Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tết Trung Nguyên là gì, tổ chức ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa?

VOH - Tháng 7 đến, người Việt Nam lại cùng chờ đón ngày Tết Trung Nguyên. Vậy Tết Trung Nguyên là gì, lễ này được tổ chức ngày nào và có ý nghĩa ra sao trong đời sống người dân?

Tháng 7 âm lịch, theo tín ngưỡng dân gian của một số quốc gia sử dụng Nông lịch (tức lịch Mặt Trăng) được gọi là tháng “cô hồn” và phải kiêng cử nhiều điều. Trong tháng 7 âm lịch, người ta cũng thường tổ chức cúng tế nhiều lễ tiết, trong đó có tiết (Tết) Trung Nguyên. Vậy Tết Trung Nguyên là gì, diễn ra ngày nào hay lễ này có nguồn gốc, ý nghĩa ra sao, hãy cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây.

Tết Trung Nguyên là gì?

Trung Nguyên (chữ Hán 中元) là một tiết khí của văn hóa Đạo giáo. Vào ngày này, các đạo quán sẽ lập “trai tiếu”, còn tăng tự sẽ lập “vu lan bồn trai” (tức đàn chay của những người theo đạo).

voh-tet-trung-nguyen-2
Theo Đạo giáo, Trung Nguyên tiết thuộc một trong ba tiết tương ứng với Nông lịch (lịch Mặt Trăng) - Ảnh: Internet

Nguồn gốc

Đạo giáo quan niệm, một năm chia làm ba tiết tương ứng với lịch âm lịch như sau: Thượng Nguyên tiết (Tết Thượng Nguyên) là vào rằm tháng Giêng; Trung Nguyên tiết (Tết Trung Nguyên) là vào rằm tháng 7 và Hạ Nguyên tiết (Tết Hạ Nguyên) vào rằm tháng 10.

Các tiết này đều được cai quản bởi các vị thần lần lượt là: Thượng nguyên Nhất phẩm Thiên quan Tử Vi Đại đế; Trung nguyên nhị phẩm Địa quan Thanh Hư Đại đế và Hạ nguyên tam phẩm thủy quan Động Âm Đại đế. Các vị thần này trong các tiết lịch trong năm sẽ kiểm soát, quản lý việc thiện - ác, công lao hoặc sai trái của con người cũng như quỷ ma.

Ý nghĩa

Xét về ý nghĩa, Tết Trung Nguyên vốn là tiết dùng để đánh dấu kết thúc nửa đầu năm âm lịch. Ban đầu, giới tu hành chọn ngày rằm tháng 7 để chay tịnh và thiết đàn tế sự. Về sau, Tết Trung Nguyên dần trở thành ngày lễ dân gian cúng chay và đốt mã để dâng tiến gia tiên.

Ngoài ra, dựa theo ghi chép của nhiều kinh điển Đạo giáo được lưu trong sách Chính thống Đạo tạng, Trung Nguyên tiết được coi là ngày quan trọng khi tế tổ tiên, thần linh và cầu mong giải nguy ách, chuộc lại các tội lỗi đã làm và cứu rỗi những vong hồn chịu hình phạt nơi địa ngục.

Tết Trung Nguyên tổ chức ngày nào?

Tết Trung Nguyên thường sẽ được tổ chức vào ngày rằm (ngày 15) tháng 7 âm lịch hàng năm.

Năm nay, Tết Trung Nguyên 2024 sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 18/8 dương lịch (tức ngày 15/7 Âm lịch năm Giáp Thìn).

Sự khác nhau giữa Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân

Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm không chỉ là ngày Tết Trung Nguyên mà nó còn là ngày lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân. Tuy khác nhau nhưng các hoạt động này lại có sự kết hợp giữa giáo lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa xã hội.

