặt trang thiết bị điện, điều khiển...

Như vậy, sau gần 6 năm, hàng rào tôn kín mít rào chắn để xây dựng nhà ga metro trên đường Lê Lợi, quận 1 (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi) sẽ được tháo dỡ để bàn giao lại cho Sở Giao thông vận tải TP. HCM quản lý trước ngày 30-4-2020.

Có dừng dự án hầm đường bộ gần 10.000 tỷ đồng qua vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh)?

Nhiều thông tin cho rằng, sau khi thực hiện dự án cầu Cửa Lục 1-2-3, tỉnh Quảng Ninh sẽ không thực hiện dự án Hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục như dự kiến.

Tại Hội nghị Giao ban Báo chí tháng 12/2019, ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định thông tin này là không chính xác.

Theo đó, trước mắt cầu cửa Lục 1-3 được khởi công trong năm 2020 nhằm phục vụ cho việc mở rộng không gian đô thị sau khi thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long. Còn dự án Hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục là công trình đặc biệt, cần có phương án kỹ lưỡng, cẩn trọng, không thể nóng vội.

3 dự án giao thông 7.700 tỷ đồng sắp được xây dựng ở Đồng Nai

Theo kế hoạch, năm 2020 tỉnh Đồng Nai sẽ khởi công xây dựng 3 tuyến đường lớn có tổng vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Những tuyến đường này sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị tại TP Biên Hòa và làm tăng sức nóng của thị trường BĐS Đồng Nai.

Cả 3 tuyến đường đều thuộc địa phận TP Biên Hòa, gồm: Dự án ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái và xây dựng đường trục trung tâm TP Biên Hòa.

Tuyến trung tâm TP Biên Hòa là một trong những công trình trọng điểm, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn - cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu. Tổng mức đầu tư 1.340 tỉ đồng.

Tuyến đường ven sông Cái được triển khai xây dựng từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản. Tổng mức đầu tư hơn 2.762 tỉ đồng

Còn tuyến đường ven sông Đồng Nai được xây dựng từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu). Tổng mức đầu tư 3.587 tỉ đồng.

UBND TP Biên Hòa được giao làm chủ đầu tư. Theo báo Đồng Nai đưa tin, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ khởi động xây dựng 3 tuyến đường này ngay trong năm nay với tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong 5 năm.

Theo dự kiến của tỉnh Đồng Nai, nguồn vốn để thực hiện 3 dự án sẽ lấy từ nguồn đấu giá đất công. Trong năm 2019, tỉnh Đồng Nai thu về trên 6.000 tỉ đồng từ việc đấu giá một số khu đất vàng.

Việc thực hiện 3 dự án nói trên sẽ giúp tháo gỡ tình trạng kẹt xe và thức đẩy các khu vực phường Hiệp Hòa, phường Thống Nhất và những phường lân cận phát triển hơn.

4 công trình được kỳ vọng ở TP HCM

Dự án chống ngập 10.000 tỷ, bến xe Miền Đồng mới, cầu Thủ Thiêm 2, 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm là những công trình được kỳ vọng hoàn thành năm 2020.

Dự án gồm các hạng mục: 6 cống kiểm soát triều lớn và một tuyến đê dài ở quận 1, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.

Công trình được khởi công năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều, ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Công trình cũng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường.

Hiện, các vướng mắc đã cơ bản được giải quyết, chỉ còn vướng mặt bằng một số vị trí ở huyện Nhà Bè. Tính đến cuối năm 2019, 77% tổng khối lượng đã hoàn thành. Nhà thầu đang nỗ lực hoàn thành dự án vào cuối năm nay, nếu được bàn giao mặt bằng sớm.

Diện tích hơn 16 ha, Bến xe Miền Đông mới được xây tại phường Long Bình, quận 9, và một phần Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Công trình rộng gấp 3 lần Bến xe miền Đông hiện hữu, là bến xe lớn nhất nước và có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, công trình được khởi công tháng 4/2017, được kỳ vọng là đầu mối kết nối giao thông TP HCM với các tỉnh thành, giảm tải cho bến xe hiện hữu cách đó gần 20 km.

Chủ đầu tư dự án - Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết nếu giải quyết được các thủ tục pháp lý còn thiếu, bến xe dự kiến khánh thành vào dịp 30/4.

Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình cấp đặc biệt của TP HCM, cầu nối quận 1 và 2, dài hơn 1,4 km với 6 làn xe, được thiết kế kiểu dây văng, cao 113 m, trụ tháp chính có kiến trúc cầu rồng nghiêng về phía Thủ Thiêm.

Được động thổ vào đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ, cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thành sau 30 tháng thi công. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng phía quận 1 nên dự án đã nhiều lần lỗi hẹn. Chính quyền thành phố đang tích cực làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng) để nhận bàn giao mặt bằng từ Tổng công ty Ba Son.

Đơn vị thi công cho biết, nếu mặt bằng được bàn giao đúng hẹn, cầu có thể được hợp long vào lễ Quốc khánh 2/9 và hoàn thành toàn bộ vào cuối năm nay.

Bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, 4 trục đường chính được xem như "xương sống" của Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) gồm: đại lộ vòng cung (6 làn xe), đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), đường ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1 gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam.

Với tổng chiều dài gần 12 km, bao gồm 10 cây cầu (trong đó có hai cầu cạn) bốn tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với các công trình giao thông hiện hữu như cầu Thủ Thiêm 1, Đại lộ Đông Tây và các cầu qua sông Sài Gòn theo quy hoạch. Các tuyến đường này cũng liên kết trung tâm thành phố hiện hữu và các tỉnh lân cận, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông.Dự kiến 4 tuyến đường này sẽ được hoàn thành trong năm 2020, tạo động lực cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á -Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Bất động sản Đồng Nai – Tâm điểm hút vốn 2020  - Theo nhận định của nhiều nhà ĐT và chuyên gia BĐS, sau khu Nam và khu Đông, thị trường khu vực giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai đang hấp dẫn nhờ những định hướng phát triển ĐT trong tương ...
Novaland Expo gây ấn tượng mạnh với khách hàng, nhà đầu tư - Chiều ngày 8/12, Novaland Expo đã chính thức khép lại chuỗi hoạt động 5 ngày sôi nổi, thu hút được gần 20.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Bình luận