Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ 289 đại biểu trí thức thành phố

VOH - Ngày 22/12, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 với sự tham gia của 289 đại biểu trí thức hàng đầu, đại diện cho đội ngũ trí thức thành phố.

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

nen 1_voh
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: SGGP

Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 là dịp để lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, những đề xuất, hiến kế của đại biểu trí thức TPHCM trên các lĩnh vực.

TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

TPHCM luôn xem việc xây dựng, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đây là lực lượng giàu tâm huyết, nắm giữ nguồn tri thức chủ yếu và có sứ mệnh lớn lao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

mai_voh
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gặp gỡ trí thức trên địa bàn thành phố. - Ảnh: SGGP

Thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ trí thức, thu hút nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Sự ra đời của Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong chiến lược phát triển quốc gia đã trở thành một cột mốc quan trọng đối với công tác tập hợp, đãi ngộ và phát triển đội ngũ trí thức.

TPHCM đã đầu tư xây dựng các thiết chế để tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thu hút trí thức khoa học và công nghệ tham gia nghiên cứu, học tập, sản xuất, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong đó có Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, và Trung tâm Công nghệ sinh học. Những cơ sở này đã trở thành điểm tựa để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.

Hiện TPHCM có hơn 21.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; 135 nhóm nghiên cứu mạnh và năng động tham gia hợp tác quốc tế. Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài cũng thu hút khoảng 200 trí thức Việt đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực tại các nước.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, tăng cường đặt hàng nghiên cứu, và hỗ trợ tốt hơn cho các nhà khoa học đầu ngành cũng như các trí thức trẻ.

toan cxanh_voh
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh SGGP

TPHCM đã ban hành các chính sách thu hút nhân tài, trong đó có Nghị quyết 20 và Nghị quyết 04 về mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Theo chính sách mới, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt sẽ được ký hợp đồng theo nhiệm vụ cụ thể và nhận trợ cấp ban đầu lên đến 100 triệu đồng.

TPHCM không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức làm việc mà còn tổ chức nhiều hoạt động gắn kết trí thức với thực tiễn. Thành phố thường xuyên tổ chức các chuyến thăm các công trình trọng điểm, về nguồn, thăm quân dân tại quần đảo Trường Sa, đồng thời có chính sách thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe đối với các trí thức, văn nghệ sĩ lớn tuổi, neo đơn.

Đội ngũ trí thức TPHCM hiện có khoảng 1,6 triệu người, trong đó hơn 18.000 là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành và nghệ sĩ nhân dân. Lực lượng này tập trung ở 109 trường đại học, 371 tổ chức khoa học công nghệ, 78 viện nghiên cứu, chiếm trên 20% tổng số trí thức cả nước.

Bình luận