Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tất niên là gì? Ý nghĩa ngày Tất niên đối với người dân Việt

VOH - Tất niên là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Cổ truyền Việt Nam. Vậy tất niên là gì? Ý nghĩa và điểm khác biệt của 3 miền khi tổ chức tiệc tất niên là như thế nào?

Vào cuối năm, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị những mâm cơm tất niên tươm tất, đủ đầy để cả gia đình sum họp, tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu ngày Tất niên là gì, ý nghĩa cũng như điểm khác biệt trong bữa cơm tất niên của 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tất niên là gì?

Tất niên (hay còn gọi là tiệc tất niên, lễ tất niên…) là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Đây là phong tục tập quán lâu đời, mang nét đẹp văn hóa của người Việt.

Tất niên là gì? Ý nghĩa ngày Tất niên đối với người dân Việt 1
Tất niên là nghi thức thường thấy trong phong tục Tết Cổ truyền - Ảnh: Internet

Tất niên có thể là một bữa tiệc tất niên, liên hoan cuối năm để bước sang năm mới (Tết Tây) và cũng là một phần trong phong tục Tết Cổ truyền, diễn ra vào những ngày cuối năm âm lịch.

Ở Việt Nam, ngày tất niên có thể hiểu là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu).

Bữa cơm tất niên hay tiệc tất niên thường diễn ra vào buổi chiều và buổi tối ngày này. Gia chủ sau khi làm cỗ cúng Tất niên sẽ dọn tiệc mời khách là họ hàng, hàng xóm hay bạn bè đến tham dự.

Đặc điểm của ngày Tất niên

Theo quan niệm người xưa, ngày Tất niên thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch Âm (tức là ngày 30/12 Âm lịch, hay còn gọi là ngày 30 Tết). Một số năm thiếu thì Tất niên sẽ được tổ chức vào ngày 29/12 Âm lịch.

Buổi tối ngày Tất niên, gia đình sẽ sum họp lại để cùng làm cỗ cúng Tất niên, sau đó là ăn bữa cơm tất niên.

Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày Mùng 1 tháng Giêng, giờ Tý (tức 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mùng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết - Giao thừa.

Giao thừa là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ để cúng gia tiên (trong nhà) và cúng thiên địa (ngoài sân).

Một số cộng đồng lấy Hổ làm vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Và một số cộng khác sẽ chuẩn bị phần mâm cỗ đến cúng chúng sinh, cúng những vong hồn lang thang không nương tựa.

Lễ cúng tất niên sẽ tùy thuộc vào điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng miền, có thể thanh đạm hay thịnh soạn. Tuy nhiên, một số vật phẩm bắt buộc phải có trong mâm cúng tất niên của người Việt gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, rượu trà, trầu cau…

Phong tục ăn tất niên tại 3 miền Bắc Trung Nam

Vì Tất niên là phong tục không thể thiếu trong dịp Tết Cổ truyền, nên hầu như trải dài từ Bắc vào Nam, gia đình nào cũng đều có chuẩn bị mâm cơm tất niên cuối năm. Tuy mâm cúng tất niên 3 miền có sự khác nhau, song vẫn đầy đủ những món ăn cơ bản, mang màu sắc đặc trưng của văn hóa Việt.

Tất niên là gì? Ý nghĩa ngày Tất niên đối với người dân Việt 2
Mâm cúng tất niên ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều mang đậm hương sắc Việt Nam - Ảnh: Internet

Mâm cúng tất niên miền Bắc

Phần lớn người dân miền Bắc thường cúng tất niên với 4 bát 4 đĩa được bày trên mâm cúng. Trong đĩa cúng có thể là gà, giò, chả quế, thịt heo, xôi gấc và bánh chưng. Còn bát sẽ dùng để đựng chân giò hầm măng, canh bóng thả, miến dong và mọc nấm thả.

