Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bí thư Quận ủy quận Bình Tân: 'Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh Covid-19'

(VOH) - Trong giai đoạn cao điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TPHCM, quận Bình Tân là một trong những tâm dịch của thành phố khi hầu hết phường đều có ca nhiễm.

Hiện nay, toàn quận có 740.000 dân thì có đến 236.000 công nhân, lao động đang sinh sống tại các khu nhà trọ, diện tích nhỏ. Đây chính là một nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh tại địa phương.

Mặc dù phải đối diện với những khó khăn chưa từng có tiền lệ trong việc “dập dịch” nhưng lãnh đạo quận đã kiên trì các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Khi thành phố mở cửa trở lại với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, Quận Bình Tân cũng đã xây dựng chiến lược cụ thể trong việc điều trị F0, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, duy trì các hoạt động phát triển kinh tế; Tiếp tục củng cố lực lượng phòng, chống dịch, cố gắng giữ thành quả và kéo giảm số ca bệnh nặng, ca tử vong xuống thấp nhất. Đặc biệt là làm tốt công tác hướng dẫn, phát thuốc, điều trị, chăm sóc và tư vấn cho người nhiễm Covid-19 tại nhà, kịp thời chữa trị các ca bệnh nặng.

VOH phỏng vấn ông Lê Văn Thinh - Bí thư Quận ủy quận Bình Tân.

bi-thu-quan-uy-quan-binh-tan-khong-chu-quan-lo-la-voi-dich-benh-covid-19-voh.com.vn-anh1
Ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân đi kiểm tra, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt vừa thiết lập để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào tối 20/6. (Ảnh: SGGP)

*VOH: Ông chia sẻ về tình hình từ lúc đại dịch lần thứ 4 cho đến hôm nay thì quận có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, trong đó Hội Chữ thập đỏ của quận đã có nhiều mô hình như là, chuyến xe nghĩa tình, túi thuốc cho F0, xe chở lương thực thực phẩm phục vụ tuyến đầu và nhân dân…Ông đánh giá về ý nghĩa của hoạt động này như thế nào? Bên cạnh đó thì chính quyền địa phương đã cùng phối hợp ra sao?

- Ông Lê Văn Thinh: Quận Bình Tân chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Số ca nhiễm trên địa bàn hơn 76.000 ca, hơn 900 người tử vong. Được sự chi viện của Trung ương và TP là hơn 15.000 người.

Trong đó Hội Chữ thập đỏ của Quận huy động hơn 80 tình nguyện viên (TNV) đi cung cấp oxy, túi thuốc, bữa ăn cho những trường hợp khó khăn. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ của Quận cũng vận động các mạnh thường quân tham gia đóng góp nhiều túi thuốc cũng như các trang thiết bị y tế để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và các trường hợp gặp khó khăn do đại dịch.

Trong đó, Hội Chữ thập đỏ có những mô hình nổi bật như là “Chuyến xe nghĩa tình” đưa người dân có nguyện vọng chính đáng về quê trong giai đoạn phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ còn có mô hình vận động các xe chở lương thực, thực phẩm đến cung cấp cho người dân, lực lượng phòng chống dịch ở các chốt. Việc này đã đóng góp rất lớn vào sự thành công của quận trong công tác phòng chống dịch.

*VOH: Theo chỉ đạo của thành phố, hiện nay chúng ta tập trung chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người F0 tại cộng đồng. Trong đó kế hoạch cũng như giải pháp là tặng túi thuốc cho người F0 và khuyến khích là trong vòng 24 tiếng là phải có liền. Quận Bình Tân đã và đang thực hiện việc này như thế nào? Về số lượng thuốc và nguồn nhân lực có đáp ứng đủ?

- Ông Lê Văn Thinh: Quận Bình Tân đã chỉ đạo các phường thành lập các đội phản ứng nhanh, kịp thời hỗ trợ cho F0 tại nhà. Các đội phản ứng nhanh gắn với các trạm y tế phường và ở từng khu phố.

Sau khi được Trung ương hỗ trợ và thành lập các trạm y tế lưu động thì đã cứu được rất nhiều người. Sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới thì Bình Tân cũng tổ chức 15 trạm y tế lưu động ở 10 phường và tùy theo tình hình dịch bệnh, chúng tôi sẽ tăng thêm các trạm y tế để đáp ứng điều trị cho F0, đảm bảo chỗ cách ly cho F0 để tránh lây lan và đồng thời cung cấp các túi thuốc và hướng dẫn cách điều trị cho bệnh nhân.

