Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách thức gia hạn thẻ BHYT trong thời gian giãn cách xã hội

(VOH) - Bảo hiểm xã hội TPHCM hướng dẫn cách thức gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Việc gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế kịp thời khi thẻ hết hạn là việc làm rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người dân khi tham gia khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế, nhất là những người gia hạn để bảo đảm quyền lợi khi sử dụng thẻ liên tục 5 năm trở lên.

Trong thời gian TPHCM đang thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường thì việc gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế được thực hiện thế nào?

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về những quy định này, VOH phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM.

cach-thuc-gia-han-the-bhyt-trong-thoi-gian-gian-cach-xa-hoi-voh.com.vn-anh1
BHXH TPHCM hướng dẫn thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến để gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình và đóng tiếp BHXH tự nguyện theo 3 cách.

*VOH: Thời gian gần đây, có nhiều người dân rất lo lắng khi thẻ BHYT đã hết hạn hoặc gần hết hạn nhưng vì lý do thực hiện giãn cách xã hội, họ không thể đi đến các BHXH quận, huyện hay các đại lý thu để đóng tiền gia hạn thẻ BHYT. Vậy có những cách nào để người dân gia hạn được thẻ BHYT trong thời gian giãn cách xã hội?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Để tạo thuận lợi cho người dân có thể nộp tiền gia hạn thẻ BHYT, đóng tiếp tiền tham gia BHXH tự nguyện đảm bảo duy trì quá trình tham gia liên tục, BHXH TPHCM hướng dẫn thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến để gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình và đóng tiếp BHXH tự nguyện theo 3 cách:

Cách 1: Dịch vụ thanh toán trực tuyến “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình”

Đầu tiên người tham gia BHYT vào trang Cổng dịch vụ công Quốc Gia, chọn đăng ký tài khoản (nếu chưa có) và làm theo từng bước hướng dẫn trên cổng Dịch vụ công Quốc Gia.

Cách 2: Gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình trực tuyến thông qua các ứng dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Cách 3: Chuyển tiền qua tài khoản của Đại lý thu BHXH, BHYT gần nơi cứ trú của người dân. Hiện nay, trên công thông tin điện tử của BHXH TP.HCM có đăng tải danh sách các đại lý thu BHXH, BHYT tại 22 quận, huyện.

*VOH: Nhiều người cũng lo lắng nếu không được gia hạn thẻ BHYT kịp thời thì sẽ không được hưởng quyền lợi của người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục. Như vậy, quyền lợi của người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục thì có những ưu đãi gì?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Hầu hết hiện nay đa số người dân được hưởng quyền lợi số 4, có nghĩa là được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi chi trả của BHYT. Chỉ có một số ít được hưởng 100% gồm trẻ em dưới 6 tuổi hoặc đối tượng có công cách mạng.

Một số đối tượng còn lại được thanh toán 95 % như đối tượng thuộc hộ cận nghèo, các đối tượng hưu trí… Tuy nhiên, với người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên thì quyền lợi được nâng lên rất nhiều.

Cụ thể người bệnh được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nếu có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện là 1,49 triệu đồng x 6 = 8,94 triệu đồng).

Người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên sẽ được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các lần khám, chữa bệnh tiếp theo.

Khi được cấp giấy chứng nhận này, người dân sẽ không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% tùy đối tượng. Ví dụ, một người phải điều trị ung thư có chi phí khám, chữa bệnh BHYT là 300 triệu đồng/năm, nếu có "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" sẽ không phải trả 20% (60 triệu đồng) chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Việc hưởng 100% này rất có lợi cho các bệnh nhân trong điều trị các bệnh mãn tính, mổ tim, suy thận, ung thư, thay khớp gối,…

*VOH: Hiện nay có một số bệnh viện đã được chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19 nên thực sự phần nào ảnh hưởng đến việc đi khám, chữa bệnh của người dân. Cơ quan BHXH TPHCM đã có những quy định gì để tạo điều kiện cho người dân vẫn được bảo đảm quyền lợi về BHYT, nhất là khi ở thời điểm người dân hạn chế ra đường để đi khám, chữa bệnh?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trong đó có nhiều ca F0 chuyển nặng cần được cấp cứu, do đó để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận bệnh nhân điều trị Covid-19, một số cơ sở khám chữa bệnh đã đăng ký chuyển đổi công năng một phần bệnh viện thành Bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.

Ngay từ giai đoạn đầu, vào tháng 5, hàng loạt phòng khám tư nhân dừng hoạt động và có thông báo đến cơ quan BHXH.

Cũng trong giai đoạn này, có một số bệnh viện như bệnh viện Gò Vấp, Bình Chánh hay Trưng Vương đã chuyển đổi công năng hoàn toàn. Cho nên BHXH đã phối hợp với Sở y tế TP thông báo cho những cơ sở y tế tạm ngưng hoạt động và chuyển đổi công năng là phải thông báo rộng rãi và niêm yết thông báo tại trụ sở của đơn vị y tế đó và hướng dẫn người dân đến khám chữa bệnh tại các đơn vị khác.

Ví dụ bệnh viện Trưng Vương khi chuyển đổi công năng thì sẽ hướng dẫn người dân sang khám chữa bệnh tại bệnh viên Nguyễn Trãi hoặc những bệnh viên quận huyện khác. Các bệnh viện quận huyện thì hướng dẫn người dân đi khám chữa bệnh thông tuyến, nghĩa là thông tuyến huyện và thông tuyến toàn quốc.

Còn đối với trường hợp nội trú thì bệnh nhân có thể thông tuyến tỉnh và có thể đi cấp cứu ở tất cả các bệnh viện bất kỳ.

Đến giai đoạn chuyển đổi công năng hoàn toàn hoặc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ hầu hết các bệnh viện thì BHXH TP cũng phối hợp với Sở y tế triển khai văn bản khám chữa bệnh, có nghĩa là người dân có thể khám bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hay chuyển tuyến gì nữa, khi phát sinh bệnh thì người dân có thể đến khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất.

Mới đây nhất, Bộ y tế có hướng dẫn các trạm y tế lưu động. Hiện nay, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức đã thành lập hàng loạt các trạm y tế lưu động hoạt động dày đặc tại các phường xã. Trong chức năng của các trạm y tế lưu động vừa có chức năng trách nhiệm chăm sóc các F0 vừa có chức năng khám chữa bệnh cấp tính, mạn tính.

Nếu trong giai đoạn giãn cách này, người dân có nhu cầu khám chữa bệnh thì có thể liên hệ đến các trạm y tế lưu động để được khám và cấp thuốc và các trạm đó sẽ thanh toán với cơ quan BHXH.

Như vậy, quyền lợi hưởng khám, chữa bệnh BHYT của người dân vẫn được đảm bảo.

*VOH: Cảm ơn bà !

Bình luận