Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 6/12: Nhà đầu tư lướt sóng bất động sản 'nghỉ đông'

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 6/12 có những nội dung: Nhà đầu tư nước ngoài "săn" BĐS hạng sang trung tâm Sài Gòn, dự báo giá tiếp tục tăng; Giá căn hộ hạng sang tăng 40% trong 3 năm.

Nhà đầu tư nước ngoài "săn" bất động sản hạng sang trung tâm Sài Gòn, dự báo giá tiếp tục tăng

Nhà đầu tư nước ngoài "săn" bất động sản hạng sang trung tâm Sài Gòn, dự báo giá tiếp tục tăng

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam, BĐS hạng sang ghi nhận sự tăng giá ấn tượng với khoảng 40%/năm do nguồn cung ít ỏi, trong khi nhu cầu của giới nhà giàu luôn tăng, nhất là nhu cầu của người nước ngoài.

Theo ông Kiệt, thời gian qua thị trường BĐS TPHCM đối diện với nhiều khó khăn, nhưng có một thực tế NĐT nước ngoài vẫn đánh giá rất cao thị trường TPHCM. NĐT đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tìm kiếm cơ hội đầu tư ở TPHCM rất nhiều.

Vị "sếp" của CBRE Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới phân khúc hạng sang sẽ phát triển. Đây cũng là phân khúc ghi nhận sự tăng giá thứ cấp ấn tượng, với gần 40% trong vòng 1 năm. Giá tăng cao do loại hình này ít ỏi về nguồn cung trong khi nhu cầu tìm mua vẫn rất lớn.

Trước bối cảnh mà BĐS ở Tp.HCM giá cao thì nhiều NĐT có dòng tiền khiêm tốn lại không thể chen chân vào thị trường này, họ buộc phải tìm kiếm các kênh đầu tư khác, ở các địa phương lân cận Tp.HCM.

Theo ông Kiệt, phân khúc hạng sang tăng giá mạnh và đều nằm ở vị trí trung tâm TP. Về cơ bản, quỹ đất của phân khúc này cực kì hạn chế nên các CĐT khi nhắm đến việc phát triển BĐS hạng sang, chấp nhận bỏ chi phí đất rất cao.

Phó Giám đốc CBRE cũng khẳng định, sức khỏe của thị trường BĐS đang ổn định khi mà hầu hết các dự án mới mở bán đều hấp thụ trên 80%. Trong đó, có những dự án ở phân khúc tầm trung bán rất nhanh trong một tuần. Cho thấy, nhu cầu của thị trường còn đang rất lớn, cái khó hiện nay theo ông Kiệt là bài toán nguồn cung.

“Chỉ có điều do áp lực lãi vay đã tác động lớn đến NĐT có BĐS cho thuê. Hiện hiệu suất sinh lời từ cho thuê giảm mạnh. Cho nên NĐT tìm kiếm BĐS cho thuê để sinh lời cũng cần cân nhắc nhiều ở giai đoạn này”, ông Kiệt nhấn mạnh.

TPHCM thiếu quỹ đất để thu hút đầu tư sản xuất

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ thông tin trên tại hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển" do UBND TP tổ chức ngày 6-12.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham khảo sản phẩm tại hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển", do UBND TP tổ chức ngày 6-12 - Ảnh: Tự Trung

Bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM là cơ khí, điện tử - CNTT, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cho định hướng phát triển trong tương lai, khi nguồn lực phát triển công nghiệp ngày càng có giới hạn.

Theo ông Phong, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành công nghiệp thành phố vẫn còn một số hạn chế vẫn chưa khắc phục được.

Đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng cũng như về giá thuê đất. Thành phố hiện đang thiếu quỹ đất thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài thuê.

Giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố còn cao so với các khu chế xuất - khu công nghiệp ở các khu vực lân cận, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và có xu hướng chuyển đầu tư ra khu vực tỉnh, thành lân cận.

Thu hút đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Nhà đầu tư lướt sóng bất động sản 'nghỉ đông'

8 tháng qua, giới đầu tư địa ốc ngắn hạn hết thời ăn may sau giai đoạn hoàng kim (2015 - 2018) vì thị trường trầm lắng.

Giám đốc Công ty Tín Thành, ông Đoàn Quốc Duyệt chia sẻ khảo sát nhanh hành vi của các nhà đầu tư bất động sản TP HCM trong 11 tháng qua, có đến 7-8 tháng giới đầu tư ngắn hạn không còn cơ hội buôn nhanh bán vội. Những nhà đầu tư ngắn hạn này thuộc nhóm lướt sóng mua bán chốt lời trong 3-6 tháng nhưng đều thất thủ nhiều tháng qua. Nguyên nhân là do thị trường giảm tốc, nguồn cung hạn hẹp, thanh khoản giảm, tâm lý người mua xuống thấp, không khí trầm lắng kéo dài.