Một số gia đình còn chuẩn bị thêm nhiều món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của miền Bắc như: thịt đông, nem rán, nộm, gà tần, dưa hành muối…

Mâm cúng tất niên miền Trung

Ở miền Trung, mâm cúng tất niên cuối năm thường sẽ được chuẩn bị với các món mặn như: thịt heo, thịt gà hoặc cả hai loại, cùng với các món canh, xào… Một số gia đình còn có thêm đĩa miến Huế, thịt đông, chả Huế, dưa món, bát canh măng khô, cá chiên…

Sau bữa cơm tất niên ấm cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét để cùng chờ đợi thời khắc giao thừa.

Mâm cúng tất niên miền Nam

Mâm cúng tất niên ở miền Nam thường sẽ có: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà rượu… và một mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn).

Những món ăn đặc trưng thường thấy trong ngày Tất niên ở miền Nam gồm có: thịt kho tàu, thịt heo luộc, canh khổ qua nhồi thịt, gỏi tôm thịt, nem chả, dưa giá, củ kiệu và bánh tét.

Xem thêm:
60 bài thơ về Tết đong đầy cảm xúc cho năm mới
Những bài thơ Tết, thơ chúc Tết hay, ý nghĩa, hài hước năm Giáp Thìn 2024
26 bài thơ tất niên giúp nhân đôi ngày vui đoàn viên

Ý nghĩa của buổi tiệc tất niên tại gia đình

Đối với gia đình, ngày Tất niên chính là ngày sum họp, đoàn viên. Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình. Theo quan niệm xưa, những gia đình nào càng đông đủ con cháu, các thế hệ cùng dùng bữa cơm này thì chứng tỏ gia đình ấy nhiều phúc, lộc và may mắn.

Hơn thế, đây cũng là thời điểm các thành viên trong gia đình đoàn tụ sau một năm khó có thời gian gặp gỡ, chuyện trò. Sau khi cùng nhau ăn bữa cơm ngày cuối năm, mọi người sẽ ngồi lại bên nhau kể lại những chuyện đã qua và chào đón năm mới tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa tiệc tất niên cuối năm tại công ty

Vì Tất niên có ý nghĩa tích cực trong đời sống của người dân Việt Nam nên phần lớn các công ty, doanh nghiệp cũng thường sẽ tổ chức tiệc Tất niên với quy mô lớn. Khách tham dự không chỉ là toàn thể nhân viên công ty mà còn có cả đối tác, khách hàng.

Tất niên là gì? Ý nghĩa ngày Tất niên đối với người dân Việt 3
Tất niên cũng được các công ty tổ chức như một sự kiện thường niên - Ảnh: Internet

Dưới đây là một số lý do các công ty, doanh nghiệp thường xem Tất niên là sự kiện được tổ chức thường niên:

Tổng kết hoạt động doanh nghiệp, tạo động lực trong năm mới

Với các công ty, doanh nghiệp, tất niên chính là dịp để tổng kết hoạt động của năm qua, ăn mừng công việc, những dự án thành công, sự phát triển tăng trưởng của công ty cùng những khó khăn gặp phải trong năm cũ.

Tất niên cũng là dịp để công ty, doanh nghiệp đưa ra những mục tiêu và hướng đi tiếp theo của mình trong năm mới.

Lời cảm của doanh nghiệp đến nhân viên

Tiệc tất niên cũng được xem như lời cảm ơn của công ty, doanh nghiệp đến với toàn thể nhân viên đã đồng hành và cố gắng cùng ban lãnh đạo công ty trong suốt một năm vừa qua, có thể thông qua hình thức rút thăm trúng thưởng, khen tặng hay vinh danh các nhân viên xuất sắc…

Quảng bá hình ảnh công ty đến đối tác

Tổ chức tiệc tất niên cuối năm cũng là cơ hội để công ty quảng bá hình ảnh đến với các đối tác, khách hàng.

Gắn kết, tăng cường các mối quan hệ

Đối với dân văn phòng, công sở, tiệc tất niên chính là nơi để gặp gỡ, giao lưu cùng các đồng nghiệp, nhất là với những đồng nghiệp ở phòng ban khác, bình thường rất ít khi gặp mặt.

Có thể thấy dù trong khuôn khổ gia đình hay trong môi trường làm việc, Tất niên là dịp quan trọng, là cơ hội để mọi người xích lại gần nhau, trao thêm những yêu thương trước thềm năm mới đến.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận