Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Cuộc chiến” vỉa hè: Sao chưa có hồi kết?

(VOH) – Nhiều năm nay câu chuyện vỉa hè dành cho người đi bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh bị lấn chiếm vẫn chưa có hồi kết.

Vỉa hè chỉ gọn gàng đôi chút khi lực lượng chức năng ra quân dọn dẹp. Một thời gian sau, mọi thứ trở lại như cũ. Khi nào “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ có hồi kết?

Vỉa hè bị chiếm từ nội thành đến ngoại thành

“Xe hàng rong bán dọc đường, gây kẹt xe liên tục vào giờ sáng, chiều. Nhà nước quản lý được vụ này thì tốt, chứ để bán vậy thì vừa ô nhiễm môi trường, vừa kẹt xe” - anh Phạm Minh Tài (quận Tân Phú) bức xúc cho biết khi đi ô tô qua các tuyến đường như tỉnh lộ 10 - Bình Trị Đông (quận Bình Tân), Cách mạng tháng Tám (đoạn thuộc phường 12, quận 10).

Tình trạng hàng rong lấn vỉa hè diễn ra thường xuyên và gây bức bối cho người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện giành lại vỉa hè chưa có hồi kết khi mỗi lần địa phương ra quân dọn dẹp nhưng được một thời gian ngắn thì vỉa hè tiếp tục bị dân lấn chiếm để buôn bán.

“Cuộc chiến” vỉa hè: sao chưa có hồi kết ? 1

Vỉa hè trước khu dân cư Miếu Nổi (quận Phú Nhuận) bị quán cafe chiếm trọn

Có thể kể đến trường hợp đường Nữ Dân Công ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) được tu sửa xong năm 2020, thì đã có tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Phóng viên VOH đã từng có bài viết phản ảnh tình trạng này nhưng đến thời điểm hiện nay, theo người dân nạn lấn chiếm vỉa hè buôn bán lại càng nở rộ ra thêm. “Bây giờ họ lấn còn hơn trước đây, chưa tính lượng xe lôi bán hàng rong nữa. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Mấy đường xương cá như Rạch cầu Suối, Sư đoàn 9 có ngã 3, ngã 4 là bị lấn buôn bán hết luôn” - anh Lê Văn Bé (huyện Bình Chánh) cho biết.

Trên đường Cách mạng tháng Tám (đoạn thuộc phường 12, quận 10) là tuyến đường nội ô cũng bị nạn xe lôi lấn chiếm lòng đường buôn bán. Theo ghi nhận, tuyến đường này, đoạn đi qua tòa nhà Viettel có nhiều xe lôi xếp hàng dài bán trái cây. Vào buổi chiều thường có cảnh kẹt xe vì đường vốn đã hẹp lại còn bị lấn chiếm buôn bán kinh doanh. Càng ngày việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán càng trở nên nghiễm nhiên dẫn đến việc trong ý thức của nhiều người khi lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ thì như là việc gây khó dễ. Một người buôn bán “vô tư” phát biểu: “Ở đây để ý đô thị, công an như coi “trộm”. Họ hốt xe mình hoài, mất xe thì đi vay tiền mua lại cái mới” .

“Cuộc chiến” vỉa hè: sao chưa có hồi kết ? 2

Xe lôi chiếm lòng đường trên đường Cách mạng tháng 8 ( phường 12, quận 10) 

Gần đó, vỉa hè cạnh sân vận động Lan Anh cũng bị một số người dân chiếm buôn bán quán cơm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ông Nguyễn Đức Huy - Chủ tịch UBND phường 12, quận 10 cho biết, phường thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, đô thị dẹp nạn bán hàng trên xe lôi ở đây nhưng không phải lúc nào cũng có thể túc trực xuyên suốt cả ngày, khi lực lượng chức năng đi qua thì họ lại tiếp tục tràn ra buôn bán lại. “Phường cũng khó truy bắt họ vì họ chạy xe lôi nên dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Sắp tới, phường tăng cường thêm nhân sự, tiếp tục thu xe lôi của người vi phạm, thu thập nơi cư trú của người bán gởi về địa phương họ nhờ hỗ trợ” - ông Huy cho biết giải pháp.