Các túi thuốc thì quận cũng có nhiều nguồn. Từ nguồn TP cấp và từ vận động, trong đó có Hội Chữ thập đỏ và nguồn quận chủ động mua. Đảm bảo đủ cơ số thuốc và cả dự phòng, đảm bảo phục vụ cho F0.

*VOH: Việc xây dựng lực lượng y tế tại chỗ rất quan trọng để chia sẻ áp lực với y tế tuyến trên, nhưng khi xây dựng như vậy thì quận sẽ gặp khó khăn về cơ sở vật chất về nguồn nhân lực. Quận có giải pháp như thế nào để làm tốt công tác này theo chỉ đạo của thành phố?

- Ông Lê Văn Thinh: Công tác phòng chống dịch tốt nhất vẫn là phòng. Tuy nhiên khi đã nhiễm bệnh thì chúng ta phải tập trung cứu chữa kịp thời. Chúng tôi thấy vừa qua, công tác y tế ở cơ sở vô cùng quan trọng.

Việc phải chuyển đến bệnh viện những trường hợp quá nặng là việc buộc phải làm. Nhưng để giảm bớt số bệnh trở nặng và kịp thời có lực lượng cứu chữa tại nhà, tại cơ sở là rất quan trọng. Hiện địa phương đang rà soát lại từ các tổ dân phố, khu phố, các lực lượng công chức của phường và của trạm y tế và Trung tâm y tế của quận phối hợp với Sở y tế để củng cố lực lượng này.

*VOH: Ông chia sẻ thêm về việc giải quyết những khó khăn xung quanh các cơ sở vật chất và nguồn nhân lực này như thế nào?

- Ông Lê Văn Thinh: Để đảm bảo yêu cầu phục vụ của đội ngũ y tế ở cơ sở thì chúng tôi chủ động làm việc với các cơ sở y tế tư nhân ở trên địa bàn như bệnh viện, phòng khám và kể cả đội ngũ y bác sĩ đã nghỉ hưu để vận động tham gia trực tiếp vào trong những khâu cụ thể của công tác phòng chống dịch, nhất là chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà.

Về lực lượng dự phòng trong giai đoạn mới thì quận cũng chỉ đạo cho UBND quận và lực lượng quân sự tại địa phương, trong đó chú trọng là lực lượng dân quân, lực lượng tự vệ ở các nhà máy, xí nghiệp, các phường tham gia tập huấn, huấn luyện các biện pháp nghiệp vụ để có thể tham gia vào công tác chăm sóc F0 để thay thế dần lực lượng tăng cường mà thành phố và Trung ương đã rút.

Cơ sở vật chất chúng tôi cũng tập trung xây dựng một số điểm khác và đáp ứng được yêu cầu cách ly cũng như khám chữa bệnh. Hiện nay quận đã phối hợp với Trường Đại học Y dược TP tiếp tục duy trì mô hình hoạt động 2 đội chăm sóc F0 tại nhà và chăm sóc điều trị. Đội F0 cũng như trạm y tế lưu động. Còn đội điều trị gắn với bệnh viện quận và mở rộng thêm khu cấp cứu của Bệnh viện quận thêm 60 giường.

*VOH: Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương thì việc nâng cao ý thức của người dân có vai trò quan trọng như thế nào để cùng chung tay với địa phương giữ vững được thế trận hiện giờ?

- Ông Lê Văn Thinh: Trong mọi tình huống, mọi công việc thì ý thức của con người là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch thì ý thức của cộng đồng dân cư càng quan trọng hơn. Do đó địa phương sẽ chú trọng quan tâm thực hiện việc tuyên truyền vận động người dân tự phòng, tự tránh, nâng cao ý thức của mỗi người trong công tác phòng chống dịch.

Về công tác tuyên truyền thì đa dạng, nhiều hình thức.

Từ lâu, quận Bình Tân đã lập được các nhóm Zalo, đặc biệt là nhóm Zalo nhân dân ở từng phường trên địa bàn quận, qua đó truyền tải thông tin đến người dân rất nhanh và thuận lợi.

Tôi cho rằng trong thời gian tới việc ứng dụng công nghệ thông tin hướng dân tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân để chấp hành các quy định pháp luật nhất là ý thức phòng chống dịch là rất quan trọng.

*VOH: Cảm ơn ông

Bình luận