Ông Duyệt phân tích, nhà đầu tư lướt sóng bất động sản tại TP HCM chia ra 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm lướt sóng chuyên nghiệp và thứ nhì là lướt sóng theo đám đông. Nhóm nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp là những người nắm trước nhiều thông tin và gần như là tay tạo sóng đầu đàn nhưng cũng rút lui rất sớm khi thị trường chuyển biến xấu. Người lướt sóng nghiệp dư mua theo các kênh thân quen như: môi giới, bạn bè, kênh truyền miệng... và vẫn còn bị kẹt lại giữa dòng khi thị trường giảm tốc mạnh dần.

Từ quý đầu quý II/2019 đến nay nhiều nhà đầu tư địa ốc ngắn hạn đang phải chôn vốn thậm chí lỗ chi phí tài chính (khoản vay) vì ôm hàng không bán được. Bất động sản mua vào dễ nhưng bán ra rất chậm, tỷ suất sinh lời bằng không hoặc thấp dưới ngưỡng kỳ vọng do thủ tục pháp lý bất động sản kéo dài và tâm lý thị trường yếu.

"Tính đến đầu tháng 12/2019, dân lướt sóng "cóng tay" không mua bán gì đáng kể vì thị trường trầm lắng kéo dài. Nhiều tay buôn làm cả năm không có đồng lãi nào, thậm chí lỗ vì nhiều nhóm nhà đầu tư lướt sóng dùng toàn vốn vay", ông Duyệt nhận xét.

Thậm chí, hiện nay thị trường xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư bắt đầu áp dụng chính sách hạn chế khách hàng và môi giới mua bất động sản dự án chỉ để lướt sóng. Chính sách ràng buộc phổ biến như: chỉ được giao dịch cho khách hàng F2 khi đã ký xong hợp đồng mua bán (hạn chế nhà đầu tư thứ cấp sang tay tràn lan), môi giới mua sỉ để bán lẻ ngoài khoản tiền ký quỹ ra vẫn phải đóng tiền đúng theo tiến độ nếu ôm hàng lại.

Trong 11 tháng qua, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng rất nhiều trực tiếp từ chính sách của nhà nước liên quan đến pháp lý và thị trường tài chính - ngân hàng (siết cho vay bất động sản có lộ trình). Đây là động thái có chủ đích để giảm sức nóng của thị trường sau những đợt sốt đất 2015-2018 và chấn chỉnh thị trường chuyên nghiệp hơn.

Ông Duyệt dự báo, với thực trạng thị trường hiện nay, các nhà đầu tư lướt sóng phân hóa thành nhiều trường phái. Nhóm vốn ít vay nhiều đã mắc cạn giữa dòng đang phải loay hoay tháo gỡ khó khăn. Nhóm vốn ít nhát tay gần như không mua bán gì trong năm 2019. Những nhà đầu tư lướt sóng có tài chính mạnh (vốn tự có) bắt đầu đổi chiến thuật sang đầu tư dài hạn và chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nhưng độ an toàn được ưu tiên hàng đầu. "Đã đến lúc nhà đầu tư lướt sóng Sài Gòn bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư bất động sản bài bản chuyên nghiệp và bền vững hơn", ông Duyệt nói.

Giá căn hộ hạng sang tăng 40% trong 3 năm

TPHCM giai đoạn 2017-2019, căn hộ thuộc phân khúc luxury đội giá trung bình trên 13% mỗi năm.

Tại Hội thảo Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP HCM năm 2020, Phó giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam, Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, giá nhà tại Sài Gòn đang không ngừng leo thang trong vài năm gần đây. Diễn biến này đã khiến nhiều người buộc phải dịch chuyển ra vùng ven, thậm chí tỉnh giáp ranh, lân cận TP HCM để tìm nơi an cư.

Theo dữ liệu của đơn vị này, từ năm 2017 đến đầu quý IV/2019 căn hộ hạng sang tại khu trung tâm TP HCM tăng đến 40%. Nguyên nhân tăng giá là do quỹ đất nằm ở lõi trung tâm đô thị ngày càng ít dần, chi phí đầu vào cho giá đất có vị trí độc nhất vô nhị ngày càng tăng cao. Ngoài ra, số lượng căn hộ hạng sang không nhiều, tình trạng khan hiếm này cùng với quá trình xây dựng sản phẩm chất lượng, nguyên vật liệu nhập khẩu đắt đỏ đã đẩy giá thành căn hộ hạng sang tăng nhanh trong 3 năm qua.

Ông Kiệt nhận xét, trong 3 năm qua giá căn hộ tất cả các phân khúc đều tăng mạnh, bình dân và trung cấp tăng giá 5-7% mỗi năm trong khi căn hộ cao cấp và hạng sang tăng giá trong ngưỡng 10-13% mỗi năm.