Không để tình trạng trục lợi từ chính sách

Thành phố Hồ Chí Minh từng ban hành Quyết định số 699 năm 2013 cho phép sử dụng một phần vỉa hè lập bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh, buôn bán. Năm 2018, Sở Giao thông vận tải có trình lên Ủy ban nhân dân Thành phố dự thảo nhằm thay thế cho Quyết định 74 năm 2008 về việc quản lí và sử dụng lòng đường, hè phố; trong đó phần vỉa hè rộng 3m có phần ưu tiên dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Tuy nhiên, từ đây lại dẫn đến tình trạng trục lợi từ chính sách.

Điển hình tại cổng các bệnh viện như bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Đại học Y dược, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và nhiều bệnh viện khác tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra tình trạng dùng vỉa hè để làm bãi giữ xe, không còn một mét đất nào cho người đi bộ. Vì thế, tháng 5/2022, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị này chấn chỉnh lại hoạt động trông coi bãi giữ xe.

“Cuộc chiến” vỉa hè: sao chưa có hồi kết ? 3
Vỉa hè đoạn trước bệnh viện Vạn Hạnh xe máy đậu kín. 

Ghi nhận tại bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh (phường Võ Thị Sáu, quận 3) ngày 22/6, toàn bộ vỉa hè được trưng dụng để làm chỗ giữ xe. Nhân viên giữ xe cho biết, vì lượng người tới khám bệnh quá đông nên bãi giữ xe ở đây cũng quá tải. Nếu không tổ chức giữ xe cho dân đi khám bệnh, thì khu vực này không còn chỗ nào khác để trông xe. Ngoài ra, khu vực trước cổng bệnh viện Mắt cũng vô cùng bát nháo vào buổi sáng vì cảnh người dân lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. “Lực lượng của phường chỉ có thể đảm bảo trật tự ở đây tới 8h sáng, sau đó phải đi làm công việc khác nữa. Nếu mình bố trí người trực chốt luôn từ sáng đến chiều thì sẽ không đủ lực lượng đi xử lý ở các điểm khác” - ông Nguyễn Thái Long Hải - Phó chủ tịch UBND phường Võ Thị 6 cho biết khó khăn chung của địa phương

Ngày 25/6, ghi nhận ở vỉa hè trước bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (quận 10) cũng kín mít xe máy đậu. Bãi giữ xe này chiếm hết 2m vỉa hè, không còn một lối nào cho người đi bộ, dù đối diện là khu mua sắm Vạn Hạnh mall có bãi giữ xe rất lớn. Gần đó là các cửa hàng buôn bán cũng thi nhau chiếm trọn vỉa hè.

Theo danh mục các tuyến đường được phép sử dụng một phần tạm thời vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa (Quyết định 699) chỉ có hai quận 5 và 6. Với đề xuất của Sở Giao thông vận tải cho phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và chừa lại phân nửa vỉa hè cho dân đi nhưng thực tế, hầu hết các vỉa hè trong thành phố đều bị lấn chiếm cho kinh doanh. Vỉa hè càng rộng thì người dân càng “bành trướng” chiếm thêm vì lợi nhuận. “Tôi nghĩ cơ quan chức năng có thể đưa ra quy định xử phạt trường hợp chủ nhà cho thuê mặt bằng kinh doanh nếu để người thuê lấn chiếm vỉa hè. Chủ nhà phải có nhiệm vụ nhắc nhở người thuê chấp hành quy định của nhà nước vì khi cho thuê nhà, họ đều có nhận tiền cọc và  có các giao ước liên quan với người thuê” - anh Phạm Minh Tài đề xuất

Trước đây, các chuyên gia giao thông như TS. Phạm Sanh, PGS. TS Lưu Đức Hải đã đưa ra những lo ngại khi Sở Giao thông vận tải đề xuất cho phép người dân sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Thực tiễn nhiều năm qua đã cho thấy, chính sách tốt tạo điều kiện cho người dân mưu sinh nhưng vô tình bị trục lợi khi ít người biết chấp hành đúng, còn trách nhiệm kiểm tra giám sát chính sách lại đè nặng lên lực lượng địa phương. Đã đến lúc Thành phố cần có kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè lòng đường bài bản. Cuộc chiến giành vỉa hè lại cho người đi bộ cần có một hồi kết, không thể vì lợi ích tức thời mà quên việc tạo nên một diện mạo đô thị chỉnh chu.

Bình luận