Tiêu điểm: Nhân Humanity

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết

(VOH) - Các doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn vì mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết để tìm phương thức giải quyết.

Để thích ứng và phát triển trong tình hình dịch bệnh COVID-19, người dân, doanh nghiệp cần làm gì để hồi phục kinh tế, xây dựng đời sống an sinh, đảm bảo sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường?

Sau đây, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, Sáng lập viên trường Doanh thương Trí Dũng, người đã có nhiều năm sống, làm việc tại Nhật Bản cũng như tại TPHCM chia sẻ cùng Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH).

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết 1
Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng - Ảnh: NVCC

"Sau ngày 1/10/2021 đã 4 tuần qua, mọi việc cũng tương đối, bắt đầu bước vào phục hồi kinh tế có nhiều thuận lợi. Tôi nghĩ vấn đề chính đối với nhà nước phải quan tâm đến an sinh, nghĩ đến người dân.

Sức chịu đựng của dân đã đến mức giới hạn, cũng may là chúng ta cũng đã giải quyết kịp thời. Ra đường thấy sức phục hồi của dân cũng rất tốt, mọi người tự lo, tự làm, không khí tích cực chiều hướng rất tốt. Vấn đề hiện nay là sức dân, các doanh nghiệp hiện nay, cần nhất mấy vấn đề sau:

Trước nhất là sức mua của dân, hiện nay có hay không? Những ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, là những đơn vị thiệt thòi nhất, thì nhà nước có chính sách cho vay, với ngân sách hỗ trợ có giới hạn nên vấn đề còn lại là tạo được sức mua. Sức mua không có thì doanh nghiệp cũng không thể vay... 

Một vấn đề nữa, hệ thống phân phối của chúng có rất nhiều sơ hở. Đông người tập trung vào chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa thì phải đóng cửa vì đe dọa dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần hợp tác với nhà nước để giải quyết vấn đề này. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu dịch tái phát, rất nguy hiểm.

Qua vấn đề này có hàng triệu cửa hàng tạp hóa của dân vừa qua bị tê liệt. Chúng ta đã chích vắc-xin, đã có những bài học rất quí giá sau đợt dịch này, nghĩa là phải làm sao khai thác bằng được các cửa hàng này, không chỉ phân phối tập trung vào siêu thị, trung tâm thương mại, chợ không thôi mà còn phải phân vào các cửa hàng tạp hóa nằm sẵn trong khu dân cư.

Qua kinh nghiệm từ Nhật Bản, theo thống kê cho thấy việc đi lại của dân không phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc truyền nhiễm. Dịch chỉ truyền nhiễm trong không gian kín, số lượng người đông và có những tiếp xúc gần gũi. Đây là điểm chúng ta cần quan tâm. Các cửa hàng nhỏ lẻ, người mua không tập trung, lại có 5K, chính sách phòng bị tốt thì nên phát triển thêm vai trò các cửa hàng tạp hóa như vậy khắp nước.

Trong phong tỏa này, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành kinh tế thiệt hại nhưng ngân hàng thì báo cáo rất có lời. Nên vai trò của ngân hàng kể cả ngân hàng nhà nước và tư nhân phải làm sao tập trung thúc đẩy sức mua của dân và tổ chức lại vấn đề phân phối trong một thành phố lớn như TPHCM thì mới giải quyết được vấn đề mang tính cơ bản được.

Khu công nghiệp chúng ta xây dựng, khai thác kinh tế, nhưng người làm việc trong khu công nghiệp không được tổ chức về mặt xã hội tốt là cảnh báo cho các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn phong tỏa điều kiện làm việc “3 trong 1” hết sức ngặt nghèo, hết sức khó khăn. Các doanh nghiệp cũng khó thực hiện được việc này. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn cho người lao động, nếu việc này được tổ chức tốt thì tôi nghĩ đó mới là điểm xuất phát lại trong tương lại.

Các doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn vì mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết để tìm phương thức giải quyết. Tất cả không thể dựa vào nhà nước được, nhà nước chỉ hỗ trợ, đưa ra chính sách còn doanh nghiệp nên liên kết, dành nhiều thời gian sinh hoạt với nhau, dành nhiều thời gian để phân tích các khó khăn vừa qua, dành nhiều thời gian để tổ chức các liên kết. Nếu cách làm mỗi doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy lo, ai giỏi thì lo tốt, ai không giỏi thì tự chết, tôi cho đây là một cảnh báo chung cho cơ cấu doanh nghiệp của chúng ta.

Truyền thống của dân tộc chúng ta, khi có khó khăn thì có sự đoàn kết, khi có khó khăn thì lại thể hiện được năng lực. Tôi hy vọng, qua dịp này, doanh nghiệp tìm ra được hướng mới cho chính mình. Đề tài tôi vẫn kêu gọi là cùng chung tay góp sức để xây dựng tương lai của chính chúng ta.

Tinh thần của người Nhật Bản, họ được thế giới đánh giá cũng vì tinh thần này thôi. Tinh thần lúc nào cũng cải thiện, lúc nào cũng phải đổi mới, lúc nào cũng phải nhận ra khuyết điểm của mình trong quá khứ mà vượt lên tất cả những điều đấy để xây dựng tương lai.

Đây chính là tinh thần tôi muốn chia sẻ với các doanh nghiệp chúng ta.

Xin cảm ơn"

Bình luận