Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bí thư Nguyễn Văn Nên muốn báo chí thành phố mở chuyên mục phòng chống tham nhũng

VOH - Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM tổ chức phiên họp thứ 5 với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hoạt động tích cực, hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong thời gian qua.

Trong đó, đã phối hợp cùng các cơ quan tố tụng cấp thành phố và các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó đã tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm 2 vụ án, 3 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Quy định 1629, nhằm góp phần xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Nhiều vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan tài sản công tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết, góp phần thu hồi nhiều mặt bằng bị chiếm dụng, sử dụng trái phép cho Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn các cơ quan báo chí TPHCM nhanh chóng mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời, nhanh chóng đến người dân, góp phần chủ động định hướng dư luận xã hội, nâng cao chất lượng công tác truyền thông phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Triển khai đưa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ” đi vào thực tiễn.

Xây dựng cơ chế về mặt pháp lý, tạo động lực và niềm tin để đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ công vụ. Thiết lập cơ chế bảo vệ, phát huy thế mạnh và ngăn ngừa sai phạm của cán bộ; mục tiêu hạn chế tối đa sai phạm, tạo sự yên tâm, động viên cán bộ trong công tác.

Bình luận