Tiêu điểm: Nhân Humanity

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Khẩn trương củng cố hệ thống y tế cơ sở

(VOH) - Qua đợt bùng phát dịch Covid 19 lần thứ 4 đã cho thấy vai trò rất quan trọng của y tế cơ sở, nhất là các Trạm y tế, xã phường, thị trấn.

Đây chính là pháo đài vững chắc để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nắm sát tình hình dịch bệnh của địa phương. Thế nhưng với một đô thị đông dân như TPHCM thì việc phân bổ nhân viên y tế, bác sĩ cho các trạm y tế tính trung bình như cả nước từ 5 đến 10 người là chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.

Trong khi trung bình một trạm y tế của các xã ở các tỉnh chỉ phụ trách chăm sóc sức khỏe cho khoảng từ 8.000 đến 18.000 dân, thì trung bình ở TPHCM mỗi trạm y tế phụ trách địa bàn khoảng 50 ngàn dân, thậm chí có nhiều xã, phường lên đến hơn 100 ngàn dân.

Với đội ngũ nhân viên y tế khiêm tốn ấy thì trong suốt nhiều tháng qua, họ phải cố gắng rất nhiều, dành hết thời gian vẫn chưa thể giải quyết nhu cầu của người dân, nhất là trong bối cảnh chăm sóc F0 tại nhà như hiện nay. Thực tế do quá tải công việc, trong khi thu nhập chưa tương xứng nên từ đầu năm đến nay đã có khoảng 1.000 nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc.

Trước những yêu cầu cấp bách để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới và đảm bảo chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người dân, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết đã trình các kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét và mong sớm được chấp thuận.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng.

Nghe nội dung tại đây.

"Hiện nay, cả thành phố của chúng ta có chỉ số bác sĩ là 20 bác sĩ/10.000 dân, con số này cao gấp đôi so với chỉ số cả nước, cả nước chỉ có khoảng 10 bác sĩ/10.000 dân. Tuy nhiên, nhìn ra các nước trên thế giới, cụ thể là các nước có hệ thống y tế tương đối phát triển thì chỉ số bác sĩ của họ dao động từ 36 cho đến 62 bác sĩ/10.000 dân, để cho thấy số bác sĩ còn rất thấp so với nhu cầu.

Thực tế đã chứng minh, bình thường thì không thấy thiếu nhưng khi dịch bùng phát lên là thiếu bác sĩ.

Đối với cơ sở, đặc biệt là trạm y tế thì thành phố chúng ta gần như thấp nhất trong cả nước, chỉ có 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân, so với cả nước là khoảng 7 và Hà Nội khoảng 6,8.

Ngành y tế đã xây dựng đề án và đã có tờ trình gửi đến Thường trực UBND thành phố đề xuất các cơ chế chính sách để củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm dịch hiệu quả. Cụ thể thì chúng tôi có đề xuất một số chính sách.

Thứ nhất là chính sách để giữ chân nhân viên y tế, làm thế nào để nhân viên y tế an tâm công tác, bớt nghỉ việc. Chúng tôi có kiến nghị chính sách hỗ trợ thu nhập, trước mắt là hỗ trợ thu nhập. Cụ thể là bác sĩ đang công tác ở trạm, làm thế nào được thêm 1,5 lần lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng thì được 1 lần lương tối thiểu vùng. Thứ hai, chúng tôi kiến nghị làm thế nào thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các trạm y tế. Chúng tôi trao đổi rất nhiều và làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chúng tôi kiến nghị cơ chế rất mới, chưa có áp dụng bao giờ và mong sẽ được sớm được thông qua.

Theo luật thì bác sĩ mới tốt nghiệp phải về các bệnh viện của thành phố hoặc bệnh viện quận, huyện để thực hành 18 tháng thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề, sau đó mới thật sự được hành nghề. Chúng tôi kiến nghị là bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì về bệnh viện thực hành 18 tháng thì về y tế cơ sở thực hành 12 tháng, 6 tháng thực hành ở bệnh viện. Nghĩa là rút ngắn bớt thời gian ở bệnh viện mà xuống y tế cơ sở để thực hành.

Điều này theo chúng tôi rất có lợi cho cả hai phía. 

Bản thân bác sĩ mới tốt nghiệp được về cơ sở, gần dân hơn, hiểu dân hơn thì sau này công tác cho dù ở đâu cũng thuận lợi hơn. Thứ hai là rất có lợi cho cơ sở y tế, đặc biệt là trạm y tế.

Mỗi năm chúng ta ước tính ít nhất khoảng 500 bác sĩ luân phiên xuống các trạm y tế. Như vậy, lúc nào cũng có một lực lượng bác sĩ xuống để vừa công tác mà vừa thực hành, để lấy chứng chỉ.

Để cho các bác sĩ an tâm thì chúng tôi kiến nghị là thành phố sẽ hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho các bác sĩ trong thời gian xuống trạm y tế với mức khoảng 1,5 lần lương tối thiểu vùng nghĩa là khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Bình thường bác sĩ mới tốt nghiệp phải đóng tiền thực hành ở cái bệnh viện thì các bác sĩ này không phải đóng tiền mà 18 tháng xong nếu đủ điều kiện vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề.

Tiếp theo chúng tôi đề xuất tăng định biên cho trạm y tế.

Theo quy định cũ hiện nay thì giao định biên tối thiểu là 5, tối đa là 10 nhân viên y tế cho một trạm y tế. Thành phố mình thì dân số giữa các phường, xã rất khác nhau. Thí dụ quận 3 thì khoảng 20 ngàn còn ở Bình Tân thì 1 phường có thể lên tới 120 ngàn đến 140 ngàn mà biên chế trạm y tế thì vẫn ngang nhau tối đa là 10. Điều này rất bất cập.

Về lâu dài, chúng tôi rất mong Quốc hội xem xét điều chỉnh lại toàn bộ. Nghĩa là phân biên chế cho trạm y tế không theo ranh giới hành chính nữa mà theo dân số. Lý tưởng nhất là cứ 10.000 dân là một trạm y tế nhưng điều này đòi hỏi một thời gian dài chỉnh sửa.

Trước mắt chúng tôi kiến nghị là tăng gấp đôi, thay vì tối thiểu là 5 thì tối thiểu là 10, tối đa là 20. Tính ra là cần bổ sung định biên là lên 4.126 biên chế, tăng thêm khoảng 1.800 biên chế. 

Bình luận