Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2021 là hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3000 doanh nghiệp

(VOH) - Trong giai đoạn 2016-2020, về hạ tầng, TPHCM đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc (khoảng 33.032 m2) và các không gian đổi mới sáng tạo.

Sở khoa học và công nghệ TPHCM báo cáo kết quả hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TPHCM trong giai đoạn 2016-2020. Về hạ tầng, Thành phố đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc (khoảng 33.032 m2) và các không gian đổi mới sáng tạo.

Theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 của Sở khoa học và công nghệ TPHCM, các hoạt động nền tảng hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM sẽ được chia thành 4 nhóm.

Đầu tiên là về huấn luyện (truyền cảm hứng, chiếm tỷ trọng khoảng 30%), tổ chức các sự kiện kết nối (30%), ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mưới sáng tạo (50%) và tăng tốc cho các dự án. VOH phỏng vấn ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

* VOH: Ông cho biết kết quả đạt được trong năm 2020 trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Tiếp nối kết quả đạt được của các năm trước, năm 2020, hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được thực hiện thông qua nhiều nhiều gói chính sách hỗ trợ của Sở KH&CN. Một số kết quả tiêu biểu:

Hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp (tư vấn, đào tạo, kết nối,…) cho gần 280 dự án khởi nghiệp sáng tạo; Tổ chức gần 200 sự kiện về hoạt động ĐMST và khởi nghiệp tại Không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - Sihub, thu hút trên 7.300 lượt người tham dự; Phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 12 cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt trong năm 2020, Sở đã chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đại học quốc gia Tổ chức Cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) của thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 (HAI-2020)” thu hút 108 dự án đăng ký tham gia. Chương trình Speedup 2020 đã ký hợp đồng hỗ trợ cho 8 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ là 5,525 tỷ đồng, có 6 dự án có đối ứng với tổng số tiền đối ứng là là 4,025 tỷ đồng;

Đồng thời, tổ chức triển lãm cho 200 gian hàng sản phẩm, công nghệ và và tổ chức hơn 30 sự kiện trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – WHISE 2020, Ngày hội Khởi nghiệp Vùng – TECHFEST Vùng 2020 và Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 – AI4VN 2020 với hình thức trực tuyến và trực tiếp. 

Tổ chức Giải thưởng I-Star lần 3 thu hút hơn 300 hồ sơ đăng ký tham gia, từ đó chọn được 40 hồ sơ có lượt bình chọn cao nhất từ cộng đồng vào vòng chung kết. Sau quá trình xác minh thực tế cùng tư vấn của các chuyên gia đại diện của hệ sinh thái, Ban tổ chức đã chọn được 10 hồ sơ xuất sắc nhất tương ứng với 4 đối tượng để trao Giải thưởng I-Star năm 2020 với số tiền 50 triệu/giải.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Thành phố trong giai đoạn 2021-2025, Sở đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng.

* VOH: Được biết, Sở đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025, ông cho biết cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều khởi sắc trong thời gian qua và sự liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái ngày càng chặt chẽ hơn, tuy nhiên vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khá mờ nhạt.

Chế độ chính sách để thúc đẩy KH&CN phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo. Mối liên kết trong hoạt động KH&CN giữa trường - viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ và bền vững.

Lực lượng cán bộ KH&CN còn thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo,…

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, ĐMST, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 gồm có 8 nhóm nhiệm vụ và 23 dự án con trong đó có 7 nhóm nhiệm vụ chính là: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

* VOH: Để hỗ trợ các đối tượng khởi nghiệp, Sở sẽ tiếp tục phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM trong năm tới với những giải pháp mới nào?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 là nền tảng chính sách quan trọng để tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Chỉ tiêu của đề án đến năm 2021 là hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3000 doanh nghiệp; Hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

* VOH: Cảm ơn ông ! 

Bình luận