Đã nhiều lần tổ chức “về nguồn”, nhưng đây là chuyến về căn cứ với rất nhiều cảm xúc và ý nghĩa đặc biệt. Hòa bình đã qua 50 năm, đất nước đã đổi thay kỳ diệu.

Những cán bộ Đài Giải phóng nay đã sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tóc đã bạc trắng, nhiều anh chị em đã mất, cơ hội trở về thăm căn cứ năm xưa gần như chỉ còn lần này - và rất ý nghĩa khi có sự đồng hành của thế hệ tiếp nối là cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - là hậu duệ của Đài Phát thanh giải phóng.
50 năm qua, các em, các cháu đã phát huy truyền thống Tiếng nói phát thanh cách mạng, Tiếng nói của nhân dân, tạo dựng nên thương hiệu “Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - VOH" uy tín, rộng lớn trong thời bình!
Hôm nay trở về cội nguồn, chúng ta bồi hồi nhớ lại lịch sử ra đời của Đài Phát thanh giải phóng 63 năm trước - 1962.
Thời kỳ ấy thế giới có hàng trăm, hàng ngàn đài phát thanh, nhưng khi Đài Phát thanh Giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, cất lên tiếng nói giữa rừng sâu, giữa bom đạn kẻ thù, đã làm thế giới chăm chú dõi theo. Tiếng nói “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng - Tiếng nói đấu tranh của nhân dân miền Nam, của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”… vang lên dõng dạc và đanh thép.

Một Đài Phát thanh mang sứ mạng đặc biệt: tố cáo tội ác chiến tranh, cổ vũ tinh thần đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước. Đó còn là Tiếng nói dũng cảm của thời đại - chúng ta đứng lên tuyến đầu, chiến đấu và chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.
Quá trình tồn tại và phát triển, Đài Phát thanh Giải phóng phải vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ. 12 năm phát sóng là từng ấy năm bị đối phương truy đuổi, càn quét, bao vây, trút bom đạn. Trong cuộc sống ác liệt ấy, cán bộ công nhân viên Đài đã ghi dấu những chiến công bằng máu của mình. 24 liệt sĩ đã hy sinh, 4 người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng, diệt máy bay.
Đài Phát thanh Giải phóng được nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là một Huyền thoại.

Chúng ta nói “huyền thoại” là những điều phi thường, điều không thể lại trở thành có thể, là điều vĩ đại nuôi mãi một cảm xúc lớn lao, sâu đậm, cổ võ, lâu bền. Có hàng ngàn đài phát thanh, nhưng đặc sắc, chói sáng, hoàn thành sứ mạng lịch sử, với một vị thế xứng đáng trong lịch sử cách mạng, lịch sử phát thanh - chỉ có thể là Đài Phát thanh Giải phóng - Trung ương cục miền Nam.
Có một câu thơ cổ đang đúng với cảm xúc dâng trào với chúng ta bây giờ: “Người lính già đầu bạc - ngồi kể chuyện Nguyên Phong”. Thế hệ trẻ tiếp sau Đài Giải phóng là cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần theo cha anh về nguồn, nghe kể những câu chuyện truyền thống một thời hào hùng và lãng mạn. Họ đã xây dựng nên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - VOH - một thương hiệu uy tín rộng lớn.
Rồi sẽ có ngày ta nhớ về nguồn - "riêng một góc trời" của một thế hệ "huyền thoại" phát đi Tiếng Nói chính nghĩa - thắp sáng khát vọng tự do của nhân dân miền Nam - đất miền Đông gian lao mà anh dũng - một vùng đất thiêng liêng - vùng đất trí tuệ, đầu não, không phải nơi đâu cũng có được.
Vùng đất này nổi tiếng với các tướng: Huỳnh Văn Nghệ cùng câu thơ nổi tiếng “Từ thuở mang gươm đi mở cõi - Trời nam thương nhớ đất Thăng Long”; là tướng Nguyễn Bình - một trong hai tướng đầu tiên - cùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp - được Bác Hồ phong và cử vào xây dựng cách mạng ở đất này.
Và chúng ta còn nhớ mãi mảnh đất thiêng này với bài hát “Lên ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt: “Hò ơ… dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi, trên sông Vàm cỏ Đông… nước chảy ngược dòng… hò ơi!”; bài “Nhạc rừng” “Có anh chiến sĩ đi qua khi rừng vắng, anh cười một mình… rồi cất tiếng hát vang…” và còn đây, ta mãi mãi không quên: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam”.
Đã một thập kỷ vang dội trong đạn bom. Đó là một huyền thoại, một tình yêu vô bờ, một thời tự hào của tuổi trẻ - đời người của mỗi chúng ta.
Nghiêng mình chào quá khứ vẻ vang, hướng tới Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta thắp nén hương thơm trước vong linh anh hùng liệt sĩ - máu các Anh, Chị đã đổ cho ngày toàn thắng, đất nước thống nhất.
Chúng ta, thế hệ đi trước, thế hệ trẻ tiếp sau hãy biết ơn họ, mãi mãi đặt các Anh hùng ấy - Tượng đài ấy trong trái tim mình.
Đỗ Xuân Kỳ - Nguyên Phó Giám đốc VOH