Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng của CNH-HĐH đất nước

(VOH) - Sáng 28/7, Ban Kinh tế TW phối hợp Thành ủy TPHCM và ĐH Quốc gia TPHCM, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách CNH - HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 300 đại biểu từ các cấp, hơn 70 tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương và các viện nghiên cứu, trường đại học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực và là nhiệm vụ then chốt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; là chìa khóa phát triển đất nước theo hướng hiện đại và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng của CNH-HĐH đất nước 1
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo.

Ngay từ những năm đầu đổi mới, TPHCM đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ then chốt, với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và mạng lưới hạ tầng thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng: “Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực và trên thế giới. Từ hội thảo này, TPHCM sẽ có cơ hội tiếp thu thêm những thông tin thiết thực, bổ ích, giúp cho thành phố có cơ sở lý luận, thực tiễn để đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đổi mới sáng tạo, có tiềm lực khoa học công nghệ vững mạnh, sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại quốc tế và đưa các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược và quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đã được đặt ra tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội 6 đến Đại hội 13, đã có những thay đổi quan trọng về nhận thức, lý luận, tạo bước ngoặt cho sự phát triển”.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng của CNH-HĐH đất nước 2
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại hội thảo.

Trình bày tham luận Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho hay, định hướng chung trong phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thành phố giai đoạn 2021 – 2030 là Công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển đô thị và kinh tế tri thức trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số, với một số định hướng chủ yếu.

“Thứ nhất là ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất. Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Thứ ba, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả chú trọng nguồn lực từ khu vực tư nhân và xã hội. Thứ tư, điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ năm, phát triển liên kết vùng trên cơ sở xóa bỏ tư tưởng từng địa phương quy hoạch đô thị phân mảng thiếu liên kết, phát triển tự phát, hướng đến quy hoạch tổng thể vùng, tận dụng thế mạnh của nhau. Thứ sáu, phát triển kinh tế biển. Thứ bảy, tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Thứ tám, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới. Đây được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thách thức thời đại, đồng thời tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng của CNH-HĐH đất nước 3
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định: “Cuối cùng, phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn".

Có thể thấy rằng, các báo cáo, tham luận đã phản ánh sát những vấn đề lý luận - thực tiễn đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm rõ thêm các cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế; cùng với những ý kiến trao đổi, thảo luận góp ý tại hội thảo ngày hôm nay sẽ là tư liệu hết sức thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách  công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bình luận