Phân khúc chung cư bình dân và trung cấp được khách hàng mua để ở là chính. Trong khi đó, căn hộ cao cấp và hạng sang được mua để đầu tư. Căn hộ hạng sang và cao cấp có tốc độ tăng giá cao và nhanh hơn 2 phân khúc còn lại vì chi phí đất đầu vào cho quỹ đất vị trí trung tâm đang ở mức rất cao sau nhiều năm thị trường bất động sản liên tục nóng sốt.

Tuy nhiên, trong nhiều lần cảnh báo về tình trạng thổi giá căn hộ cao cấp và hạng sang, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho rằng, phân khúc này tăng giá ở biên độ lớn trong vài năm gần đây, đặc biệt xuất hiện giá bán gần 300 triệu đồng mỗi m2 căn hộ tại quận 1, vì đang ở thế độc quyền.

Cơ hội đầu tư đất nền ven Sài Gòn thời gian tới

Quy hoạch phát triển hạ tầng kết nối và môi trường sống là 2 yếu tố cực kì quan trọng tác động đến quyết định mua nhà của người dân, thúc đẩy thị trường bất động sản lân cận TP. HCM ngày càng phát triển thuận lợi...

Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP. HCM năm 2020” do Cafeland vừa tổ chức sáng 5/12, nhiều chuyên gia địa ốc đã có những phân tích, đánh giá về thị trường đất nền vùng lân cận TP. HCM.

Theo TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia Savills, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu bất động sản ở các thị trường như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu….vẫn còn nên tính thanh khoản của thị trường khá tốt.

Theo vị chuyên gia này, nói quỹ đất tại TP. HCM gần hết là không đúng. Vấn đề nằm ở chỗ là khả năng quy hoạch và tốc độ đô thị hóa đang có sự khập khiễng. Vì thế, cư hội cũng đang thuộc về các khu vực lân cận TP. HCM.

Theo ông Khương, tại TP. HCM, thực tế hiện tại chính là việc người lao động khó mua nhà khi giá bán vượt quá giới hạn thu nhập của họ. Đây chính là lý do khiến dòng dịch chuyển về vùng lân cận để giải quyết bài toán an cư khởi động.

Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, khi tham gia vào thị trường bất động sản lân cận TP. HCM, nhà đầu tư hay nghĩ rằng, cơ sở hạ tầng được xây dựng, sân bay lên là giá bất động sản sẽ tăng.

“Thực tế, không phải đường xây xong đến đâu là bất động sản tăng giá mà nó còn phụ thuộc vào nội lực, tốc độ phát triển của khu vực đó, bài học về một số thành phố ma đã minh chứng cho điều này”, ông Khương cho hay.

Theo vị chuyên gia này, các thị trường lân cận TP. HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… đang có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với các dự án quy mô. Đối với nhà đầu tư cá nhân đây là cơ hội để có được biên lợi nhuận tốt. Còn với các nhà phát triển dự án cơ hội làm dự án bán được ở cả 2 thị trường, giải quyết bài toán an sinh xã hội.

Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam cho rằng, xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội đã hình thành rõ nét trong những năm qua. Người mua hiện nay họ không quan tâm xa bao nhiêu km mà quan tâm từ nhà đến chỗ làm hết bao nhiêu phút. Các khu đô thị quy mô lớn ở các khu vệ tinh xung quanh TP. HCM đang giải quyết được bài toán này dựa trên hạ tầng giao thông kết nối.

Thừa Thiên Huế chỉ định nhà đầu tư dự án hơn 3.700 tỷ tại khu đô thị An Vân Dương

Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu đô thị hai bên đường Chợ Mai - Tân Mỹ, thuộc Khu C - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án 3.776 tỷ đồng này sẽ được chỉ định nhà đầu tư.

Lý do chỉ định là chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển (Liên danh CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam - CTCP Cơ điện lạnh - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng).

Dự án được thực hiện tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, diện tích sử dụng đất khoảng 49,5 ha. Mục tiêu dự án là đầu tư đấu nối hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và hình thành nên khu đô thị xanh, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch khi đến Huế. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận xung quanh khu vực dự án...

Trước đó, Ban quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển dự án này từ ngày 8/07/2019.

Được biết, Khu đô thị mới An Vân Dương là Dự án có sức hút rất lớn. Hiện có nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm, đề xuất nghiên cứu dự án tại đây như: Tập đoàn FLC; Tập đoàn Việt Hưng; Tập đoàn Sovico...