Nếu như Trung Nguyên tiết là một tiết của Đạo giáo; lễ Vu Lan (hay Vu Lan bồn) là một lễ hội quan trọng của Phật giáo Bắc Tông; thì Xá tội vong nhân theo phong tục của một số nước Á Đông là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa.

voh-tet-trung-nguyen-3
Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân diễn ra cùng một ngày rằm tháng 7 âm lịch - Ảnh: Internet

Như vậy xét về nguồn gốc các tiết lễ này có sự khác biệt rõ rệt. Trung Nguyên có nguồn gốc từ Đạo giáo, Vu Lan có nguồn gốc từ Phật giáo, Xá tội vong nhân lại thuộc về dân gian.

Xét về ý nghĩa, Đạo giáo tin rằng rằm tháng 7 là Trung Nguyên tiết. Vào ngày này, các đạo quán sẽ trai tiếu để tỏ lòng hiếu thuận với bậc sinh thành, và nhân đó giúp đỡ những vong nhân vất vưởng đói khát.

Lễ Vu Lan là câu chuyện kể về sự hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên khi cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật cảm động với lòng hiếu thảo của ông đã khai mở lễ này hàng năm vào ngày rằm tháng 7 và dần trở thành truyền thống báo hiếu mẹ cha.

Dân gian cũng chọn ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm để lễ Xá tội vong nhân. Bởi theo Nông lịch, tháng 7 âm lịch được gọi là tháng “cô hồn”. Vào ngày này, các gia đình thường lập bàn tế chay để bán thí cho các vong lang thang không người hương khói.

Có thể thấy, dù Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có khác nhau về nguồn gốc nhưng về mặt ý nghĩa lại có mối tương quan nhất định. Tất cả đều chọn ngày rằm tháng 7 để thiết tế chay đàn, phóng sinh, bố thí và thực hiện nhiều điều phước thiện.

Lễ cúng Tết Trung Nguyên diễn ra thế nào?

Vào ngày Tết Trung Nguyên, các gia đình có thể chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, chư Phật… Lễ cúng Trung Nguyên tiết thường sẽ có các lễ cúng như sau:

Lễ cúng Phật: Chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc có thể chuẩn bị đĩa hoa quả tươi để dâng lên cúng Phật nhằm thể hiện lòng thành kính của gia chủ. Khi làm lễ cúng, gia chủ có thể đọc một khóa kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho các đấng sinh thành và lòng hiếu thảo của con cháu. Lưu ý, lễ cúng Phật nên thực hiện vào ban ngày, tốt nhất là cúng vào buổi sáng.

Lễ cúng gia tiên: Lễ cúng gia tiên có thể chuẩn bị mâm cúng chay hoặc mặn. Một số món ăn thường thấy trong lễ cúng Tết Trung Nguyên như gà luộc, heo quay, nem, nộm, xôi… Ngoài ra, gia chủ cũng cần chuẩn bị trầu cau, hương, trà rượu, hoa, trái cây, vàng mã…

voh-tet-trung-nguyen-1
Mâm cúng ngày Tết Trung Nguyên đơn giản hay cầu kỳ sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn bị của mỗi gia đình - Ảnh: Internet

Lễ cúng chúng sinh: Bên cạnh lễ cúng Phật, lễ cúng gia tiên thì lễ cúng chúng sinh (cúng cô hồn) vào ngày 16 tháng 7 âm lịch cũng rất quan trọng. Lễ cúng thể hiện tính nhân văn của người Việt đối với những vong nhân vất vưởng, không người thờ cúng. Lễ cúng chúng sinh thường thực hiện vào buổi chiều, không cúng trong nhà. Các lễ vật cúng thường là hoa quả, bánh kẹo, bim bim… Không cúng đồ mặn.

Người Việt tổ chức Tết Trung Nguyên vào ngày rằm tháng 7 là một truyền thống mang nét đẹp văn hóa, nhân văn. Tết Trung Nguyên của người Việt với sự giao thoa giữa các tín ngưỡng dân gian và các lễ thức của Đạo giáo, Phật giáo để thể hiện tư tưởng hiếu nghĩa, góp phần củng cố lối sống từ bi, hướng thiện của con người. Đặc biệt là tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận