Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tâm và tình của người Thành phố Hồ Chí Minh!

(VOH) - Truyền thống nhân văn, nghĩa tình, sẻ chia là một trong những hình ảnh rất đẹp và đã tồn tại từ rất lâu trong mỗi người dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Những nghĩa cử, những việc làm ý nghĩa ấy đã giúp cho biết bao hoàn cảnh khó khăn vượt qua những biến cố cuộc sống, để tiếp tục vững bước cho tương lai. Thực tế ấy một lần nữa được chứng minh, khi hơn 3 tháng qua là những ngày tháng mà Thành phố Hồ Chí Minh phải gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 nguy hiểm hơn, phức tạp hơn. Khó khăn là vậy, vất vả là vậy, nhưng trong số hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố, không một ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả mọi người đều được chăm sóc sức khỏe, chăm lo các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong đó có sự tiếp sức rất lớn từ những tổ chức, cá nhân thiện nguyện.

tam-va-tinh-cua-nguoi-thanh-pho-ho-chi-minh-voh.com.vn-anh1
"Gian hàng 0 đồng" tại phường 3, quận 8, TPHCM. (Ảnh: SGGP)

Đến thời điểm này khó ai có thể đếm được tại Thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu bếp ăn từ thiện, chuyến xe nghĩa tình, ATM gạo miễn phí, Siêu thị 0 đồng, nhà trọ giảm giá, quầy sữa yêu thương, hộp cơm nghĩa tình… Từ một vài mô hình của một số cá nhân, đơn vị triển khai trong phạm vi hẹp dần dần đã nhân rộng ra khắp các quận huyện và thành phố Thủ Đức, với mong muốn được chia sẻ nhiều hơn cho người dân của mình đang gặp khó khăn. Đáng quý hơn tất cả những mô hình, những việc làm ý nghĩa ấy đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện của những cá nhân, tổ chức trước những khó khăn mà đồng bào của mình đang gặp phải với 2 chữ “ tâm và tình”.

Ông Huỳnh Văn Tẩn - Giám đốc Truyền thông đối ngoại PNJ - đơn vị đồng tổ chức các siêu thị mini 0 đồng trong mùa dịch chia sẻ: “Chúng tôi sẽ cố gắng mở nhiều điểm để phục vụ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh mất việc làm để tạo thêm động lực cho họ vượt qua khó khăn trong đại dịch. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều địa phương khác”.

Đó là sự sẻ chia yêu thương, là tình người, là sự tương thân tương ái, là những nghĩa cử đẹp mỗi ngày được nhân rộng hơn, sáng tạo hơn để kịp thời an ủi, động viên nhau và truyền cho nhau năng lượng tích cực, mang đến hy vọng, niềm tin ở một ngày mai tốt đẹp hơn. Không cần biết nhau, chỉ cần một dòng chia sẻ hay một lời kêu gọi trên mạng xã hội thì những tấm lòng nhân văn, những sự quan tâm sẻ chia cũng đã tìm đến nhau. Tất cả họ chỉ mong muốn mang đến những bữa ăn, những món quà dù nhỏ về giá trị, nhưng lớn về tinh thần, để cùng những người khó khăn vượt qua thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp này. Dù không phải là người quá dư giả về tài chính, nhưng ông Trần Văn Hùng ở Quận 5 vẫn đều đặn đóng góp cho bếp ăn thiện nguyện trên địa bàn từ đầu mùa dịch đến nay. “Mnh cảm nhận được sự thiếu thốn của những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh nên hỗ trợ để họ vượt qua. Nếu mình không chia sẻ thì họ đi ra đường nhiều hơn, lây lan dịch bệnh nhiều hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Thời gian qua, cùng với những bếp ăn miễn phí, những siêu thị 0 đồng, những giỏ quà đầy yêu thương để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, thì rất nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Thành phố cũng nhập cuộc với tinh thần cùng chung tay chia sẻ, tiếp sức bằng cách giảm, miễn tiền thuê hàng tháng để những người ở trọ cảm thấy ấm áp và yên tâm hơn tại thành phố này. Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ nhà trọ ở thành phố Thủ Đức là một trong số nhiều chủ nhà trọ khác đã làm việc này từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay. “Những hộ thuê nhà thì người ta làm lương ít ỏi, nên tôi đã vận động các chủ nhà trọ khác cùng với tôi giảm tiền thuê trọ cho ngững người khó khăn”, bà Hồng cho hay.

Những con cá, bó rau, ký gạo, hộp cơm, giỏ quà… với những người bình thường chẳng có giá trị bao nhiêu, nhưng với những hoàn cảnh khó khăn đôi khi trở thành một điều ước. Và điều ước ấy không phải do ông Tiên ban tặng, mà chính những tấm lòng nhân ái, những con người hiện hữu đã tìm đến nhau và cùng chia sẻ lẫn nhau. Hơn ai hết, với những người đang cần trong bối cảnh khó khăn thì niềm vui sẽ nhân lên gấp bội.

“Khu vực này chúng tôi ở đa số là bán vé số, lượm ve chai nên đa số gặp khó khăn, nên rất cám ơn sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Chúng tôi thấy những việc làm của các đơn vị, cá nhân rất có ý nghĩa, giúp rất nhiều cho những hoàn cảnh khó khăn”, một người dân gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, là thời điểm mà tình thương yêu được thể hiện một cách sâu nặng, ấm áp, lan tỏa đến từng hoàn cảnh khó khăn trên khắp thành phố này.  Có thể thấy bên cạnh những chính sách an sinh xã hội tích cực, đầy tính nhân văn, trách nhiệm nghĩa tình của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, thì chủ trương huy động sự đóng góp của xã hội cũng được thực thi mạnh mẽ để cùng với thành phố chăm lo tốt hơn cho người dân khó khăn. Từ đó, các nhóm thiện nguyện, những cá nhân tình nguyện với đầy đủ thành phần: trí thức, văn nghệ sĩ, thầy cô giáo, doanh nhân, doanh nghiệp, bác sĩ, sinh viên, học sinh, bộ đội, công an, các thành phần tôn giáo… xuất hiện ngày càng nhiều hơn với tinh thần siết chặt tay nhau, người có nhiều góp nhiều, kẻ có ít góp ít, người góp công, người góp của tất cả cùng hướng về những người khó khăn.

Trân quý những tình cảm ấy, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Mỗi ngày, chúng ta thấy rất nhiều cách làm sáng tạo và tấm lòng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không thể nào đong đếm được những tình cảm của người dân với nhiều việc làm ý nghĩa. Mỗi hành động dù rất nhỏ nhưng đã cộng hưởng với nhau thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc”.

Theo thời gian, sự lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp, việc làm thiện nguyện ý nghĩa càng được nhân rộng, để chuyển tải những thông điệp yêu thương đến tất cả mọi người đã và đang gắn bó với Thành phố văn minh, hiện đại nhưng rất nghĩa tình này. Từ lâu, nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, và cũng là một động lực quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực, nhất là trong những lúc khó khăn để cùng nhau vượt qua và tích cực đóng góp cho quá trình phát triển, đưa Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên tầm cao mới, trở thành “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”.

Bình luận