Nối tiếp FLC, hàng loạt đại gia BĐS Hưng Thịnh, Phát Đạt... ồ ạt rót vốn đầu tư vào Bình Định

Xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy KT-XH phát triển, Bình Định đang phấn đấu mỗi năm có từ 40 - 50 dự án được thu hút với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương này đang điều chỉnh quy hoạch một số vùng ven biển theo hướng phát triển du lịch - nghỉ dưỡng để kích thích vốn đầu tư.

Tại Hội nghị Phát triển Kinh tế miền Trung do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 20/8 tại Bình Định, Thủ tướng đã nhận định Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang chưa có hạt nhân để tạo sự phát triển lan tỏa cả vùng.

Cũng tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 nhà đầu tư vào tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 79 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký hơn 724 triệu USD); 281 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 71.690 tỷ đồng (trong đó Khu kinh tế Nhơn Hội có 43 dự án, vốn đăng ký gần 21.095 tỷ đồng). Trong số đó với 29 dự án, TP Quy Nhơn tiếp tục là địa bàn dẫn đầu về thu hút đầu tư.

Tỉnh Bình Định trong năm 2019 cũng đã tổ chức đấu giá, đấu thầu thành công 3 khu “đất vàng” trên TP Quy Nhơn. Theo đó, sau khi đấu thành công Khu phức hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ tại khu đất số 01 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đã đầu tư 2.119 tỷ đồng để triển khai dự án của mình.

Tương tự, liên danh Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ AKYN và Công ty CP Đầu tư 559 cũng rót 1.000 tỷ đồng vào khu đất số 01 Ngô Mây, TP Quy Nhơn; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô đầu tư 858 tỷ đồng vào khu đất C1, Khu dân cư Đông đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn....

Hàng loạt đòn bẩy đến từ những dự án đầu tư đã tạo nên sức bật cho thị trường BĐS Quy Nhơn. Điều này đã được chứng minh qua số lượng giao lịch BĐS không ngừng gia tăng trong thời gian qua và sự tăng trưởng từ 30 – 50% về giá trung bình của các sản phẩm.

Giao 2.100 tỷ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngày 4/12, UBND tỉnh Tiền Giang họp báo, công khai tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Tiền Giang, cuối tháng 11, tỉnh này đã nhận được nguồn vốn hơn 2.100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hiện đã giao vốn cho doanh nghiệp dự án.

"Trong đó hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp dự án hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn ứng ngân sách tỉnh gần 280 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được đầu tư cho các hạng mục khác của dự án", ông Tuấn nói.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, theo phương án tài chính được duyệt, các tổ chức tín dụng sẽ tham gia tài trợ trên 6.600 tỷ đồng.

Đầu tư ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức PPP

Theo UBND TP. Đà Nẵng, Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ GTVT thống nhất nguồn vốn thực hiện theo hình thức PPP.

Hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất, báo cáo, xin ý kiến thống nhất chủ trương triển khai Dự án theo hình thức BT và thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành theo quy định để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng Thành phố đề xuất thực hiện dự án.

Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở GTVT phối hợp cùng Sở KH&ĐT làm việc với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trương thực hiện. Được biết, Dự án gồm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT gồm 3 hợp phần với kinh phí khoảng 10.236 tỷ đồng. Tiểu dự án 2 - đền bù giải tỏa phục vụ Dự án và tái phát triển đô thị, sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố với kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng.

TPHCM đề xuất quy hoạch xây dựng tuyến đường trên cao tại huyện Cần Giờ

Đó là một trong những nội dung mà UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cho phép Thành phố lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung mà thành phố đang thực hiện.

Cùng với đó, Chiều 5/12, Sở GTVT TP. HCM cho biết vừa phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu (Q.9) dài 1,6 km.

Theo Sở GTVT, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hiện chỉ khoảng 7m và 2 làn xe, dự kiến sẽ được mở rộng lên 30m cho 4 làn xe ô tô và 2 làn xe gắn máy lưu thông. Trong đó, sẽ mở rộng nút giao thông Nguyễn Duy Trinh và đường 990 để đảm bảo tổ chức giao thông đi các hướng thuận tiện an toàn và phù hợp với mặt cắt ngang hoàn chỉnh của cao tốc TP.HCM - Long Thành -Dầu Giây; ưu tiên cho dòng xe từ đường 990 ra vào đường Nguyễn Duy Trinh.

Lý giải sức hút trong 2 ngày đầu diễn ra Novaland Expo - Mới 2 ngày đầu tiên, Novaland Expo đã thu hút được gần 8.000 lượt khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu các dự án BĐS đến từ hơn 50 đối tác chiến lược của ...
Khai mạc triển lãm bất động sản Novaland Expo tháng 12/2019: Ấn tượng và hoành tráng - Ngày 4/12,  Novaland Expo tháng 12/2019 chính thức khai mạc tại Khu nhà mẫu Novaland 26 Mai Chí Thọ, Q.2 từ 4/12 - 8/12/2019.
Bình luận